Được học tập, rèn luyện trong môi trường có tính kỷ luật cao của quân đội là điều kiện tốt để thanh niên rèn luyện và phát huy phẩm chất nhân cách cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tuy nhiên, đã thành quy luật, cứ đến mỗi “mùa tuyển quân”, các thế lực thù địch lại ra sức tung ra những luận điệu xuyên tạc, kích động chống phá công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của công dân.
Việc tổ chức khám tuyển được hội đồng nghĩa vụ quân sự các huyện tổ chức nghiêm túc, khách quan.
Mới đây, các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị, bất mãn đã lan truyền nhiều bài viết không đúng sự thật, đưa ra những luận điệu, chiêu bài tâm lý lừa bịp đánh vào những người nhẹ dạ cả tin, gây hoang mang dư luận, nghi ngờ, mất niềm tin trong nhân dân, làm cản trở việc thực hiện công tác tuyển quân năm 2025 tại các địa phương. Với giọng điệu bồi bút xảo quyệt, chúng cho rằng, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Việt Nam “không có sự công bằng”.
Trong khi đó, cần khẳng định rằng, thực hiện nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang, đồng thời cũng là trách nhiệm của công dân đối với Tổ quốc, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú.
Việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của công dân đã được hiến định trong Hiến pháp, pháp luật Nhà nước. Điều 45, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân”; Điều 64, Hiến pháp năm 2013 cũng quy định: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân… Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh”.
Khám tuyển nghĩa vụ quân sự ở Thạch Hà.
Thể chế hóa Hiến pháp, Khoản 1, Khoản 2, Điều 4 và Khoản 1, Điều 59 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định: Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân; công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú, phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định. Tổ chức, cá nhân có hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đều quy định rõ, mọi công dân trong độ tuổi và có đủ các tiêu chuẩn theo quy định đều bình đẳng trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Vì vậy, không thể có chuyện việc thực hiện nghĩa vụ quân sự chỉ là “nghĩa vụ của con nhà nghèo” như các thế lực thù địch đã tuyên truyền trên Internet và các trang mạng xã hội.
Em Nguyễn Anh Tuấn ở thôn Tiến Hòa là một trong 2 thanh niên của xã Yên Hồ (Đức Thọ) viết đơn tình nguyện nhập ngũ năm 2025.
Kế thừa, phát huy truyền thống của ông cha, nhận thức sâu sắc nghĩa vụ vẻ vang đối với Tổ quốc, khi đến tuổi trưởng thành, rất nhiều thanh niên Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc đã xung phong nhập ngũ để được đóng góp một phần công sức nhỏ bé cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của công dân Việt Nam không chỉ đơn thuần là chấp hành pháp luật của Nhà nước, mà còn là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là ý thức tự giác, tự nguyện cống hiến sức lực, trí tuệ, sức trẻ của mình đối với dân tộc, với Tổ quốc.
Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, biết bao thế hệ ông cha đã tự nguyện hiến dâng đời mình, chiến đấu anh dũng hy sinh cho nền độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của Nhân dân; hàng triệu thanh niên Việt Nam đã xung phong lên đường chiến đấu, trở thành những chiến sĩ kiên trung, bất khuất. Đây là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là niềm tự hào của các thế hệ thanh niên Việt Nam.
Hiện nay, hằng năm, hàng vạn thanh niên Việt Nam trong độ tuổi từ 18 đến 27, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp… đã tạm gác lại việc học tập, công việc để lên đường nhập ngũ với niềm vinh dự, tự hào, đại diện cho thanh niên Việt Nam thực hiện trách nhiệm của công dân trong bảo vệ Tổ quốc; hàng nghìn thanh niên đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ dù họ đang sống trong những gia đình khá giả hoặc đang có một công việc tốt với thu nhập ổn định.
Đối với tỉnh Hà Tĩnh, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm. Xác định công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hằng năm, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong toàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục Luật NVQS, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay. Các đơn vị, địa phương luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tuyển quân bảo đảm đúng quy trình, dân chủ, công khai, công bằng. Trong đó, chú trọng phát huy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, động viên, hỗ trợ công dân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhất là vùng đồng bào có đạo...
Huyện Đức Thọ tổ chức gặp mặt quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương.
Vì thế, Hà Tĩnh hằng năm luôn đủ và vượt chỉ tiêu tuyển quân trên giao, tất cả thanh niên trúng tuyển NVQS của tỉnh Hà Tĩnh luôn sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của công dân đối với Tổ quốc, quê hương. Điều đặc biệt là, năm 2025 có rất nhiều thanh niên ở các địa phương của Hà Tĩnh tự nguyện viết đơn nhập ngũ, qua thâm nhập thực tế, cả gia đình và bản thân họ luôn có nhận thức đúng đắn rằng, “quân đội là trường học lớn của thanh niên”, vào quân ngũ sẽ là môi trường tốt để trau dồi kiến thức, kỹ năng, vốn sống, rèn luyện kỷ luật, bản lĩnh chính trị của thanh niên phát huy tốt truyền thống của dân tộc và quê hương, góp phần xây dựng quân đội, xây dựng quê hương đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Từ những minh chứng trên cho thấy, Đảng, Nhà nước, quân đội, các địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo hậu phương, gia đình và bảo đảm quyền lợi cho công dân nhập ngũ, mỗi công dân nên có sự nhìn nhận, thái độ đúng đắn và thực hiện việc tham gia nghĩa vụ quân sự đúng theo quy định của pháp luật. Vì vậy, những cái nhìn thiển cận về nghĩa vụ quân sự, những biểu hiện tiêu cực trong công tác tuyển quân cần lên án, loại bỏ.
Theo đó, việc các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị, bất mãn với chế độ cố tình quy chụp, xuyên tạc việc thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng là hoàn toàn sai trái, phản động. Mỗi chúng ta cần nêu cao cảnh giác với những âm mưu thâm độc, bịa đặt này và kiên quyết đấu tranh bác bỏ.
Thượng tá, TS Đặng Công Thành