Hoài Đức có nhiều thế mạnh phát triển nông nghiệp, đây cũng chính là nguồn lực để giúp nâng cao đời sống bà con nông dân trên địa bàn huyện. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.
Nông thôn mới tạo lực đẩy đưa huyện sớm phát triển thành quận
Từ khi được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, quán triệt chỉ đạo của Trung ương trong thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa 24, nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Hoài Đức đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện song hành 2 nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao gắn với Đề án xây dựng huyện thành quận. Thời gian qua, huyện Hoài Đức ban hành các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch sát nhiệm vụ thực tế; ưu tiên tập trung nguồn lực duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại các xã; đồng thời đề ra các giải pháp chiến lược để phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kinh tế, du lịch thương mại, tạo tiền đề hoàn thành các tiêu chí phường, quận đảm bảo theo lộ trình, tiến độ.
Để huy động sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc, chung tay thực hiện tốt các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với hoàn thành các tiêu chí quận, huyện Hoài Đức đẩy mạnh công tác tuyên truyền phong phú, đa dạng bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn để nhận thức của nhân dân được thông suốt. Qua đó, đã tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, sự vào cuộc tham gia của cả cộng đồng, người dân trong vai trò chủ thể, đồng tâm hợp sức xây dựng quê hương Hoài Đức tốt đẹp hơn.
Nhờ sự tập trung cao độ, đến hết năm 2023, Hoài Đức có 16/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm tỷ lệ 84,2%; 3/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, chiếm tỉ lệ 15,7%; hoàn thành 9/9 tiêu chí với 38 chỉ tiêu huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Huyện đạt 27/31 tiêu chí quận; 100% các xã đạt chuẩn tiêu chí phường về cơ sở hạ tầng. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện hiện được 31.260 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 12,12%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó giá trị thương mại - dịch vụ chiếm 57,25%; công nghiệp - xây dựng 39,12% và nông nghiệp 3,65%. Năm 2023, thu nhập bình quân toàn huyện đạt 78,34 triệu đồng/người. Huyện duy trì không còn hộ nghèo từ năm 2020 đến nay và nỗ lực xóa hộ cận nghèo trong năm 2024.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và đô thị văn minh, hiện đại, công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp trên địa bàn huyện đã chuyển biến tích cực. Các cụm công nghiệp, làng nghề thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường, xử lý nước thải.
Là huyện có tốc độ phát triển nhanh về đô thị, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, toàn huyện Hoài Đức có 52 dự án phát triển nhà ở, dịch vụ, thương mại đang triển khai thực hiện. Huyện có hơn 4.000 doanh nghiệp; 53/54 làng có nghề, trong đó có 12 làng nghề truyền thống đã được công nhận; 9 cụm công nghiệp và nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, mang lại nguồn thu cho ngân sách, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân. Đến nay, Hoài Đức đã đạt 27/31 tiêu chí quận, 100% các xã đạt chuẩn tiêu chí phường về cơ sở hạ tầng. Nông thôn mới đã và đang tạo lực đẩy giúp huyện Hoài Đức sớm phát triển thành quận.
Để hoàn thành đến năm 2025 xây dựng Hoài Đức trở thành quận phát triển nhanh, bền vững, huyện Hoài Đức đã duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao gắn với xây dựng các tiêu chí phường, quận.
Hoài Đức có nhiều làng nghề nổi tiếng, đây cũng là nét đặc trưng của huyện khi phát triển lên quận vẫn giữ và phát triển làng nghề để nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.
Tập trung xây dụng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu
Nhằm đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao trên địa bàn huyện Hoài Đức, vừa qua đoàn thẩm định Nông thôn mới thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, đánh giá đối với 7 xã trên địa bàn huyện. Trong đó, có 4 xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gồm: An Khánh, Sơn Đồng, Kim Chung và Đức Thượng.
Trong đợt này, xã An Khánh đề nghị đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên 3 lĩnh vực gồm: văn hóa, y tế, du lịch. Xã Sơn Đồng đề nghị đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu trên 2 lĩnh vực là y tế, giáo dục và đào tạo.
Xã Kim Chung đề nghị đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu trên 2 lĩnh vực gồm y tế, văn hóa. Xã Đức Thượng đề nghị đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu trên 3 lĩnh vực là văn hóa, y tế, môi trường.
Qua khảo sát thực tế các tiêu chí, đồng thời, xem xét, thẩm định hồ sơ xét công nhận đạt chuẩn của các xã, các thành viên đoàn ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới nâng cao của các xã. Đồng thời cũng chỉ ra một số vấn đề cần tiếp tục được quan tâm, hoàn thiện để bảo đảm đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định Nông thôn mới thành phố Hà Nội xem xét.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, trước 4 xã An Khánh, Sơn Đồng, Kim Chung và Đức Thượng được thẩm định ngày 24/10, địa phương đã có 3 xã được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện phấn đấu đến hết năm 2024 sẽ có ít nhất 40% tổng số xã được công nhận về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với mục tiêu nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Hoài Đức cũng đặt mục tiêu có 100% số xã (19/19 xã) về đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2024. Hiện, địa phương còn 3 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm: Vân Côn, Song Phương và Dương Liễu.
Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn đã đề nghị UBND huyện Hoài Đức tiếp tục chỉ đạo các xã hoàn thiện các tiêu chí theo đánh giá, góp ý của các thành viên đoàn thẩm định. Bên cạnh đó, sớm hoàn thiện hồ sơ gửi cấp có thẩm quyền cho ý kiến, trình UBND thành phố Hà Nội xem xét công nhận. Ngoài ra, các địa phương tiếp tục lồng ghép mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với tiêu chí phát triển đô thị, phấn đấu xây dựng các xã sớm trở thành phường.
Thiện Tâm