Thức dậy tình yêu Hà Nội

Thức dậy tình yêu Hà Nội
2 giờ trướcBài gốc
Anh xích lô tên Tiến ở phố cổ Hà Nội giúp tác giả Nguyễn Vân Hậu (ngồi trên xich lô) tìm lại ký ức năm xưa. Ảnh: NVCC.
“Rất cảm ơn Tạp chí Người Hà Nội đã tổ chức cuộc thi, tạo điều kiện để tôi bày tỏ tình cảm với Hà Nội và kể cho mọi người nghe về những năm tháng mình trải qua, gặp gỡ tình cảm tốt đẹp mà người Hà Nội mang đến”.
Từ Lâm Đồng ra Hà Nội nhận giải cuộc thi viết “Hà Nội & Tôi”, tác giả Nguyễn Vân Hậu chia sẻ như thế. Đây cũng là niềm vui bất ngờ để ông có lý do trở lại Hà Nội một cách ý nghĩa…
“Hà Nội & Tôi” là cuộc thi do Tạp chí Người Hà Nội tổ chức, mừng 70 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). Như ngọn gió mát lành, cuộc thi rót vào lòng những nhắc nhớ về tháng năm xưa với Hà Nội vừa riêng tư vừa như thể của tất thảy mọi người.
Hàng trăm bài viết dự thi đấy nhưng thực ra là “nhờ” Tạp chí Người Hà Nội nối nhịp cầu chia sẻ để nhân đó thổ lộ bao hoài niệm đong đầy những tâm tình mà không quên tỏ lòng biết ơn với đất ngàn năm văn hiến, không hẳn vì được sinh ra, lớn lên hay lập nghiệp ở nơi đây mà có khi chỉ là quãng dừng chân ngắn ngủi như một chặng đường học tập, công tác hay cuộc hành quân qua nhưng cũng đủ để nhớ và yêu.
Lần đầu nồng đượm, lắng sâu
“Tác phẩm tham gia cuộc thi viết “Hà Nội & Tôi” phản ánh sinh động những nét văn hóa đặc trưng của mảnh đất Hà thành và gửi gắm ký ức, hoài niệm, sự gắn bó, tình yêu, nỗi nhớ về Hà Nội; thể hiện góc nhìn đa chiều cùng mong ước, trăn trở, kỳ vọng về một Hà Nội trong tương lai.
Hội đồng Giám khảo đã chấm chọn 10 tác phẩm xuất sắc nhất và trao giải. Sau thành công này, Tạp chí Người Hà Nội tiếp tục phát động cuộc thi viết “Hà Nội & Tôi” lần thứ hai với chủ đề “Hà Nội: Chuyện làng, chuyện phố””. Nhà báo Vương Minh Huệ - Tổng biên tập Tạp chí Người Hà Nội
Tác giả Nguyễn Vân Hậu (Lâm Đồng) kể, kỷ niệm lúc là anh bộ đội tuổi 20 hành quân qua hay khi trở lại học tập ở Hà Nội mà ông lưu giữ mấy chục năm qua nhiều lắm, song bài dự thi giới hạn số từ chỉ dưới 2.000 nên phải dành nhiều thời gian để chắt lọc.
Ông vẫn luôn vô cùng cảm ơn tình cảm của người Hà Nội dành cho chàng trai năm xưa lần đầu đến Thủ đô, còn ngơ ngác lắm nhưng khi hỏi đường là có người chỉ dẫn tận tình. Và ông cho rằng, tình người Hà Nội hôm nay không hề khác xưa, thật ấm áp, “không là ngọn lửa bùng cháy, nhưng là bếp than hồng nồng đượm, lắng sâu”.
Chính tình người nơi đây đã đem đến cho ông cảm xúc để viết và tỏ bày trong bài “Ấm áp tình người Hà Nội” giành giải Khuyến khích cuộc thi.
Ở đó, ông nhắc nhớ lại kỷ niệm trong lần chuyển quân từ chiến trường K lên chi viện cho chiến tranh biên giới phía Bắc, cuối tháng 2/1979 và tiểu đội ông ở nhờ nhà mẹ Chữ (Sài Đồng, Gia Thụy, Gia Lâm, Hà Nội). Chỉ là hôm trước hôm sau nhưng cũng đủ làm nên ký ức ấm áp của người lính trong lần đầu tiên đến Hà Nội.
Người lính ấy đã luôn mong có dịp trở lại thăm mẹ nhưng vì thời gian trực chiến nghiêm ngặt, phương tiện đi lại cũng khó khăn nên đành lỗi hẹn. Mãi nhiều năm sau khi chuyển ngành vào Nam công tác, có lần ra Hà Nội ông tìm đến Sài Đồng. Những ngôi nhà, mảnh ruộng quê xưa nay là nhà phố liền kề san sát, thôn Sài Đồng xưa nay là phố và không thể hỏi được thông tin về gia đình mẹ Chữ.
Rồi thì ông nhớ về người xích lô năm ấy chở mình ra tận bến Nứa mà không lấy tiền. Đận đó, ông được đơn vị cấp “giấy công lệnh” đi tranh thủ về Hà Nội gặp người thân nhưng bị lỡ hẹn và đang bần thần giữa phố phường.
Chút tiền còn lại ông muốn gửi người xích lô nhưng bác ấy nhất định không lấy mà: “Anh ấy gạt đi, chỉ vào người bán quán vỉa hè bảo tôi trả tiền mua 2 cái bánh chưng nhỏ, anh cầm một cái còn một cái đưa cho tôi.
Đúng lúc xe chuyển bánh, tôi chỉ kịp nói lời cảm ơn rồi vội vàng bám cửa xe nhảy lên, sực nhớ mình chưa biết tên, địa chỉ của anh ấy. Dọc đường, tôi mở bánh chưng ra ăn mà thấy cay cay trong khóe mắt, vừa biết ơn vừa tự trách mình sao vô tâm”.
Dịp ra Hà Nội lần này cũng như bao lần, ông luôn dành thời gian tìm về chốn cũ, rong ruổi xích lô sang bến Nứa (nay là bến xe bus Long Biên) để hoài niệm và biết ơn cái quãng quá độ đường thật ấm áp năm ấy. Sau đó, ông cùng những người bạn Hà Nội hôm nay lên Lạng Sơn thăm lại đồng đội, chiến trường xưa.
“Tôi thường kể cho con cháu nghe về tình cảm, cuộc gặp của mình với người Hà Nội ngày đó. Con cháu tôi rất thích nghe trong bao ngạc nhiên xen lẫn xúc động. Bạn bè khi đọc bài viết thì đều bày tỏ niềm yêu mến.
Dịp này được về Hà Nội nhân kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô, tôi cảm nhận đất thiêng này đổi mới rất nhiều, đẹp hơn, nhộn nhịp hơn. Cũng thật háo hức khi ban tổ chức vừa phát động cuộc thi viết lần hai, nếu phù hợp tôi sẽ tiếp tục tham gia. Vừa rồi cuộc thi kéo dài suốt hai năm, mong là lần này sẽ được rút gọn sao cho vừa vặn hơn”, ông Hậu bày tỏ.
Viết trong nước mắt
Nhà giáo Nguyễn Thị Vân Kim thiết tha nhớ về người mẹ may cờ đỏ sao vàng đón đoàn quân giải phóng Thủ đô. Ảnh: NVCC.
Thật xúc động khi đọc bài “Thanh âm ngày ấy” (giải Ba) của nhà giáo Nguyễn Thị Vân Kim (Hà Nội). Bài viết ghi lại ký ức của tác giả về người mẹ tảo tần năm xưa đã gồng gánh nuôi hai anh em bà ăn học thành tài chỉ bằng chiếc máy khâu. Thế nên, đi dọc quãng đường lớn khôn của tác giả là tiếng “lạch xạch” đêm ngày “đều đều như vỗ về ru tôi theo năm tháng”.
Và cũng từ tiếng “lạch xạch” cần mẫn, truân chuyên của người phụ nữ Hà thành ấy mà người đọc thấy được lối sống, cốt cách của người Hà Nội. Hồi ấy, trước năm 1954, tiệm may nhỏ đó thường đón khách chỉ là những bác xích lô đến “tích kê” lại cái đầu gối quần vải bạc mầu, sờn rách hay các bà mẹ mang “lộn cổ áo sơ mi” để con mặc đi học cho sạch sẽ, lành lặn…
Nhưng cũng ở đây mỗi tháng họa sĩ Tấn Lộc nhà sát bên đặt liền hai bộ quần áo pijama. Đó là chưa kể: “Nếu quần áo có dính vết bột dầu là ông loại bỏ luôn. “Mình là họa sĩ đất Hà thành, dù đang vẽ hay đang bận công việc đến đâu cũng phải ăn vận tinh tươm, sạch sẽ để thể hiện lòng mến khách, trọng khách chứ!”, ông nheo mắt cười nói thế! Mẹ khẽ “vâng” một tiếng nhẹ, trở vào buồng kín đáo đến trước tấm gương chải lại suối tóc dài đen óng rồi khéo cuộn thành búi tóc to sau gáy”.
Nhất là, người mẹ ấy còn thức suốt đêm may áo gile “trấn thủ” vải xanh màu cỏ úa có trần bông quả trám, may cờ đỏ sao vàng để chào đón ngày 10/10/1954. Hôm đó, bà dắt cô con gái diện chiếc váy màu hồng tự tay bà may hòa vào dòng người đón mừng đoàn quân chiến thắng tiếp quản Thủ đô.
Thật may mắn khi người mẹ ấy đang lúng túng chưa biết làm thế nào chiều con đòi bế lên cao để nhìn đoàn quân thì “một chú bộ đội chạy tới, nhấc bổng con lên vai rồi hòa vào đoàn quân đang “trùng trùng như thác” cùng tiến về phía đài phun nước Bờ Hồ…”.
Chia sẻ về bài viết, nhà giáo Vân Kim bảo, đó là một ghi chép trung thực trong câu chuyện cùng cách kể chân chất, mộc mạc. Bà viết rất nhanh, viết một mạch, không quá tỉa tót câu chữ. Và bà đã viết trong nước mắt với bao suy nghĩ, nung nấu đằng đẵng.
Cũng bởi, dù cầm bút sáng tác từ năm 19 tuổi cho đến nay ở tuổi 75, bà viết về nhiều người thân trong gia đình song chưa một lần viết về mẹ của mình. Bà đã ấp ủ và nghĩ khá dài, khá lâu về mẹ, nhưng ấp ủ bao nhiêu lại lo lắng bấy nhiêu vì sợ không chạm được vào nguyên mẫu.
Hơn nữa, bà còn cảm thấy rất đau khi nhớ lại những tháng năm mẹ còn sống song không có thời gian gần gũi: 20 tuổi lên Hà Giang dạy học rồi vào miền Nam, miền Trung.
Bà chưa được đi chơi chuyến nào với mẹ, trừ lúc cùng mẹ thong thả từ nhà (29 Hàng Dầu) ra dạo Bờ Hồ, vườn hoa Chí Linh. Bà cũng chưa hề đãi được mẹ một bát phở hay bữa cơm thịnh soạn ở nhà hàng cao cấp nào đó, cho nên luôn cảm thấy có lỗi vì do hoàn cảnh xa xôi mà chưa thể thực sự quan tâm đến mẹ.
Thuở ban đầu, bà giáo viết truyện ngắn tương đối thành danh với tên Vân Kim ở báo Độc Lập, Hà Nội mới, Tuổi trẻ... Sau đó, nhờ nhân duyên phong trào hoạt động sân khấu không chuyên của các trường học trong đó có Trường cấp 3 Quang Trung, bà chuyển sang viết kịch ngắn và đạt được thành tựu. Vì vậy, “Thanh âm ngày ấy” là một bước trở lại với văn xuôi và đóng dấu ấn lần đầu của bà giáo Vân Kim viết về mẹ của mình.
Song nếu không có cái cơ duyên được nhận Tạp chí Người Hà Nội từ Hội Sân khấu Hà Nội và thấy cuộc thi viết “Hà Nội & Tôi” phát động ở đó cùng ý nghĩ sao không đáp lại thì có lẽ tác giả vẫn còn tiếp tục cất giấu câu chuyện này cho riêng mình. Khi bản viết tay hoàn thành, bà nhờ cháu nội đánh máy gửi bài trong lúc cuộc thi đang ở chặng nước rút.
Tác giả Lê Minh trên ngõ Tạm Thương (Hà Nội) khi về thăm quê năm 2023. Ảnh: NVCC.
“Câu chuyện này đến giờ tôi cầm bút thì trò mới biết vì tôi cảm giác cứ chạm vào là đau lắm nên lẳng lặng giấu kín. Giờ tôi đã cân bằng về sự từng trải, bản lĩnh nên mới viết, vừa viết vừa khóc, cảm xúc vẫn vẹn nguyên đủ đầy như lúc là cô bé 5 tuổi diện váy hồng và được cùng mẹ đón đoàn quân giải phóng về tiếp quản Thủ đô 70 năm trước. Chiếc váy hồng ấy tôi nâng niu, giữ gìn mấy chục năm trời, sau trao lại cho cô con gái giữ làm kỷ niệm”, nhà giáo Vân Kim chia sẻ.
Với tác giả Lê Minh hiện sinh sống ở nước Đức, mỗi khi biết đến các cuộc thi nói chung và “Hà Nội & Tôi” nói riêng là anh tham gia vì đó là dịp để viết về những hồi ức, con người ở đó, giãi bày cảm xúc, viết về mảnh đất nơi anh từng được sinh ra và lớn lên. Chẳng thế mà, tác phẩm của anh đều thấp thoáng đâu đó một Hà Nội.
Suốt hơn 30 năm xa quê hương, ngần ấy thời gian càng làm nỗi nhớ và tình yêu của anh đối với Hà Nội ngày một thêm dài, thêm rộng, dường như là theo năm cùng tháng... Nhất là với con ngõ Tạm Thương, anh yêu từ cái tên rất đỗi đặc biệt, nhưng không hề dị biệt, đến tình người ở đó sâu nặng chất chứa, bao dung, thâm trầm, thanh lịch, nặng ân tình và rất thân thiện.
Sau bao năm, tình yêu ấy luôn cất giữ trong tim nên anh viết rất nhanh, nỗi lòng được nhẹ vơi đi, như được “giải thoát”. Dù có lúc trào dâng nơi lồng ngực, nơi khóe mắt, anh lý giải đó là hương sắc từ tâm hồn, từ trái tim, cảm giác tựa con chữ như biết cất lời.
Và, có rất nhiều cảm xúc ùa về khi anh viết ngõ Tạm Thương. Những âm thanh con ngõ, mùi trầm ấm nồng phảng phất từ đình Yên Thái, giọng nói gốc Hà thành đặc sệt, lời kể của người bác trong ngõ nhỏ cứ thế văng vẳng bên tai. Anh như ngửi được đâu đây mùi thơm lừng bát bún riêu, anh nhớ nụ cười hiền hậu của bà Nghĩa.
“Có những lúc viết mắt cứ nhòe đi. Tôi rất muốn mình đang ở Hà Nội, tạm dừng viết để có thể đến ngay ngõ Tạm Thương trong nháy mắt, thắp nén tâm nhang ở đình Yên Thái, nơi những người tôi từng trò chuyện, giờ đã là người thiên cổ. Tôi nhớ lời giảng giải của người bác ở đó năm nào, tôi nhớ sự ân cần, chu đáo của bà Nghĩa, người đã nấu bát bún riêu để tôi thưởng thức và không bao giờ quên được. Dẫu biết có những thứ chẳng gọi được ra tên, nhưng lại khiến cho con người ta cả đời đôi lúc vẫn nghĩ đến, nhớ đến.
Với tôi, trong đời sống cần có tấm lòng đẹp, lòng trắc ẩn ở mỗi con người. Tính nhân văn, ý nghĩa ở mỗi cách làm, sự đối nhân xử thế. Tính thân thiện, vui vẻ. Đặc biệt là sự yên bình trong cuộc sống, không ồn ào xô bồ dẫu có khó khăn vất vả. Và TÌNH NGƯỜI họ dành cho nhau ở ngõ Tạm Thương chính là như vậy.
Song, có lúc tôi nghĩ, Hà Nội bình yên mới là phố của ngày xưa. Hà Nội ngày hôm qua ai đã giấu đi rồi…”, anh Lê Minh bày tỏ.
“Ngày giải phóng Thủ đô đã khắc sâu vào lòng những người dân Hà Nội, là mốc son sáng chói đối với dân tộc Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng để mở ra thời kỳ đổi mới của Thủ đô, của đất nước và con người. 70 năm trôi qua đã có biết bao người ngày ấy cống hiến cả tuổi xanh của mình, bao nhiêu con người làm nên lịch sử. Tôi luôn thầm biết ơn họ, biết ơn những người đã vì đất nước Việt Nam mà hy sinh, bảo vệ, giữ gìn và xây dựng để có một Hà Nội tươi đẹp như hôm nay.
Tôi yêu thành phố này, yêu như chính cuộc đời của mình vậy. Con ngõ Tạm Thương và Hà Nội đã là một phần lớn trong cuộc sống của tôi. Tôi sẽ còn viết nhiều về Hà Nội, về con người, cuộc sống, về những điều ít người để ý tới, cả những điều chưa được đặt tên. Tôi không dám nhận là mình đủ thương để gắn bó với Hà Nội cả cuộc đời, tôi vẫn tiếp tục ra đi và rồi lại trở về, như giữ lại những điều thiêng liêng nhất” - Lê Minh (Cộng hòa Liên bang Đức).
Bình Thanh
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/thuc-day-tinh-yeu-ha-noi-post703425.html