Thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính

Thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính
2 giờ trướcBài gốc
Thời gian qua, việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì, thực hiện nền nếp. Qua đó góp phần thúc đẩy nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC và thực hiện dịch vụ công (DVC) trực tuyến.
Cán bộ Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ người dân, tổ chức trên địa bàn.
Là địa bàn trung tâm của tỉnh, TP Hòa Bình quan tâm thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC), trong đó chú trọng thực hiện kiểm soát TTHC, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Thực hiện Kế hoạch CCHC năm 2024, đến nay, thành phố đã hoàn thành 32/55 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ nào hoàn thành quá hạn. Thành phố đã tiếp nhận 20.692 hồ sơ TTHC; số hồ sơ giải quyết TTHC toàn trình chiếm 83,62%; hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến một phần đạt 99,78%. Thành phố đã triển khai hạ tầng kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II cho 19/19 phường, xã, đảm bảo việc khai thác các hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh, thành phố.
Đồng chí Phạm Thị Tuyết, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Trên địa bàn toàn tỉnh, 100% TTHC thuộc phạm vi quản lý của địa phương được công bố và công khai kịp thời theo quy định. Các cơ quan, đơn vị đã quan tâm đến chất lượng, tiến độ giải quyết TTHC; tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC trước và đúng hạn tăng cao, chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền ngày càng được nâng lên; việc giải quyết hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử được đẩy mạnh. Tiến độ, kết quả giải quyết TTHC của các cấp chính quyền được công khai đầy đủ, kịp thời trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, Cổng DVC của tỉnh và kết nối với Cổng DVC quốc gia để theo dõi, đánh giá theo quy định. Bên cạnh đó, các nhiệm vụ của Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh được chỉ đạo quyết liệt từ đầu năm thông qua việc ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện…
Trong 9 tháng năm 2024, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã tiếp nhận 88.646 hồ sơ TTHC, trong đó, tiếp nhận trực tuyến 78.664 hồ sơ; trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính 3.177 hồ sơ; kỳ trước chuyển sang 6.805 hồ sơ. Đã giải quyết 80.185 hồ sơ; 8.461 hồ sơ đang giải quyết. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được thực hiện tốt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả 10 huyện, thành phố và 151 xã, phường, thị trấn. Trong 9 tháng, tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết đúng hạn của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đạt 99,45%; tại UBND cấp huyện đạt 99,19%; tại UBND cấp xã đạt 99,60%. Tỉnh đã triển khai hiệu quả một số mô hình về cải cách TTHC, giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp như: mô hình "Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã với khẩu hiệu "5 biết” (biết nghe dân nói;, biết nói dân hiểu; biết làm dân tin; biết xin lỗi; biết cảm ơn); "3 không” (không phiền hà, sách nhiễu; không né tránh trách nhiệm; không trễ hẹn trong quá trình xử lý công việc); "4 thể hiện” (tôn trọng trong giao tiếp; văn minh, văn hóa, lịch sự trong giải quyết công việc; lắng nghe đầy đủ, hướng dẫn tận tình quy trình xử lý công việc; gần dân, giải quyết kịp thời những thắc mắc, kiến nghị chính đáng của người dân).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số hạn chế, vướng mắc. Việc giải quyết hồ sơ TTHC của tỉnh trên một số lĩnh vực còn chậm; sự phối hợp giải quyết hồ sơ liên thông theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông chưa thực sự hiệu quả, một số cơ quan chuyên môn trách nhiệm chưa cao, làm ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ xử lý hồ sơ. Công tác công bố, công khai danh mục TTHC thuộc phạm vi quản lý của một số cơ quan đôi khi còn chậm; công tác số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, nhất là tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa chưa đạt yêu cầu. Hạ tầng công nghệ thông tin, máy móc, trang thiết bị để thực hiện các DVC trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn…
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về cải cách TTHC, kiểm soát TTHC để thực hiện kịp thời, có hiệu quả các quy định của Trung ương và của tỉnh. Thực hiện công bố, công khai kịp thời danh mục TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh; cập nhật, công khai đầy đủ, kịp thời trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và đồng bộ hóa về Cổng DVC, Hệ thống thông tin một cửa cấp tỉnh theo quy định. Đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử, DVC trực tuyến toàn trình, một phần, nhất là các DVC đã được kết nối, tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC quốc gia. Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã... nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC, hướng tới sự hài lòng của người dân và tổ chức.
Hương Lan
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/274/194758/thuc-hien-hieu-qua-co-che-mot-cua,-mot-cua-lien-thong-tr111ng-giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh.htm