Thúc đẩy năng lượng xanh: Lợi ích kép cho doanh nghiệp

Thúc đẩy năng lượng xanh: Lợi ích kép cho doanh nghiệp
7 giờ trướcBài gốc
Chính sách cho năng lượng xanh ngày càng hoàn thiện
Phát biểu tại Diễn đàn Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào chiều 15/5, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng: Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên và tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026 - 2030. Điều này đòi hỏi điện năng sẽ tăng trưởng gấp 1,5 lần.
Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Việt Nam đã triển khai một loạt chính sách và kế hoạch chiến lược, trong đó nổi bật nhất là việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã nâng tổng công suất nguồn điện lên khoảng 183 - 236 GW (Gigawatt) vào năm 2030, nhằm đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng của nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng.
Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: NH
Về chính sách thúc đẩy năng lượng xanh, theo ông Hoàng Quang Phòng, đến tháng 3/2025, Chính phủ đã ban hành một loạt các cơ chế, chính sách như Nghị định số 57/2025/NĐ-CP quy định về Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn; Nghị định số 58/2025/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới.
“Các chính sách này đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho kế hoạch thực hiện xanh hóa, chuyển dịch sang sử dụng năng lượng sạch của doanh nghiệp. Những chính sách trên đã góp phần không nhỏ giúp doanh nghiệp chủ động và mạnh dạn hơn trong lộ trình thực hiện chiến lược phát triển xanh và bền vững” - Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng thông tin.
Cũng đánh giá cao những chính sách phát triển năng lượng xanh thời gian qua, ông Nguyễn Ngọc Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương cho rằng: Bên cạnh Quyết định số 215/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Quy hoạch điện VIII, Chính phủ cũng liên tục hoàn thiện khung pháp lý để khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển năng lượng tái tạo.
Trong đó, Nghị định 57/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn. Cơ chế DPPA (Direct Power Purchase Agreement) cho phép các doanh nghiệp có thể ký hợp đồng mua điện tái tạo trực tiếp từ các nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió thay vì mua qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) như trước đây.
"Việc mở ra cơ chế DPPA sẽ tạo điều kiện cho các nhà máy trong khu công nghiệp chủ động tiếp cận nguồn điện xanh với chi phí cạnh tranh, đồng thời thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng tái tạo" - ông Nguyễn Ngọc Trung cho biết thêm.
Ngoài Nghị định 57/2025/NĐ-CP, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 58/2025/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Nghị định 58/2025 đã thiết lập các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ mới để khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, chẳng hạn như ưu tiên huy động điện từ các dự án có hệ thống lưu trữ vào giờ cao điểm; miễn, giảm tiền thuê đất, sử dụng biển cho các dự án điện gió, điện mặt trời; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo...
“Đây là bước tiến lớn giúp tháo gỡ nhiều rào cản trước đây, tạo môi trường minh bạch và hấp dẫn hơn cho doanh nghiệp khi triển khai các dự án năng lượng xanh” - ông Nguyễn Ngọc Trung nêu.
Như vậy, từ chủ trương đúng đắn của Đảng, hệ sinh thái chính sách về thúc đẩy năng lượng xanh đã và đang được hình thành đồng bộ vì mục tiêu phát triển năng lượng xanh, sạch gắn với tăng trưởng kinh tế cao, đồng thời với hiện thực hóa mục tiêu kép: Vừa bảo đảm đủ năng lượng cho sản xuất, tăng trưởng GDP, vừa chuyển đổi sang năng lượng sạch để phát triển bền vững.
Diễn đàn Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả do VCCI tổ chức vào chiều 15/5. Ảnh: NH
Lợi ích cho doanh nghiệp và môi trường
Thông tin tại Diễn đàn Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp cũng cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 419 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó, 381 khu đang hoạt động. Cùng với đó, Việt Nam có khoảng 900 cụm công nghiệp được quy hoạch, trong đó 700 cụm đã đi vào hoạt động, có khoảng trên 40.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp.
Với lợi thế diện tích mái nhà xưởng rộng lớn và nhu cầu tiêu thụ điện cao tập trung, tiềm năng khai thác điện mặt trời áp mái tại các khu, cụm công nghiệp là rất lớn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Trung, phát triển điện mái nhà mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong đó với doanh nghiệp, sẽ giảm chi phí điện năng trong dài hạn, đồng thời đem lại giá trị về môi trường và thương hiệu cho doanh nghiệp.
Cũng nói về lợi ích với doanh nghiệp trong phát triển năng lượng xanh, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, trong bối cảnh xuất khẩu đang phải những thách thức do chính sách thuế, nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU).
Tuy nhiên, để hàng hóa của Việt Nam vào được các quốc gia trong trong khối EU, các doanh nghiệp buộc phải tuân theo "luật chơi khắt khe", minh bạch chuỗi cung ứng. Trong đó, các doanh nghiệp cần chứng minh kế hoạch sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm, bao gồm sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch trong sản xuất.
"Như vậy việc sử dụng năng lượng xanh trong sản xuất kinh doanh không đơn thuần chỉ là việc tiết giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm mà còn là yếu tố bắt buộc khi doanh nghiệp xuất khẩu vào các thị trường lớn" - ông Hoàng Quang Phòng khẳng định.
Đồng quan điểm trên, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng: Sử dụng điện mặt trời mái nhà sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao nguồn lực, tiết giảm chi phí và đáp ứng được yêu cầu tại các thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đến.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Huy Đông - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Damsan đánh giá cao những lợi ích của điện mặt trời mái nhà mang lại cho doanh nghiệp và nền kinh tế và môi trường. “Triển khai hệ thống điện mái trời mái nhà có lợi cho nhà nước, doanh nghiệp và môi trường” - ông Vũ Huy Đông nêu thông tin.
Tại Diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả”, đại diện Cục Điện lực (Bộ Công Thương) cũng giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến triển khai hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Nguyễn Hòa
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/thuc-day-nang-luong-xanh-loi-ich-kep-cho-doanh-nghiep-387741.html