Thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc

Thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc
4 giờ trướcBài gốc
Tham dự buổi tọa đàm có đại diện các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động tổ chức sự kiện âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật, đặc biệt sự hiện diện của một số cá nhân có nhiều đóng góp quan trọng, nổi bật tại các sự kiện âm nhạc, festival âm nhạc trong thời gian vừa qua.
Buổi tọa đàm là cuộc đối thoại mở về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng cho biết: “Thời gian qua, công nghiệp văn hóa được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, thể hiện bằng việc Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa.
Đặc biệt cụ thể hóa Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9.6.2014 đề ra mục tiêu, yêu cầu: Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam”.
Theo Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng, việc tổ chức sự kiện âm nhạc quy mô lớn mang lại lợi ích kinh tế và tạo cơ hội kinh doanh
Theo ông Trần Hoàng, thực tiễn trong nhiều năm qua cho thấy âm nhạc không chỉ là phương tiện giải trí mà còn là phương tiện kết nối cộng đồng, thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của con người.
Các sự kiện âm nhạc tạo ra không gian vui chơi, giải trí cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ. Bên cạnh đó, việc tổ chức sự kiện âm nhạc quy mô lớn còn mang lại lợi ích kinh tế, tạo cơ hội kinh doanh cho nhiều ngành nghề như du lịch, quảng cáo, ẩm thực, sản phẩm quà tặng, truyền thông.
Buổi tọa đàm “Đối thoại về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc” là cuộc đối thoại mở.
Tại đây, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động tổ chức sự kiện âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật đã có dịp trao đổi, nắm bắt tình hình, thực trạng tổ chức các sự kiện âm nhạc tại Việt Nam và nước ngoài, phương hướng phát triển, những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, trong quá trình các tổ chức, cá nhân thực hiện các sự kiện âm nhạc.
Các khách mời đã có những cuộc đối thoại sôi nổi, trong đó có nhiều đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức các sự kiện âm nhạc quy mô lớn trong và nước ngoài
Từ đó định hướng phát triển các sự kiện âm nhạc quy mô lớn ở trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Cùng với đó là những đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đề xuất hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ VHTTDL, cơ quan quản lý các cấp ở trong nước và cơ quan Việt Nam ở nước ngoài trong quá trình tổ chức các sự kiện âm nhạc quy mô lớn ở trong nước và nước ngoài.
Buổi tọa đàm là nơi để đại diện các cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe, trao đổi, chia sẻ với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc về những nội dung có liên quan như:
Kết quả đạt được và sự đóng góp của công nghiệp âm nhạc đối với phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội nói chung, đối với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng; vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục xin cấp phép cho các hoạt động biểu diễn âm nhạc quy mô lớn.
Các cá nhân đại diện cho tổ chức, doanh nghiệp hoạt động tổ chức sự kiện âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật đã có dịp đối thoại, nắm bắt tình hình, thực trạng tổ chức các sự kiện âm nhạc trong và ngoài nước
Những vấn đề liên quan đến tài chính, mức thuế, phí mà các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc đang gặp phải; nhu cầu về cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy động phát triển các ngành công nghiệp âm nhạc; nhu cầu về nguồn nhân lực để thúc đẩy động phát triển nền âm nhạc Việt Nam; thương mại hóa sản phẩm liên quan đến âm nhạc, xây dựng thương hiệu.
Bảo hộ bản quyền tác phẩm âm nhạc để phát triển công nghiệp văn hóa; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp âm nhạc; thu hút đầu tư nước ngoài từ các sản phẩm âm nhạc; hợp tác công tư nhằm thúc đẩy nền công nghiệp âm nhạc; liên kết, hợp tác giữa các đơn vị trong lĩnh vực âm nhạc; quốc tế hóa văn hóa Việt Nam thông qua các sản phẩm âm nhạc.
HOÀNG LÊ
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/van-hoa/thuc-day-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-trong-linh-vuc-am-nhac-128712.html