Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Tuấn Tưởng trình bày báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2023 tại Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh khóa XVIII. (ảnh Minh Hiếu)
Nhiều vấn đề đặt ra
Theo báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2023, do đồng chí Nguyễn Tuấn Tưởng, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh trình bày tại Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh khóa XVIII (sáng 12/12), thì việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT trong thời gian giám sát đã có nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng qua các năm và tỉnh luôn vượt chỉ tiêu được Trung ương giao. Các cơ quan quản lý nhà nước đã chủ động tham mưu, tổ chức thực hiện chính sách và có nhiều giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn biểu hiện tiêu cực có thể gây thất thoát quỹ BHYT. Mạng lưới các cơ sở y tế phát triển rộng khắp, từ tuyến tỉnh đến các xã, phường, thị trấn; cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực được củng cố; thủ tục hành chính được rút ngắn; y đức của đội ngũ y, bác sĩ được coi trọng... do vậy chất lượng công tác KCB cho các đối tượng tham gia BHYT từng bước được nâng lên. Người bệnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế tốt hơn, thuận lợi hơn, quyền lợi được đảm bảo hơn so với giai đoạn trước...
Đại biểu HĐND tỉnh tham gia kỳ họp. (ảnh Minh Hiếu)
Tuy nhiên, kết quả giám sát cũng cho thấy việc thực hiện chính sách nhân văn này trong giai đoạn 2021 - 2023 đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Mà một trong số này là tỷ lệ người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh còn thấp, lại thiếu tính bền vững. Cụ thể là, năm đạt tỷ lệ người tham gia BHYT cao nhất gần đây là năm 2023 thì tỷ lệ mới chỉ đạt 91,95% với 3.436.097 người. Nhiều địa phương không hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT do UBND tỉnh giao, như các huyện: Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định, Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, Nông Cống, Quảng Xương...
Trong khi đó, việc phát triển đối tượng tham gia BHYT tại các huyện miền núi còn phụ thuộc nhiều vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Mà biểu hiện cụ thể là sau khi Quyết định 861/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 612/2021/QĐ-UBDT của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn có hiệu lực, năm 2022 tỷ lệ người tham gia BHYT tại nhiều huyện miền núi đã giảm đi đáng kể. Ví như huyện Ngọc Lặc giảm 10.689 người, Cẩm Thủy giảm 8.120 người, Thạch Thành giảm 5.598 người,...
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT tại TP Sầm Sơn. (ảnh Tô Hà)
Qua giám sát, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng đã chỉ ra việc cung ứng dịch vụ KCB BHYT còn nhiều hạn chế. Trong đó, có tình trạng cơ sở vật chất tại một số cơ sở y tế đã xuống cấp. Có đơn vị, công trình xây dựng đã lâu, chắp vá, không đồng bộ, không được sửa chữa, nâng cấp, đầu tư mới kịp thời, ảnh hưởng tới chất lượng KCB. Hầu hết công trình bệnh viện đa khoa công lập đầu tư những năm trước đây, không có hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Một số cơ sở KCB máy móc, trang thiết bị vừa ít, vừa lạc hậu, hỏng hóc không khắc phục được; thiếu máy móc, trang thiết bị hiện đại...
Thêm vào đó, một số cơ sở KCB BHYT thiếu nguồn nhân lực, bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên sâu. Cá biệt có bệnh viện trong 3 năm không tuyển dụng được bác sĩ. Trong khi đó, các trạm y tế xã năng lực chuyên môn và kỹ thuật còn hạn chế, nhiều nơi không có bác sỹ, nên không thu hút được người tham gia BHYT đến KCB...
Đây không những là thực trạng buồn, là một phần nguyên nhân khiến nhiều người dân không hào hứng tham gia BHYT mà còn dẫn tới tình trạng bệnh nhân chuyển lên tuyến trên ngày càng tăng cao trong thời gian giám sát. Ví như, năm 2022, có 4.602.583 lượt người KCB BHYT thì có tới 80.337 lượt chuyển tuyến Trung ương. Tình trạng này còn phổ biến hơn vào năm 2023 khi có 5.180.569 lượt KCB BHYT thì có tới 104.819 lượt chuyển tuyến Trung ương.
Năm 2021, chênh lệch thu - chi (cân đối quỹ KCB BHYT) là âm hơn 910 tỷ đồng. Số tiền mất cân đối thu - chi quỹ KCB BHYT của năm 2022 là hơn 1.780 tỷ đồng và gần 2.276 tỷ đồng vào năm 2023.
Một hạn chế khác cũng đã được Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chỉ ra sau giám sát chuyên đề này là việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT tại các cơ sở KCB còn chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến toàn tỉnh vượt dự toán KCB BHYT Thủ tướng Chính phủ giao với số tiền lớn. Cụ thể là năm 2022 tỉnh vượt dự toán là 259 tỷ đồng, năm 2023 vượt dự toán là 443 tỷ đồng. Đi cùng với đó là tình trạng số tiền KCB của các cơ sở y tế không được BHXH tỉnh chấp nhận quyết toán hằng năm còn nhiều. Như năm 2023, tổng chi trong KCB BHYT của các cơ sở y tế là gần 5.530 tỷ đồng, nhưng chỉ được BHXH tỉnh quyết toán gần 4.577 tỷ đồng, số tiền không được chấp nhận quyết toán hơn 953 tỷ đồng. Loay hoay trong cơ chế tự chủ về tài chính, thực trạng này đã khiến nhiều bệnh viện lại càng thêm khó khăn.
Cần sự đồng bộ và quyết liệt
Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, phần do cơ chế, chính sách, phần do nguồn lực đầu tư cho y tế tuyến huyện và tuyến cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu... Tuy nhiên, thông qua hoạt động giám sát chuyên đề, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra một số nguyên nhân chủ quan là công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Công tác tuyên truyền về BHYT chưa có chiều sâu tới từng nhóm đối tượng. Một số doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ, nên việc thực thi pháp luật về BHYT chưa nghiêm. Thậm chí là có tình trạng đối phó phát triển tỷ lệ người tham gia BHYT ở một số xã trong xây dựng nông thôn mới. Mà thực tế là sau khi được công nhận, tỷ lệ người tham gia BHYT ở nhiều xã nông thôn mới sụt giảm...
BHYT mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong những trụ cột quan trọng của chính sách an sinh xã hội cần được triển khai sâu rộng, thiết thực, hiệu lực, hiệu quả. Để việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã kiến nghị các cơ quan Trung ương hoàn thiện cơ chế, chính sách. Kiến nghị HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương, đơn vị trong đó có BHXH tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, vừa đảm bảo tính toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BHYT, chất lượng KCB, huy động ngày càng nhiều người tham gia BHYT...
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hậu Lộc. (ảnh Tô Hà)
Ngoài kiến nghị HĐND, UBND tỉnh ưu tiên nguồn ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm máy móc, trang thiết bị hiện đại, thu hút các chuyên gia y tế giỏi về công tác tại các cơ sở y tế công lập..., Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh kiến nghị Sở Y tế cần phối hợp với BHXH tỉnh thường xuyên tổ chức giao ban để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác KCB, nhất là tạm ứng, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT; hướng dẫn BHXH các huyện, thành phố và các cơ sở y tế KCB BHYT quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn quỹ khám chữa bệnh BHYT. Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp để quản lý, nâng cao chất lượng KCB ở các cơ sở y tế, góp phần giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến điều trị, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, hạn chế tình trạng bội chi quỹ BHYT.
Về phần mình, các cơ sở y tế cần tiếp tục quan tâm giáo dục y đức, nâng cao văn hóa ứng xử, tinh thần, thái độ giao tiếp với người bệnh, kiên quyết xử lý nghiêm những nhân viên y tế có tinh thần phục vụ và thái độ không tốt đối với người bệnh...
Đỗ Đức