Thúc đẩy thực thi hiệu quả chính sách pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản

Thúc đẩy thực thi hiệu quả chính sách pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản
2 giờ trướcBài gốc
Ngày 15/10, tại Hà Nội, Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài Nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị đối thoại tuyên truyền, phổ biến, thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: D.T
Nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai
Tại Hội nghị, thông tin về những điểm mới đáng chú ý của Luật Đất đai 2024, ông Nguyễn Đắc Nhẫn - Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật có 8 điểm mới nổi bật xoanh quanh các vấn đề, bao gồm: phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý nhà nước về đất đai; quyền của người sử dụng đất; quy hoạch sử dụng đất; thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai; chế độ sử dụng đất.
Đơn cử như vấn đề phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, Luật mới đã phân cấp toàn bộ thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Cùng với đó là phân cấp cho Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện thu hồi đất thuộc trường hợp quy định tại Điều 78 và Điều 79 Luật Đất đai không phân biệt người sử dụng đất, tổ chức, cá nhân đang quản lý, chiếm hữu đất; thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thuộc trường hợp quy định tại Điều 81 và Điều 82 Luật Đất đai.
Ngoài ra, Luật còn phân cấp thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể cho Chủ tịch UBND cấp huyện (đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất…) thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.
Đối vấn đề quyền của người sử dụng đất, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo Luật Đất đai 2024, cá nhân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam đều là “cá nhân” sử dụng đất. Như vậy, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam có đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng đất như cá nhân trong nước. Quy định này sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Đối với trường hợp người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam, ngoài được mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở, Luật Đất đai 2024 còn cho phép nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định của pháp luật về dân sự…
Tăng cường bảo vệ quyền lợi người mua nhà, hạn chế phát sinh tranh chấp
Đối với Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh BĐS 2023, các Luật cũng có nhiều điểm mới nhằm góp phần tăng tính công khai, minh bạch về thông tin dự án BĐS; tăng trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ đầu tư. Từ đó, nâng cao khả năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người mua nhà, cũng như hạn chế phát sinh những tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua nhà.
Cụ thể, đối với Luật Kinh doanh BĐS 2023, theo ông Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng, Luật có nhiều điểm mới đáng chú ý, nhất là đối với vấn đề kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định, chủ đầu tư dự án BĐS có trách nhiệm sử dụng tiền đã thu từ bên mua, thuê mua để đầu tư xây dựng dự án nhà ở, công trình xây dựng, đúng mục đích sử dụng theo thỏa thuận trong hợp đồng đã ký kết; tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền. Đặc biệt, chủ đầu tư không được ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác ký hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng hình thành trong tương lai…
Đối với Luật Nhà ở 2023, Luật đã bổ sung các quy định nhằm làm rõ những hành vi bị cấm như huy động và sử dụng vốn sai mục đích, cũng như các quy định nhằm hạn chế các sai phạm, tranh chấp, các yếu tố gây mất an toàn trong cả khâu phát triển dự án và vận hành, sử dụng nhà ở.
Đặc biệt, Luật đã dành 1 chương để quy định về vai trò của Nhà nước trong công tác quản lý, điều hành thị trường nhà ở, trong đó xác định rõ vai trò của các chủ thể liên quan… Điều này được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến công tác quản lý, chuẩn hóa và xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu của thị trường BĐS, nhà ở…
Tại Hội nghị, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, cùng các chuyên gia, doanh nghiệp cũng cùng trao đổi, thảo luận về các vấn đề còn gây băn khoăn hoặc các vướng mắc phát sinh đã có và có thể xảy ra trong thực tiễn áp dụng các quy định, chính sách pháp luật mới về đất đai, nhà ở, kinh doanh BĐS cho người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, các đại biểu cũng trao đổi làm rõ những tác động của các Luật mới đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp BĐS, bao gồm cả cơ hội và thách thức, từ đó đưa ra khuyến nghị phù hợp cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hướng tới phát triển ổn định, bền vững.
Theo Ban tổ chức, sau Hội nghị, các đơn vị chức năng liên quan sẽ tiếp tục ghi nhận những ý kiến góp ý, kiến nghị đối với việc triển khai thi hành các Luật mới. Trên cơ sở đó, các đơn vị sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao chất lượng công tác thi hành luật, đưa những chính sách, quy định pháp luật mới đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, qua đó thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững, đồng thời tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp./.
DIỆU THIỆN
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/thuc-day-thuc-thi-hieu-qua-chinh-sach-phap-luat-ve-dat-dai-nha-o-kinh-doanh-bat-dong-san-35547.html