Thực hiện Nghị quyết số 127, thời gian qua, UBND thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND các phường giám sát chất lượng cấp nước trên địa bàn, kịp thời phát hiện và phối hợp xử lý đối với trường hợp nước cấp không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Công tác phối hợp liên ngành trong quản lý nhà nước và giải pháp đảm bảo cung cấp nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; xử lý triệt để thu gom, vận chuyển, chất thải rắn đạt tiêu chuẩn môi trường được thành phố quan tâm thực hiện.
Theo đó, thường xuyên duy tu, bảo dưỡng mạng lưới đường ống cấp nước trên địa bàn và kịp thời xử lý các sự cố đường ống xảy ra. Đồng thời, quan tâm đến công tác quy hoạch và phát triển mạng lưới cấp nước đáp ứng với tốc độ phát triển đô thị.
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đi kiểm tra thực tế một trạm cấp nước của Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng trên địa bàn Phường 8, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng). Ảnh: KIM NGỌC
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Sóc Trăng có 3 nhà máy nước ngầm, 1 nhà máy nước mặt, 3 trạm cấp nước của Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng, 5 hệ cấp nước của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn. Mạng lưới đường ống cấp nước thành phố bao gồm 14,917km đường kính 250 - 500; 395,643km đường kính 60-220, tổng chiều dài đường ống là 410,560km; tỷ lệ hộ được cấp nước sạch đạt 100%. Tuy nhiên, thời gian qua, từng thời điểm, người dân trên địa bàn thành phố Sóc Trăng thiếu nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.
Bên cạnh đó, UBND thành phố đã giao phòng chuyên môn ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Công trình đô thị Sóc Trăng xử lý rác thải trên địa bàn thành phố. Lượng rác sinh hoạt trên địa bàn thành phố được thu gom, vận chuyển về Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Sóc Trăng và các vùng lân cận thuộc tỉnh Sóc Trăng tại xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) để xử lý rác bằng công nghệ ủ phân compost, sản xuất hạt nhựa và chôn lấp hợp vệ sinh...
Đoàn giám sát HĐND tỉnh Sóc Trăng làm việc với HĐND, UBND thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng). Ảnh: KIM NGỌC
Tuy nhiên, hiện nay thành phố Sóc Trăng còn gặp một số khó khăn nhất định, như: phần lớn các tuyến kênh, mương nội ô trên địa bàn đã và đang bị ô nhiễm môi trường. Công tác phân loại rác tại nguồn chưa được thực hiện tốt, rác thải sinh hoạt chủ yếu chỉ thu gom và đưa về bãi rác chôn lấp, tự phân hủy, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường về lâu dài. Nguồn nhân lực, năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý trong tình hình hiện nay.
Trước những khó khăn trên, thành phố Sóc Trăng kiến nghị tạo điều kiện về kinh phí sự nghiệp môi trường hợp lý để thành phố phát huy hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường; quan tâm đầu tư trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố; đồng thời, ban hành các quy định nhằm tạo cơ chế ưu đãi để thành phố thu hút đầu tư phát triển xứng tầm đô thị loại II…
Đồng chí Lý Rotha ghi nhận sự nỗ lực của thành phố trong thực hiện các chỉ tiêu về môi trường; đồng thời, thành phố cần tiếp tục xác định bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cần tập trung, ưu tiên trong lãnh đạo, chỉ đạo. Tăng cường và nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong công tác phối hợp giữa các cấp ủy, chính quyền, các ngành trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố. Nâng cao năng lực, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận ý kiến, kiến nghị của thành phố liên quan đến công tác xử lý rác, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt và cơ chế chính sách ưu đãi để thành phố thu hút đầu tư phát triển...
KIM NGỌC