Chi phí tốn kém
Bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của T.Ư, tỉnh, ngành chức năng, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tạo chuyển biến tích cực. Việc cưới tại nhiều gia đình được tổ chức trang trọng, vui tươi, phù hợp với phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, ở một số nơi, khi tổ chức đám cưới vẫn còn tình trạng ăn uống linh đình, mời nhiều khách gây tốn kém, lãng phí; dựng rạp lấn chiếm lòng đường; mở nhạc to ảnh hưởng đến các hộ dân sống xung quanh...
Rạp đám cưới dựng ở gần cầu Á Lữ (TP Bắc Giang) khiến ô tô không thể đi từ đê sông Thương về hướng chợ Thương.
Cách đây vài tuần, gia đình anh H. V. H ở xã Mỹ Thái (Lạng Giang) tổ chức đám cưới cho con gái. Nhà làm ruộng, mối quan hệ với bên ngoài không nhiều song gia đình cũng làm 110 mâm cỗ (8 người/mâm) để mời khách ăn trong 2 ngày. Anh H chia sẻ thêm, ngoài vài chục triệu đồng thuê phông rạp, bàn ghế, bát đĩa, sân khấu, loa đài, tiền chụp ảnh cưới của đôi vợ chồng trẻ cũng hết gần 20 triệu đồng. Sau 2 ngày cưới, anh em, họ hàng ai nấy mệt bơ phờ vì làm cỗ, bưng bê, tiếp khách, đưa đón dâu, rể, dọn dẹp.
"Thực sự gia đình cũng không muốn mở mang nhưng do họ hàng 2 bên nội, ngoại đông. Hơn nữa, ở địa phương, đa số khi cưới con, các gia đình làm từ 100 mâm cỗ trở lên, nhà ít cũng 70-80 mâm. Không mở mang sợ mọi người chê trách không lo cho con đến nơi, đến chốn nên gia đình tôi cố phải làm", anh H chia sẻ.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có từ 18-20 nghìn đám cưới được tổ chức. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và giãn cách xã hội, các đám cưới giảm quy mô, tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm song vẫn trang trọng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid 19 được kiểm soát, nhịp sống trở lại bình thường, các đám cưới tổ chức quy mô lớn có xu hướng tăng trở lại. Có những đám cưới làm từ 140-150 mâm cỗ, thậm chí nhiều hơn. Không ít gia đình bỏ ra vài chục triệu đồng để thuê âm thanh, sân khấu, loa đài, quay phim, chụp ảnh dã ngoại.
Tại TP Bắc Giang, từ tháng 8 âm lịch năm 2024 đến nay, nhiều đám cưới được tổ chức ở gia đình, khách sạn, nhà hàng với quy mô lớn. Qua nắm bắt thông tin được biết, có những đám mời từ 700-900 khách. Để tránh bị dư luận để ý hay người dân khu phố xì xào, bàn tán khi mời khách đông, một số gia đình đã chọn khách sạn, nhà hàng lớn để tổ chức.
Nâng ý thức trách nhiệm
Dịp này, ở các địa phương trên toàn tỉnh, nhiều người "phát hoảng" khi mỗi tuần nhận 8-10 thiếp mời cưới. Đối với cán bộ, công chức, lao động tự do, công nhân, nông dân có thu nhập thấp, mỗi lần nhận thiếp mời là nhận nỗi lo bởi tiền lương, thu nhập không đủ mừng cưới.
Để chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới.
Anh Nguyễn Văn Kiên-một công chức làm ở cơ quan nhà nước quê ở thị xã Việt Yên chia sẻ, tuần trước, anh "chạy sô" hơn 10 đám cưới, mỗi đám mừng 500 nghìn đồng, có đám thân quen mừng nhiều hơn. "Không đi thì người mời nghĩ mình tính toán thiệt hơn, gặp họ sẽ khó ăn, khó nói. Mấy tháng nay, tiền lương của tôi chỉ đủ tiền đi ăn cỗ, trong khi cuộc sống có rất nhiều thứ phải chi tiêu", anh Kiên nói.
Việc tổ chức đám cưới linh đình không chỉ gây lãng phí, tốn kém tiền bạc, thời gian của người tổ chức và người được mời mà còn kéo theo nhiều phiền toái khác. Dọc các quốc lộ, tỉnh lộ, khu phố vẫn còn hiện tượng nhiều khoang rạp được dựng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây cản trở giao thông. Cách đây 1 tuần, trên địa bàn TP Bắc Giang có hàng chục đám cưới được tổ chức.
Tại khu vực đường Á Lữ (gần gầm cầu Á Lữ), một đám cưới dựng rạp lấn lòng đường khiến ô tô không thể đi qua. Nhiều khách đến dự ngồi dưới khu vực gầm cầu-nơi có nhiều phương tiện qua lại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Trên đường Xương Giang, gần 10 gia đình bị ảnh hưởng việc kinh doanh do một gia đình nhờ dựng rạp đám cưới gần 3 ngày, âm thanh ồn ào của đám cưới kéo dài khiến người dân sống xung quanh cảm thấy mệt mỏi.
Ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP Bắc Giang cho biết, mỗi năm trên địa bàn TP có khoảng 1.500 đám cưới, trong đó 85% tổ chức tại nhà. Nhằm tạo điều kiện cho các gia đình không có vỉa hè hoặc vỉa hè hẹp, ngoài khuyến khích người dân mượn nhà văn hóa, thời gian qua, TP đã khảo sát, cải tạo gần 60 điểm (bãi đất trống) để các hộ có thể dựng rạp cưới. Tuy nhiên, ở một số nơi, cấp ủy, chính quyền cơ sở, ban lãnh đạo thôn, tổ dân phố chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát, còn nể nang nên vẫn còn trường hợp làm rạp lấn lòng đường ở các khu phố, ngõ, xóm.
Để chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo, quản lý cần gương mẫu thực hiện, có trách nhiệm vận động người thân trong gia đình làm theo. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13, ngày 5/12/2023 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh và các văn bản liên quan.
Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của mỗi gia đình, người dân về thực hiện đám cưới văn minh gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Nêu cao tinh thần gương mẫu, tự giác đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng thôn, bản, tổ dân phố. Tiếp tục rà soát, bổ sung, cụ thể hóa các tiêu chí gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, trong đó có thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới khi bình xét, công nhận các danh hiệu... ....
Bài, ảnh: Nhóm PV