Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp để đạt mục tiêu tăng trưởng.
Còn nhiều dư địa tăng trưởng
6 tháng đầu năm 2025, bức tranh kinh tế toàn cầu phức tạp và khó lường nên hàng loạt tổ chức quốc tế đã phải điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025. Trong khu vực, xu hướng tăng trưởng chậm lại cũng được ghi nhận ở nhiều quốc gia. Cả WB, IMF và OECD đều dự báo tăng trưởng năm 2025 của các nước như Philippines, Indonesia, Thái Lan và Malaysia đều thấp hơn so với năm 2024.
Trong khi đó, GDP 6 tháng của Việt Nam đạt lên đến 7,52%, mức cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2025. Với mức tăng này, Việt Nam được xếp vào nhóm tăng trưởng dẫn đầu châu Á và là điểm sáng hiếm hoi của khu vực.
Sự tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam đến từ sự đóng góp đồng đều của cả ba khu vực. Trong đó, khu vực dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao với mức tăng 8,14% trong 6 tháng đầu năm, cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2025 và đóng góp tới 52,21% vào mức tăng chung. Các hoạt động ngoại thương, vận tải, du lịch phục hồi mạnh mẽ, nhất là du lịch.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục khẳng định là động lực tăng trưởng vững chắc với mức tăng 8,33%, đóng góp 42,20% vào tăng trưởng chung. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực cốt lõi với tốc độ tăng 10,11%, đóng góp 2,55 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành xây dựng ghi nhận mức tăng kỷ lục 9,62%, cao nhất trong giai đoạn 2011 -2025 đã cho thấy sự sôi động của hoạt động đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Xuất khẩu đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng GDP nửa đầu năm. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2025 kim ngạch xuất khẩu đạt 219,8 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng năm trước. Thặng dư thương mại tiếp tục duy trì với mức 7,63 tỷ USD. Ngoài ra, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng bứt phá với hơn 21,51 tỷ USD, tăng hơn 32% so cùng kỳ, vốn thực hiện của khối này cũng tăng rất mạnh. Đặc biệt, các hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng tới 14,58%, phản ánh hiệu quả từ cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy nhà nước.
Tại Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, từ một nền kinh tế lạc hậu, kém phát triển, đến nay Việt Nam đã vươn lên thành nền kinh tế có quy mô kinh tế đứng thứ 32 trên thế giới, thuộc nhóm 20 quốc gia hàng đầu về quy mô thương mại và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). GDP bình quân đầu người năm 2024 đạt hơn 4.700 USD, tiệm cận ngưỡng thu nhập trung bình cao.
Thúc đẩy cải cách tạo động lực tăng trưởng
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn, đang chịu tác động mạnh từ bối cảnh quốc tế diễn biến ngày càng phức tạp, đan xen với các thách thức nội tại của kinh tế trong nước.
Theo đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030 như mục tiêu đề ra là thách thức lớn đối với đất nước. Vì vậy, Việt Nam muốn tăng trưởng nhanh và bền vững thì phải có một tư duy mới, tầm nhìn mới. Đồng thời, phải hành động quyết liệt, thực hiện những cải cách mạnh mẽ, với quyết tâm chính trị cao nhất, sự đoàn kết đồng lòng mạnh mẽ nhất của toàn dân tộc và phải có sự đồng hành, ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Tiếp tục cải cách thể chế thu hút doanh nghiệp FDI.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trước tiên, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm giữa cấp Trung ương, địa phương trong các lĩnh vực. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực trọng yếu, như đất đai, khoáng sản, quy hoạch…; ưu tiên tập trung tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc của 2.887 dự án với quy mô vốn hơn 235 tỷ USD và diện tích đất khoảng 347.000 ha để khơi thông nguồn lực cho phát triển.
Ngoài ra, huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, lấy đầu tư công để dẫn dắt, huy động đầu tư của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước; tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phấn đấu sớm hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia; đồng bộ, đa dạng hóa các loại hình nguồn điện với cơ cấu hợp lý, bảo đảm an toàn hệ thống, giá thành hợp lý…
Cùng với đó là tận dụng và phát huy lợi thế của không gian phát triển mới từ kết quả sáp nhập, hợp nhất các địa phương và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; khai thác tối đa tiềm năng từ các động lực tăng trưởng mới, tạo đột phá phát triển các lĩnh vực, như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, bán dẫn, AI, lượng tử... cùng với các mô hình kinh tế mới, như các khu thương mại tự do, trung tâm tài chính... gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là những động lực chính để tái cấu trúc nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý cần hỗ trợ phát triển và gắn kết các thành phần kinh tế, gồm: Kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước và khu vực FDI để tạo “sức mạnh tổng hợp” cho phát triển kinh tế đất nước; tập trung thu hút các dự án đầu tư trọng điểm trong các ngành chiến lược, có quy mô vốn lớn, có khả năng tạo đột phá và hiệu ứng lan tỏa kinh tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Cũng nhấn mạnh vấn đến cải cách thể chế, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, thời gian gần đây, tốc độ phản ứng với chính sách của các cơ quan chức năng Việt Nam đã nhanh và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số, điều quan trọng vẫn là đổi mới quản lý nhà nước một cách mạnh mẽ hơn. Giúp doanh nghiệp kinh doanh được minh bạch, hiệu quả, không phát sinh thêm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương được tổ chức mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo: Trong xu thế kinh tế toàn cầu suy giảm tăng trưởng, Việt Nam vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn, phấn đấu đạt từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng từ 2 con số những năm tiếp theo. Đồng thời, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu cần tăng tốc, tập trung huy động tổng đầu tư toàn xã hội tăng từ 11 - 12% so với năm 2024 để phục vụ mục tiêu tăng trưởng; tăng tốc mạnh mẽ, bứt phá giải ngân 100% vốn đầu tư công trước ngày 31/12/2025.
Nguyệt Hà