Trong những năm qua, huyện Lạc Thủy xác định tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân. Việc phát triển ngành nghề nông thôn một cách bền vững đã tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thôn Sỏi, xã Phú Thành (Lạc Thủy) phát triển nghề chế tác đá cảnh.
Trên địa bàn huyện có 6 nhóm ngành nghề nông thôn, gồm: chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông nghiệp; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.
Theo thống kê, toàn huyện có 1.985 cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) tham gia các hoạt động ngành nghề nông thôn, trong đó có 100 doanh nghiệp, 16 hợp tác xã (HTX), 19 tổ hợp tác, 1.850 hộ gia đình SXKD với 2.350 lao động. Doanh thu từ các ngành nghề nông thôn bình quân đạt 460 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân từ 4 - 5,5 triệu đồng/lao động/tháng.
Trên địa bàn huyện có 1 làng nghề được công nhận (làng nghề chế tác đá cảnh thôn Sỏi, xã Phú Thành). Sản phẩm chủ yếu là hòn non bộ, bàn, ghế đá, hồ cá Koi và các tác phẩm làm theo đơn đặt hàng của khách. Tại làng nghề có 107 cơ sở SXKD theo hình thức doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, gồm 3 doanh nghiệp, 2 HTX, 2 tổ hợp tác, 100 hộ gia đình với tổng số 360 lao động; có 1 người được công nhận nghệ nhân. Thu nhập từ 8 - 9 triệu đồng/lao động/tháng; lao động kỹ thuật tay nghề cao thu nhập bình quân đạt 15 - 20 triệu đồng/tháng. Huyện đã mở 1 lớp dạy nghề và cấp chứng chỉ nghề chế tác đá cảnh cho 30 học viên. Đồng thời hỗ trợ công cụ, dụng cụ để duy trì, bảo tồn và phát triển làng nghề, cải tiến máy móc, thiết bị, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.
Tuy nhiên, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trong ngành nghề nông thôn còn hạn chế. Các cơ sở nghề sản xuất quy mô nhỏ, cơ bản sản xuất tại nhà ở, thiếu mặt bằng sản xuất, chưa tạo được vùng sản xuất tập trung. Các sản phẩm nghề chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có sự cạnh tranh trên thị trường, sức tiêu thụ kém. Ngành nghề nông thôn phát triển chậm, quy mô nhỏ lẻ, trang thiết bị công nghệ lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa cao, nhiều cơ sở ngành nghề nông thôn chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất. Nguồn vốn đầu tư sản xuất chủ yếu là vốn tự có của gia đình. Công tác quảng bá, tiếp thị sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức, chưa có doanh nghiệp, HTX, cơ sở liên kết để tiêu thụ sản phẩm...
Đồng chí Hoàng Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy cho biết: Để phát triển sản xuất theo hướng tập trung, khuyến khích các cơ sở đầu tư trang thiết bị, mặt bằng sản xuất, xây dựng nhà xưởng, đổi mới công nghệ nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường; bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm làng nghề, đề nghị tỉnh hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nâng cấp hệ thống điện sản xuất cho làng nghề để tập trung các cơ sở làm nghề, hạn chế những ảnh hưởng của làng nghề như: ô nhiễm tiếng ồn, bụi, nước thải trong quá trình sản xuất. Đào tạo tay nghề tạo nguồn nhân lực cho làng nghề. Tổ chức các hội chợ, triển lãm sản phẩm ngành nghề nông thôn, từ đó quảng bá sản phẩm của địa phương và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục thực hiện các chính sách về đất đai, tín dụng, tạo điều kiện mặt bằng, vốn vay cho làng nghề, các doanh nghiệp, hộ sản xuất phát triển.
Hải Linh