Thực hiện Đề án 1371 của Chính phủ - Cách làm sáng tạo ở các tỉnh Tây Bắc: Bài 1: Hiệu quả từ những mô hình, cách làm gắn liền với đời sống người dân

Thực hiện Đề án 1371 của Chính phủ - Cách làm sáng tạo ở các tỉnh Tây Bắc: Bài 1: Hiệu quả từ những mô hình, cách làm gắn liền với đời sống người dân
3 giờ trướcBài gốc
Lào Cai, Sơn La, Lai Châu là các tỉnh miền núi, biên giới, nơi tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế-xã hội nhiều khó khăn; ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế. Trước tình hình đó, cơ quan quân sự địa phương và các đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL cho nhân dân ở cơ sở với những nội dung tuyên truyền dễ hiểu, gần gũi cuộc sống của đồng bào.
Đưa kiến thức pháp luật đến thẳng người dân
Mới đây, Ban CHQS huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai phối hợp với Tòa án, Công an, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Văn Bàn tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền phổ biến pháp luật với chủ đề “An toàn giao thông” tại Trường THPT số 2 Văn Bàn. Các cháu học sinh được theo dõi video tái hiện lại một tình huống vi phạm Luật Giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và tham gia vào phiên tòa giả định xét xử các nghi phạm bị truy tố vì những hành vi vi phạm. Nội dung phiên tòa giả định được xây dựng sinh động, sát với thực tế, quy trình, diễn biến phiên tòa được diễn ra theo đúng trình tự thủ tục trong tố tụng hình sự, cũng như các điều luật được áp dụng trong tình huống.
Quang cảnh phiên tòa giả định. Ảnh: KIỀU THU
Theo Thượng tá Đàm Vân Dương, Chính trị viên Ban CHQS huyện Văn Bàn, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân, trong những năm gần đây, Ban CHQS huyện Văn Bàn chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền với nội dung phong phú, đa dạng, được chọn lọc thông qua việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu tìm hiểu pháp luật của từng đối tượng và đặc điểm từng xã, thị trấn, từ đó có định hướng và tập trung tuyên truyền, giới thiệu luật, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL cho nhân dân, cơ quan quân sự cũng tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo cấp xã xây dựng các quy ước, hương ước của thôn, tổ dân phố, các cơ quan, đơn vị xây dựng nội quy cơ quan; trả lời các câu hỏi giải đáp pháp luật thông qua cổng điện tử của huyện, các buổi giao lưu trực tuyến, qua hình thức mở các phiên tòa xét xử lưu động tại các xã trên địa bàn…
Cán bộ Ban CHQS huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai phổ biến pháp luật cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Là tỉnh biên giới, giao thông đi lại khó khăn, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Trước tình hình đó, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Lào Cai thường xuyên chủ trì phối hợp tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác PBGDPL trong nhân dân với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả.
Đại tá Phạm Hùng Hưng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lào Cai chia sẻ, sau hơn 5 năm thực hiện chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021 và gần 3 năm triển khai thực hiện Đề án 1371 của Chính phủ, nhận thức pháp luật của cán bộ, chiến sĩ LLVT, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh có bước chuyển biến rõ nét. Hơn 90% báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giảng viên dạy môn pháp luật trong các nhà trường được cung cấp, cập nhật thông tin, tài liệu pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cần thiết để tham gia PBGDPL theo yêu cầu. Các nhà trường trên địa bàn tỉnh đều triển khai PBGDPL theo chương trình giáo dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa.
Công tác tập huấn kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.
Bộ CHQS tỉnh Lào Cai cũng chú trọng tham mưu với địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL. Hiện toàn tỉnh có 168 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 233 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 2.678 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, hơn 7.300 hòa giải viên. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được hơn 83.900 buổi tuyên truyền pháp luật cho gần 5,2 triệu lượt cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, học sinh và nhân dân trong tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh có 120 mô hình an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại cộng đồng với 4.000 thành viên tham gia được quản lý bởi hội phụ nữ các cấp; 214 câu lạc bộ và 152 mô hình “Khu dân cư không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội” được quản lý bởi các huyện, thị, thành đoàn và đoàn trực thuộc. Hoạt động hiệu quả của các mô hình trên đã đưa kiến thức pháp luật đến với thanh thiếu niên, phụ nữ, trẻ em và người dân ở cơ sở.
Phát huy hiệu quả thông tin lưu động
Về các bản vùng cao biên giới xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La thời gian gần đây, dễ dàng bắt gặp tiếng loa phóng thanh vang vọng giữa đại ngàn, mang theo nhiều thông tin bổ ích về tình hình thời sự chính trị của đất nước, quốc tế, Quân đội và địa phương, xen lẫn thông tin về pháp luật, được cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lạn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La truyền đạt đến người dân.
Hệ thống loa công cộng được cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lạn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La lắp đặt để tuyên truyền pháp luật. Ảnh: VŨ TUẤN
Xã Mường Lạn có đường biên giới dài hơn 54km, với 21 cột mốc, tiếp giáp với huyện Mường Ét, tỉnh Houaphan của nước bạn Lào, toàn xã có 16 bản, 2 điểm dân cư. Mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, nhưng giao thông đi lại ở một số bản còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở các bản vùng sâu, bản biên giới còn cao. Do đó, chính quyền xã đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bằng nhiều hình thức, phương pháp nhằm đưa đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến được với bà con.
Gắn bó với nhân dân vùng biên giới này đã nhiều năm, Trung tá Lò Văn Vui, Phó bí thư Đảng ủy xã Mường Lạn, người được giao tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở của xã đã chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng ủy xã, Đảng ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Mường Lạn đưa ra các hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện địa bàn. Trong đó, có hình thức truyền thanh nội bộ được sử dụng hằng ngày. Đến năm 2023, địa bàn xã được đầu tư 8 cụm loa truyền thanh được sử dụng trong công tác tuyên truyền.
Theo Trung tá Lò Văn Tuân, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mường Lạn, đơn vị cũng chủ động phối hợp với xã vận động xã hội hóa đầu tư 2 bộ loa, mỗi bộ trị giá trên 10 triệu đồng, đã lắp đặt tại 2 bản xa nhất là Co Muông và Nậm Lạnh. Nhờ các thông tin từ chương trình phát thanh, đồng bào được cập nhật kiến thức về pháp luật, y tế, giáo dục, nông nghiệp; mối đoàn kết giữa các hộ gia đình, giữa các bản ngày càng được thắt chặt, tạo nên cộng đồng đoàn kết, gắn bó. Đặc biệt, hệ thống loa phóng thanh đã trở thành kênh truyền thông hữu hiệu để triển khai công tác bảo vệ biên giới và giúp nhân dân ứng phó với thiên tai...
Với đặc thù vùng dân tộc thiểu số, một số phong tục, tập quán còn lạc hậu, các đơn vị BĐBP chú trọng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân các văn bản pháp luật liên quan đến hôn nhân, bình đẳng giới, an toàn giao thông, phòng, chống bạo lực gia đình... với nhiều hình thức sinh động. Điển hình như cộng đồng người dân tộc H'Mông ở xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, trước đây, nam giới thường được coi trọng và ưu tiên trong tất cả mọi việc, trong khi đó, nữ giới thường phải làm việc vất vả, cơ hội được đi học ít hơn. Trong gia đình người H'Mông, người chồng có quyền quyết định mọi việc...
Tuy nhiên, thông qua tuyên truyền pháp luật, những định kiến đó dần được xóa bỏ. Anh Giàng Ca Dinh, bản Pu Hao, xã Mường Lạn bày tỏ: “Nhờ được tuyên truyền pháp luật, tôi hiểu rằng, nam giới và phụ nữ đều có quyền và trách nhiệm như nhau. Vợ chồng tôi cùng làm việc nhà, làm nương và chia nhau việc đưa đón con đi học. Hai vợ chồng cùng có quyền quyết định bán hay mua một thứ gì đó, không phải như ngày xưa chỉ người chồng mới có quyền. Trong bản cũng không còn tình trạng chồng đánh vợ nữa. Bây giờ, ai cũng nhận thức được việc đó là vi phạm pháp luật”.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu phổ biến pháp luật cho nhân dân trong mọi nơi, mọi lúc.
Tìm hiểu tại Bộ đội Biên phòng các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, chúng tôi còn được biết, các Đồn Biên phòng đã chủ động nghiên cứu, biên soạn hàng nghìn đề cương tuyên truyền về các bộ luật, luật, văn bản dưới luật bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số; biên soạn in và cấp tờ rơi, tờ gấp và đĩa DVD tuyên truyền pháp luật với nội dung dễ nhớ, dễ hiểu, phù hợp với trình độ, nhận thức của các đối tượng. Bộ đội Biên phòng một số tỉnh, thành phố đã phối hợp với địa phương luân chuyển, hỗ trợ, bổ sung sách vào tủ sách pháp luật được bố trí tại các xã, phường, thị trấn biên giới.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Đề án 1371 các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, sau gần 3 năm thực hiện, ý thức pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã được nâng lên. Ý thức quốc gia, quốc giới, chấp hành các quy chế, quy định về bảo vệ biên giới, trách nhiệm tố giác tội phạm của người dân được nâng lên đã góp phần giữ vững an ninh trật tự; tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
(còn nữa)
Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG
Bài 2: Cùng đồng bào bài trừ hủ tục lạc hậu
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/thuc-hien-de-an-1371-cua-chinh-phu-cach-lam-sang-tao-o-cac-tinh-tay-bac-bai-1-hieu-qua-tu-nhung-mo-hinh-cach-lam-gan-lien-voi-doi-song-nguoi-dan-803221