Hôm nay (18/5), Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam tổ chức chuỗi hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Thừa kế-sáng tạo-Hội nhập quốc tế".
Đây là sự kiện học thuật quy mô lớn, quy tụ gần 20 chuyên gia hàng đầu đến từ các quốc gia Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc)… nhằm chia sẻ tri thức, đổi mới đào tạo, cập nhật điều trị và thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực y học cổ truyền.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.
Hướng tới đào tạo ra những bác sĩ có đủ kiến thức về cả y học hiện đại và y học cổ truyền
Chia sẻ với báo chi tại hội thảo, TS.BSCC Lê Mạnh Cường, Phó Giám đốc Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, mặc dù đã có nhiều chỉ đạo, nghị quyết và văn bản pháp lý về việc kết hợp hai nền y học, nhưng việc triển khai thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nay, các phác đồ điều trị kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền chưa được phê duyệt và áp dụng rộng rãi.
Do đó, theo TS Cường để giải quyết vấn đề này, cần có sự thay đổi đầu tiên là trong đào tạo, hướng tới việc đào tạo ra những bác sĩ có đủ kiến thức về cả y học hiện đại và y học cổ truyền (thí dụ như 50% kiến thức cho mỗi lĩnh vực). Điều này đòi hỏi sự thay đổi tư duy của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý và nhà khoa học để tích hợp 2 nền y học với nhau.
TS Cường thông tin, tại Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam, trong đào tạo đã có sự thay đổi, cố gắng mang lại góc nhìn mới để xây dựng các nghiên cứu khoa học chuyên sâu về sự kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền, từ đó xây dựng các phác đồ điều trị cụ thể.
Các nghiên cứu này sẽ cung cấp bằng chứng khoa học và cơ sở để thuyết phục các nhà khoa học, bác sĩ và nhà quản lý về tính hiệu quả của việc kết hợp hai nền y học.
Một số quốc gia như Trung Quốc đã có mô hình đào tạo kết hợp hai nền y học, với tỷ lệ tương tự (50% y học hiện đại, 50% y học cổ truyền). Việt Nam có thể tham khảo và học hỏi kinh nghiệm từ các nước này để bác sĩ đồng thời có 2 kiến thức.
TS.BSCC Lê Mạnh Cường, Phó Giám đốc Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh chia sẻ với báo chí.
"Tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh chúng tôi cũng đang đi theo hướng kết hợp này"- TS Lê Mạnh Cường nói và nhấn mạnh thêm: Mọi người cần nhận thức rằng không có phương pháp chữa bệnh nào là hoàn hảo 100%, mà vấn đề quan trọng là bác sĩ phải biết chỉ định và sử dụng các phương pháp một cách phù hợp.
Một số bệnh y học hiện đại khó điều trị thì y học cổ truyền lại xử lý được. Y học cổ truyền có thể đặc biệt hiệu quả trong điều trị một số bệnh mạn tính như bệnh cơ xương khớp, mất ngủ, đau lưng...
Chia sẻ kinh nghiệm, khẳng định vị thế của Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam trên trường quốc tế
Chuỗi hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Thừa kế-sáng tạo-Hội nhập quốc tế" có dự tham dự của 13 đoàn đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia có nền y học cổ truyền phát triển và có mối quan hệ hợp tác lâu dài với Việt Nam tham dự thể hiện tinh thần hợp tác, gắn bó quốc tế trong lĩnh vực y học cổ truyền, làm sâu sắc thêm vị thế của Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam trên trường quốc tế.
PGS.TS Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, hội thảo bao gồm 3 phiên làm việc chuyên sâu, với gần 20 báo cáo khoa học chất lượng cao, phản ánh xu thế phát triển, hội nhập và ứng dụng liên ngành của y học cổ truyền của Việt Nam và trên thế giới.
Các phiên hội thảo với sự tham gia báo cáo của chuyên gia hàng đầu quốc tế đến từ các quốc gia có nền y học cổ truyền phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Malaysia, Australia… Chia sẻ từ các chuyên gia quốc tế giúp Việt Nam tham khảo kinh nghiệm đào tạo, lượng giá của các cơ sở đào tạo quốc tế để đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo và giúp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phát triển nghiên cứu, ứng dụng y học cổ truyền trong điều trị, trong đó có điều trị ung thư…
Quang cảnh hội thảo.
Một số báo cáo nổi bật của các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế như: Báo cáo về định hướng nghiên cứu khoa học về châm cứu trong thế kỷ 21; Thực trạng châm cứu và cứu ngải tại Nhật Bản; Ứng dụng châm cứu Choang Y trong điều trị đau nửa đầu; Hiệu quả hỗ trợ điều trị của điện châm trong các rối loạn lo âu và trầm cảm tại Hà Nội; Hành trình phục hồi nhờ sức mạnh chữa lành của y học cổ truyền; Đầu châm trong điều trị migraine-kết quả nghiên cứu chuyên sâu…
Các báo cáo mang đến góc nhìn lâm sàng và ứng dụng thực tiễn về phối hợp điều trị hiệu quả, an toàn, cá thể hóa cho bệnh nhân…
PGS.TS Nguyễn Quốc Huy mong muốn qua hội thảo này, các chuyên gia sẽ cùng thảo luận về đổi mới phương pháp đào tạo để đào tạo được bác sĩ y học cổ truyền đáp ứng được năng lực hành nghề, nhu cầu của nhà tuyển dụng và thích nghi với môi trường chuyển đổi số, bước đầu hội nhập quốc tế, có thể hành nghề tại các quốc gia trên thế giới.
"Chúng tôi cũng sẽ thống nhất các ý kiến đề xuất Hội đồng Y khoa quốc gia về yêu cầu đặc thù, hoạt động chuyên môn chủ chốt mà bác sĩ y học cổ truyền cần đạt được trong kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề"- PGS.TS Nguyễn Quốc Huy bày tỏ.
Đại diện các đoàn đại biểu, chuyên gia y học cổ truyền quốc tế tham dự hội thảo.
Thái Bình/ Ảnh: Như Hiển