Nhiều thanh niên hẳn cũng có hình dung bước đầu về cuộc sống trong quân ngũ và những suy nghĩ, lo lắng riêng. Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu khi môi trường quân ngũ mang tính đặc thù. Tuy nhiên, thực hiện NVQS và môi trường quân sự có “khó, khô, khổ” như nhiều người thường nghĩ? Trang “Ý kiến chiến sĩ” chia sẻ ý kiến của một số chiến sĩ về nội dung này nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn.
Binh nhất LÊ VĂN LƯU, chiến sĩ Trung đội Công binh, Đại đội Công binh, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 206, Quân khu 4:
Trưởng thành từ sự quan tâm, rèn giũa
Trước khi nhập ngũ, tôi rất hoang mang vì chưa hiểu rõ môi trường Quân đội, sợ vi phạm các quy định và bị kỷ luật, sợ nhiệm vụ nặng nhọc không đủ sức thực hiện... Tuy nhiên, chỉ thời gian đầu là khó khăn vì chúng tôi phải làm quen môi trường mới, các quy định, chế độ, nền nếp sinh hoạt. Sau một thời gian, nhờ sự giúp đỡ, hướng dẫn của chỉ huy các cấp, chúng tôi cũng dần quen...
8 tháng kể từ khi nhập ngũ, tôi đã có sự thay đổi rõ rệt. Thời gian đầu, tôi vẫn có thói quen như ở nhà, đôi lúc chưa tuân theo sự phân công, thậm chí có thái độ không đúng mực với chỉ huy và đồng đội. Cũng trong thời gian này, tôi và bạn gái chia tay, vì vậy tôi rất buồn và đôi lúc có những suy nghĩ tiêu cực. Tôi ngại chia sẻ với đồng đội vì sợ bị chê cười. Nhưng sau đó, chính trị viên đại đội phát hiện ra và thường xuyên quan tâm, chia sẻ với tôi. Tôi mạnh dạn kể chuyện của mình và được anh động viên, an ủi, xốc lại tinh thần. Tôi dần nhận ra vấn đề và lấy lại thăng bằng, tập trung rèn luyện tốt. Được chỉ huy trung đội, đại đội quan tâm rèn giũa, tôi đã thay đổi bản thân, chấp hành nghiêm nền nếp, quy định của đơn vị, luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vào ngày cuối tuần và các dịp lễ, tết, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao sôi nổi nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, giữ gìn kỷ luật, tạo “chất keo” gắn kết tình đồng đội, tiếp thêm cho chúng tôi năng lượng, động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chiến sĩ Trung đội 12,7mm, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 82 (Sư đoàn 355, Quân khu 2) chơi bịt mắt bắt dê trong giờ giải lao trên thao trường. Ảnh: TRẦN PHÚ HÀO
Trung sĩ LÒ VĂN CƯỜNG, Khẩu đội trưởng Khẩu đội 1, Trung đội 12,7mm, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 82, Sư đoàn 355, Quân khu 2:
Nhiều hoạt động ý nghĩa, hấp dẫn
Mặc dù viết đơn tình nguyện và ước mơ được khoác lên mình bộ quân phục của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam nhưng tôi vẫn thấy lo lắng khi nhận được lệnh gọi nhập ngũ vì phải xa gia đình, bạn bè, bước vào một môi trường hoàn toàn mới. Những ngày đầu về đơn vị, tôi khá bỡ ngỡ và nhớ nhà. Mọi thứ đều mới lạ, từ cách ăn ở, sinh hoạt cho đến việc làm quen với đồng đội cùng những lo lắng cho sức khỏe của mẹ ở nhà. Thấy tôi có phần chểnh mảng trong học tập và huấn luyện, trung đội trưởng cùng nhiều đồng đội đã chủ động trò chuyện, tâm sự với tôi. Cảm giác được quan tâm như người thân trong gia đình đã giúp tôi vượt qua khó khăn, hòa nhập nhanh với môi trường mới. Tôi nhận ra rằng, Quân đội là nơi giúp tôi học được rất nhiều điều về tính kỷ luật, tinh thần đồng đội, ý thức trách nhiệm vì nhiệm vụ chung. Đến thời điểm này, tôi thấy quyết định viết đơn tình nguyện nhập ngũ của mình là hoàn toàn đúng đắn và tôi cảm thấy tự hào về điều đó.
Lúc đầu, tôi cũng hình dung Quân đội là một môi trường nghiêm khắc, có tính kỷ luật cao và nhiều công việc nặng nhọc... Điều đó đúng nhưng chưa đủ! Ngoài nhiệm vụ học tập, huấn luyện, tăng gia sản xuất... vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, đơn vị chúng tôi còn có nhiều hoạt động sôi nổi như giao lưu văn hóa-văn nghệ, thi đấu bóng đá, bóng chuyền, xem phim, chơi cờ, đọc sách, báo, tổ chức tọa đàm, diễn đàn thanh niên, sinh nhật đồng đội... Dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, chúng tôi tham gia dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; thăm, tặng quà, giúp đỡ các hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn đóng quân. Đây là những hoạt động có ý nghĩa về mọi mặt.
Trung sĩ LÊ VĂN HÓA, Khẩu đội trưởng Khẩu đội 1, Trung đội 2, Đại đội Cối 100, Trung đoàn 3, Sư đoàn 330, Quân khu 9:
Không nên lo lắng vì thông tin tiêu cực trên internet
Trước khi nhập ngũ, tôi có tìm hiểu về cuộc sống trong quân ngũ trên mạng xã hội, internet. Bên cạnh thông tin tích cực thì cũng có nhiều thông tin tiêu cực khiến tôi phải lo lắng, suy nghĩ. Tuy nhiên, qua gần hai năm NVQS, tôi thấy những thông tin tiêu cực mà mình tìm hiểu là không chính xác. Ngoài các quy định chung thì môi trường nào cũng có thêm những quy định riêng buộc các thành viên phải tuân theo để duy trì kỷ luật, hoạt động hiệu quả. Quân đội là môi trường đặc thù nên đòi hỏi tính kỷ luật cao. Nếu mình tôn trọng tập thể, vì tập thể, vì nhiệm vụ chung thì việc chấp hành những quy định này cũng rất đơn giản. Còn huấn luyện vất vả là điều đương nhiên. Công việc gì cũng cần sức khỏe, đặc biệt là trong môi trường Quân đội. Chỉ có rèn luyện mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và theo tôi, điều đó hoàn toàn tốt cho bản thân. Vì thế, tôi thấy quyết định nhập ngũ của mình là đúng đắn, ý nghĩa. Qua thời gian rèn luyện, tôi trưởng thành hơn cả về suy nghĩ, tư duy lẫn thể chất, rèn được tính kiên trì, tinh thần kỷ luật và trách nhiệm với xã hội, với bản thân. Đây là những trải nghiệm quý báu và tôi tin sẽ là hành trang vững chắc cho tương lai của mình.
Binh nhất BÙI VINH QUÝ, chiến sĩ Khẩu đội 5, Trung đội 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 454, Quân khu 3:
Chỉ huy đơn vị sẽ hướng dẫn, giúp đỡ
Tôi là con một trong gia đình khá giả. Nhiều bạn hẳn cũng lo lắng như tôi là không đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ, khiến chỉ huy phải nhắc nhở. Tuy nhiên, khi về đơn vị, tôi thấy các anh chỉ huy rất nghiêm nhưng luôn quan tâm, động viên, giúp đỡ chiến sĩ mới quen với nền nếp, các hoạt động của đơn vị. Trước khi nhập ngũ, tôi thường thức đêm, sáng ngủ dậy muộn và lười thể thao. Do đó, khi mới về đơn vị, tôi thường ngủ gật khi tham gia các hoạt động vào buổi sáng, tinh thần uể oải. Những lần rèn thể lực như chạy bền, tôi không theo kịp đồng đội và rất ngại tham gia các hoạt động thể thao do đơn vị tổ chức. Biết được hạn chế đó, chỉ huy đơn vị và đồng đội thường xuyên chia sẻ, tạo điều kiện cho tôi có thời gian điều chỉnh thói quen sinh hoạt, hướng dẫn tôi cách nâng cao thể lực bằng việc luyện tập hằng ngày, tăng dần mức độ. Từ đó, tôi dần thay đổi và đến nay đã tự tin tham gia mọi hoạt động của đơn vị... Tôi mong các bạn đang trong độ tuổi thực hiện NVQS không quá lo lắng, chú ý tìm hiểu qua các nguồn thông tin chính thống để có nhận thức đúng về Quân đội nhân dân Việt Nam, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về thực hiện NVQS.
Binh nhất LÊ VÂN SƠN, chiến sĩ Tiểu đội 1, Trung đội Vô tuyến điện, Đại đội Thông tin, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5:
“Cậu ấm” phiên bản chững chạc
Gia đình tôi kinh doanh mặt hàng điện tử tại TP Nha Trang (Khánh Hòa). Từ bé tôi đã quen với cuộc sống an nhàn, không phải lao động nặng nhọc... Cầm trên tay lệnh gọi nhập ngũ, tâm trạng tôi rối bời. Vui vì mình đủ sức khỏe và đáp ứng các tiêu chuẩn để nhập ngũ, buồn vì phải xa gia đình, bạn bè để đến một nơi hoàn toàn mới. Những ngày chuẩn bị nhập ngũ, tôi thường mơ thấy hình ảnh chỉ huy nghiêm khắc, cuộc sống khó khăn... Về đơn vị không lâu, đồng đội đặt cho tôi biệt danh “cậu ấm” vì tôi có nước da trắng, thân hình nhỏ bé, thư sinh.
Ngày đầu tiên vào đơn vị, ngồi trên giường tầng với đầy đủ quân trang cá nhân, tôi thấy rất cô đơn và nhớ nhà. Mọi thứ cũng khó khăn khi giờ giấc sinh hoạt thay đổi; xưng hô, chào hỏi thì theo điều lệnh; không quen đồ ăn... Thế nhưng, từ sự hướng dẫn, giúp đỡ của chỉ huy và đồng đội, tôi dần quen với sự gọn gàng, ngăn nắp và chế độ, nền nếp sinh hoạt, học tập mới cùng những bữa cơm bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng. Tôi kết thúc chương trình huấn luyện chiến sĩ mới với kết quả bắn súng đạt khá, ném lựu đạn và đánh thuốc nổ đạt giỏi, các nội dung khác đều đạt khá trở lên. Từ một người không thạo việc tay chân, ít phụ giúp bố mẹ, nay tôi đã quen với việc gấp chăn, màn; giặt quần áo; trồng rau, nuôi gà cùng nhiều nội dung huấn luyện khác... Tôi đã “lột xác” ngoạn mục, trở thành một phiên bản mà mình không bao giờ ngờ đến - chững chạc hơn rất nhiều.
---------------------------
Thực hiện nghĩa vụ quân sự - nghĩa vụ thiêng liêng của công dân
Nhập ngũ trong thời kỳ đất nước có chiến tranh là chấp nhận hy sinh để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Vì nếu không cầm súng chiến đấu chống lại kẻ thù thì chính kẻ thù sẽ làm hại gia đình, người thân, giày xéo quê hương, đất nước. Ngoài lý do này thì việc hầu hết thanh niên đủ tuổi nhập ngũ tự nguyện tòng quân ra trận; các gia đình động viên con em hăng hái lên đường còn do họ nhận thấy đó là vinh dự, là trách nhiệm cao cả đối với Tổ quốc. Chia sẻ thêm về câu chuyện này, đồng chí Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội nhớ lại: “Thời điểm đó, tôi chỉ nặng 43kg, trong khi 45kg mới đủ tiêu chuẩn nhập ngũ. Trước khi khám tuyển, tôi phải uống nhiều nước, lén bỏ hai viên đá vào túi quần cho đủ cân nặng. Vì sao chúng tôi tự nguyện như vậy? Bởi chúng tôi được tuyên truyền, được giác ngộ sâu sắc về nghĩa vụ, trách nhiệm đối với vận mệnh đất nước”.
Thời bình, mặc dù không có chiến tranh nhưng thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS) vẫn luôn là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng của công dân, là sự hy sinh "cái tôi cá nhân", chấp nhận khó khăn, gian khổ trong một khoảng thời gian nhất định để góp phần bảo vệ hòa bình, độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chỉ khi Tổ quốc được bình yên thì mỗi cá nhân, gia đình mới có cuộc sống tự do, hạnh phúc và kinh tế-xã hội mới có điều kiện phát triển, đất nước mới phồn vinh. Nhập ngũ khi đất nước có chiến tranh và nhập ngũ trong thời bình tuy khác nhau về hoàn cảnh, tính chất nhưng đều cùng bản chất là để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập, quyền tự do của quốc gia, dân tộc. Và vì thế, thực hiện NVQS để bảo vệ Tổ quốc luôn là trách nghiệm, nghĩa vụ và cũng là quyền lợi cao quý của mỗi công dân.
Chiến sĩ Trung đoàn 3, Sư đoàn 330 (Quân khu 9) biểu diễn văn nghệ trong Chương trình "Giao lưu văn nghệ - công diễn các vũ điệu sinh hoạt tập thể, trao giải Hội thi biểu diễn tài năng năm 2024". Ảnh: CÔNG KHANH
Song, không phải ai cũng hiểu hết trách nhiệm, niềm vinh dự, tự hào khi cống hiến cho Tổ quốc. Khi mà giá trị vật chất được nhiều người đề cao, nhiều gia đình và thanh niên có tư tưởng muốn phát triển kinh tế, không muốn thực hiện NVQS. Đặc biệt, một số thanh niên còn tìm mọi mánh khóe để trốn tránh NVQS... Đánh giá về thực trạng này, đồng chí Lê Như Tiến và nhiều tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho rằng, nó xuất phát từ khoảng trống trong nhận thức pháp luật của người dân, nhất là đối tượng thanh niên; họ chưa thông, chưa hiểu, chưa nhận thức đầy đủ về vinh dự và trách nhiệm của bản thân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Do đó, phải đẩy mạnh truyền thông, làm tốt công tác giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho công dân đối với việc thực hiện NVQS. Trước hết, gia đình là cái gốc dạy dỗ con em mình về nghĩa vụ với đất nước; phải thấy vinh dự, tự hào khi có con em làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện NVQS còn là danh dự, điều thiêng liêng của mỗi thanh niên Việt Nam nên không thể thay thế bằng bất cứ thứ gì.
“Thực hiện NVQS dù bạn là ai”-đó là khẳng định của chiến sĩ Phạm Thái Sơn, Ban CHQS quận Lê Chân, Bộ CHQS TP Hải Phòng. Điều đặc biệt, Phạm Thái Sơn là Tổng giám đốc Tổng công ty Bình An chuyên về lĩnh vực công nghiệp đóng tàu với quy mô nghìn tỷ đồng. Đồng chí cũng vừa hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ ngành tài chính và đang chờ nhà trường sắp xếp lịch bảo vệ. Dù vậy, Phạm Thái Sơn không tìm cách đưa mình vào diện tạm hoãn thực hiện NVQS mà sắp xếp công việc lên đường nhập ngũ, thực hiện trách nhiệm của công dân với Tổ quốc như rất nhiều thanh niên cùng trang lứa cách đây gần 2 năm...
NGUYỄN ĐỨC TUẤN