Bài 2 - Đi sâu vào vấn đề nóng từ thực tiễn
Những năm qua, các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND các cấp tỉnh Hòa Bình đã gắn với vấn đề nóng, bức xúc được cử tri và Nhân dân trong tỉnh quan tâm. Các vấn đề đã được xem xét, thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo quy định. Đại biểu dân cử quyết tâm theo đuổi, bám sát đến cùng đối với những kiến nghị chính đáng của cử tri chưa được giải quyết dứt điểm.
Ban Dân tộc (HĐND tỉnh) giám sát tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu tái định cư xã Hòa Bình (TP Hòa Bình).
Người dân khu tái định cư vùng thiên tai chưa yên tâm an cư
Nhiều địa phương trong tỉnh đã gánh chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, sạt lở, mưa lũ. Đặc biệt là đợt mưa lũ lịch sử năm 2017 khiến nhiều người thiệt mạng vì lở núi, trượt sạt, lũ ống, lũ quét; thiên tai phá hủy hàng trăm công trình hạ tầng, rất nhiều hộ dân mất nhà, mất đất phải di dời. Tỉnh phải khẩn cấp triển khai các dự án tái định cư (TĐC) để người dân vùng thiên tai, trượt sạt có cuộc sống an toàn hơn. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, vẫn còn nhiều hộ chưa được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nơi ở mới, điều kiện sản xuất của người dân rất khó khăn, nên đã xảy ra tình trạng quay trở lại nơi ở cũ để sản xuất, cuộc sống vẫn chưa ổn định.
Chúng tôi được đến khu TĐC xóm Tớn Trong, xã Vân Sơn (Tân Lạc). Ông Hà Văn Tăng, xóm Tớn Trong chia sẻ: Năm 2017, trên địa bàn bị sạt lở do thiên tai, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân. Năm 2018, người dân được chuyển đến nơi ở mới với diện tích bình quân 300 m2/hộ. Tuy nhiên, đến nay, các hộ vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Nơi ở cũ mặc dù không ở, sinh hoạt thường xuyên, nhưng chúng tôi vẫn mong muốn được giữ lại để bà con phát triển sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi. Tại các đợt tiếp xúc cử tri, bà con đều kiến nghị cấp trên cấp sổ đỏ để người dân yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế. Trên địa bàn huyện Tân Lạc có 4 khu TĐC cho 75 hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Hộ dân tại các khu TĐC tập trung và xen ghép đều chưa được cấp GCNQSDĐ.
Không chỉ ở huyện Tân Lạc, việc cấp GCNQSDĐ nơi ở mới cho các hộ phải di dời đến khu TĐC tại các địa phương đang gặp khó khăn. Trước thực trạng đó, Ban Dân tộc (HĐND tỉnh) đã tổ chức giám sát trên địa bàn huyện Đà Bắc, Tân Lạc và TP Hòa Bình vào tháng 3/2023.
Đồng chí Bùi Tiến Lực, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc (HĐND tỉnh) cho biết: Việc cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân TĐC vùng thiên tai diện khẩn cấp, cấp bách đã thực hiện từ năm 2017 - 2018 đến nay. Trước hết phải đánh giá rằng, các cấp ủy, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở đã quyết liệt lo được đất ở, đất sản xuất cho dân. Đại bộ phận người dân đã có đất ở, đất sản xuất, ổn định đời sống, phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, trong quá trình giám sát cũng thấy còn những khó khăn, hạn chế. Nguyên nhân do khi triển khai các dự án khẩn cấp, việc áp dụng các văn bản luật liên quan chưa cụ thể về quy trình thực hiện, bao gồm cả về thẩm quyền, thủ tục các bước thực hiện đầu tư, đo đạc bản đồ, thanh quyết toán. Kinh phí thực hiện mới chỉ đáp ứng được giai đoạn đầu tư hạ tầng, chưa bố trí được kinh phí trích đo để thực hiện các thủ tục về đất đai theo quy định. Công tác quy hoạch sử dụng đất chưa kịp thời, việc thu hồi GCNQSDĐ, chuyển đổi đất nơi ở cũ của các hộ thành đất canh tác sản xuất còn hạn chế... Do vậy, các dự án đã triển khai xong mấy năm nay, nhưng thủ tục hồ sơ cấp GCNQSDĐ nhiều bất cập nên số hộ chưa được cấp giấy chứng nhận còn khá nhiều…
Sau cuộc giám sát, Ban Dân tộc (HĐND tỉnh) đã kiến nghị HĐND tỉnh và các cấp, ngành chức năng khắc phục hạn chế, đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân khu TĐC vùng thiên tai. Cũng từ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện làm cơ sở để thực hiện các dự án mang tính chất cấp bách sau này được chủ động, quan tâm đến vấn đề quy hoạch khu TĐC ngay từ đầu để khi xảy ra thiên tai di dân ngay, không bị động. Nhất là vừa qua, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) khiến nhiều khu dân cư bị sạt lở và nguy cơ trượt sạt, đòi hỏi xây dựng các khu TĐC, để đảm bảo đầy đủ trình tự, thủ tục cho người dân yên tâm sinh sống, sản xuất.
Nhiều công trình nước sinh hoạt tiền tỉ bỏ hoang, gây lãng phí
Cùng Đoàn ĐBQH tỉnh, chúng tôi tìm hiểu thực tế tại công trình nước sinh hoạt của khu TĐC Mai Sơn, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn). Công trình được xây dựng trên quả đồi, đường đi cỏ lau mọc um tùm. Vất vả lắm đoàn mới lên được công trình nước sạch bỏ hoang đã lâu. Dự án Công trình nước sinh hoạt xóm Mai Sơn, xã Yên Nghiệp được xây dựng hoàn thành năm 2014 với tổng mức đầu tư 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 2 tháng đưa vào hoạt động đã hư hỏng, không cấp nước cho các hộ dân. Hiện toàn bộ thiết bị tại trạm xử lý nước đã hư hỏng và mất. Công trình vừa đi vào hoạt động đã hư hỏng mà không xác định được đơn vị quản lý, chịu trách nhiệm.
Theo thống kê của UBND tỉnh, toàn tỉnh hiện có 359 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung với tổng mức đầu tư 733,735 tỷ đồng, trong đó có 37 công trình hoạt động bền vững (chiếm 10,3%), 62 công trình hoạt động tương đối bền vững (chiếm 17,2%), 80 công trình hoạt động kém bền vững (chiếm 22,2%) và 180 công trình không hoạt động (chiếm 50,1%).
Đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Qua tìm hiểu thực tế, ở các địa bàn có công trình nước sinh hoạt tập trung hoạt động hiệu quả rất ít. Đa phần công trình đặt ở vị trí trên cao, vùng sâu, xa, khó khăn. Thiết kế xây dựng công trình chưa sát thực tế; một số công trình chất lượng không đảm bảo; nhiều công trình vừa bàn giao đã không sử dụng được, tuổi thọ ngắn. Bên cạnh đó, đơn giá thấp, không đảm bảo để vận hành, duy tu, bảo dưỡng khiến công trình xuống cấp nhanh. Hàng trăm công trình nước sinh hoạt tập trung bị bỏ hoang, gây lãng phí trong khi đó người dân vẫn thiếu nước, không có nước sạch để sử dụng.
Sau khi khảo sát, giám sát thực tế ở một số địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh đã kiến nghị đối với UBND tỉnh. Theo đó, về khảo sát và thiết kế xây dựng: Chỉ đạo các đơn vị có liên quan ngay từ khâu khảo sát và thiết kế xây dựng cần khảo sát, thẩm định đảm bảo chất lượng, tránh trường hợp khảo sát, thiết kế không sát với thực tế, dẫn đến khi hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng công trình không đạt được hiệu quả như thiết kế ban đầu, hoặc có công trình đưa vào sử dụng một thời gian ngắn đã không hoạt động, như các công trình nước sinh hoạt xóm Bún, Thia, xã Yên Mông, TP Hòa Bình (2 năm); Công trình nước sinh hoạt xómMai Sơn, xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn (2 tháng); cấp nước sinh hoạt xóm Pà Cò Con, Pà Cò Lớn, xã Pà Cò, huyện Mai Châu (6 tháng)... Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng có giải pháp quản lý tài sản công trình; xử lý đối với tổ chức, cá nhân khi để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí, mất cắp tài sản, thi công làm hư hỏng hệ thống đường ống cấp nước sinh hoạt và thực hiện không đúng quy định về quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung; rà soát, xem xét hỗ trợ kinh phí để duy tu, sửa chữa nâng cấp các công trình cấp nước tập trung nông thôn còn khả năng khai thác hiệu quả để khai thác tối ưu công suất của công trình…
Đây là 2 trong số nhiều cuộc khảo sát, giám sát của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Có thể khẳng định, hoạt động khảo sát, giám sát của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã có nhiều đổi mới. Riêng đối với Đoàn ĐBQH tỉnh, bên cạnh tổ chức các chuyên đề giám sát theo Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hằng năm, Đoàn đều xây dựng chương trình và tổ chức giám sát một số chuyên đề gắn với vấn đề nóng, bức xúc được cử tri và Nhân dân quan tâm.
(Còn nữa)
Hương Lan