Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa
2 giờ trướcBài gốc
Chiều 15/10, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đã chủ trì hội nghị nghe dự thảo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa (CTPTDL) giai đoạn 2021-2025; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2026-2030. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.
Toàn cảnh hội nghị.
Theo dự thảo báo cáo kết quả thực hiện CTPTDL Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, có 2/4 nhóm chỉ tiêu du lịch đạt và vượt kế hoạch, gồm nhóm chỉ tiêu về cơ sở lưu trú (tổng số cơ sở lưu trú, tổng số phòng cơ sở lưu trú), và nhóm lao động du lịch (tổng số lao động, tỷ lệ lao động được đào tạo).
Tính đến tháng 9/2024, toàn tỉnh có 1.300 nhà nghỉ, khách sạn, với tổng số 48.600 phòng. Dự kiến đến năm 2025, tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 1.320 cơ sở, với tổng số 50.000 phòng, đạt 100% kế hoạch CTPTDL năm 2025. Tính đến tháng 9/2024, toàn tỉnh có 57.800 lao động trong ngành du lịch. Dự kiến đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 62.000 lao động trong ngành du lịch, đạt 100% kế hoạch CTPTDL năm 2025.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Các chỉ tiêu còn lại gồm lượt khách, tổng thu du lịch dự kiến khó đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong giai đoạn 2021-2025, do năm 2021 bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo báo cáo, giai đoạn từ năm 2021 -2025, toàn tỉnh ước đón trên 58,2 triệu lượt khách. Tổng thu du lịch ước đạt 128.886 tỷ đồng.
Từ năm 2021 đến nay, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ từ nguồn CTPTDL là hơn 213 tỷ đồng, thực hiện các nhóm nhiệm vụ, như: phát triển sản phẩm du lịch gần 121,5 tỷ đồng, quảng bá xúc tiến du lịch hơn 69 tỷ đồng...
Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày dự thảo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa (CTPTDL) giai đoạn 2021-2025; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2026-2030
Công tác quy hoạch phát triển các khu, điểm du lịch cơ bản đảm bảo tiến độ, chất lượng quy hoạch, công tác quản lý quy hoạch được tăng cường. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 57 quy hoạch phục vụ phát triển du lịch trong đó có 48 quy hoạch đã được phê duyệt và 9 quy hoạch đang triển khai nghiên cứu.
Việc đầu tư phát triển du lịch được quan tâm thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực về cả quy mô và chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có 190 dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích được thống nhất, phê duyệt chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư là hơn 4.500 tỷ đồng.
Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Toàn tỉnh, hiện có 70 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, trong đó có 47 dự án hoàn thành và 23 dự án đang triển khai thực hiện. Một số dự án có quy mô lớn đã hoàn thành hoặc khởi công mới, có giá trị kết nối các khu du lịch trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến với các khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh.
Giai đoạn 2021 đến nay, tỉnh đã chấp thuận 5 dự án đầu tư và hết hiệu lực chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án, nâng tổng số dự án đầu tư kinh doanh du lịch đang triển khai trên địa bàn tỉnh đến nay là 81 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 153.000 tỷ đồng. Trong đó có những dự án quy mô lớn, hệ thống dịch vụ đồng bộ, có chất lượng cao, hướng đến đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước thuộc phân khúc cao cấp đã và đang được triển khai như: Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn, Khu đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En (Như Thanh), Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên (Quảng Xương) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời...
Các sản phẩm, dịch vụ du lịch phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bước đầu đã hình thành sản phẩm du lịch cao cấp như: du lịch biển, du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nghề, làng nghề truyền thống, phát triển trang trại nông nghiệp kết hợp với phát triển du lịch, khai thác tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến – Đảo Nẹ (Hoằng Hóa), Nghi Sơn – Đảo Mê (thị xã Nghi Sơn)...
Dự thảo báo cáo cũng nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện CTPTDL Thanh Hóa giai đoạn 2026-2030 đó là: Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh đón được 21,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 1,6 triệu lượt khách. Tổng thu du lịch đạt 94.200 tỷ đồng.
Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả các quy hoạch du lịch được duyệt, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư các dự án du lịch, hạ tầng du lịch nhằm phát triển đột phá ngành du lịch của tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với dự thảo báo cáo CTPTDL Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, tập trung thảo luận một số vấn đề về tình hình thực hiện CTPTDL Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025; nêu một số khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch tại Thanh Hóa.
Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đánh giá cao cố gắng của đơn vị chủ trì là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các thành viên Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh và một số địa phương đã xây dựng dự thảo báo cáo một cách đầy đủ, bố cục, nội dung rõ ràng.
Đồng chí đề nghị: Ban soạn thảo dự thảo báo cáo CTPTDL Thanh Hóa, nhất là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp thu ý kiến xác đáng của các sở, ngành, địa phương, các ý kiến phát biểu của các đại biểu tại hội nghị. Đồng thời, cần đánh giá lại toàn bộ những tồn tại, hạn chế trong CTPTDL Thanh Hóa, từ đó có các giải pháp để thực hiện, xây dựng chiến lược phát triển du lịch một cách đồng bộ, toàn diện và tham mưu cho các cấp có thẩm quyền để có kế hoạch phát triển du lịch trong giai đoạn tới.
Các vấn đề liên quan đến CTPTDL Thanh Hóa trong giai đoạn tới cũng cần có kiến nghị, đề xuất, bổ sung thêm thêm phần giải pháp, định hướng cũng phải rõ ràng hơn, phải tập trung nguồn lực, lồng ghép CTPTDL Thanh Hóa với phát triển kinh tế xã hội, chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng du lịch... Từ đó, nâng cao hiệu quả phát triển du lịch của tỉnh.
Ngoài ra, cũng cần tập trung tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đã được chấp thuận chủ trương đầu tư để sớm đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Đạt
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/thuc-hien-dong-bo-cac-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-phat-trien-du-lich-tinh-thanh-hoa-227677.htm