Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức cơ quan KTNN được tổ chức hằng năm. Tại đây, công chức KTNN có thể trao đổi trực tiếp những vướng mắc cần tháo gỡ với Lãnh đạo KTNN. Ảnh: M. Thúy
Mới đây, báo cáo Tổng kết Chỉ thị Chỉ thị 30- CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị (Khóa VIII) về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở (Chỉ thị số 30-CT/TW), Đảng ủy KTNN nêu rõ: Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo KTNN thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị trong việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 30- CT/TW và Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) “về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”.
Đảng ủy và Lãnh đạo KTNN thường xuyên quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò, trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan đơn vị, tham gia xây dựng đảng; duy trì cho các tổ chức, đơn vị trực thuộc và cá nhân thực hiện quyền giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo quy định của Bộ Chính trị; yêu cầu các đảng bộ, chi bộ và đơn vị trực thuộc phổ biến quán triệt và thực hiện nghiêm việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; gắn việc thực QCDC ở cơ sở với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị chuyên môn; phát huy tốt vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội.
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở cũng được tập trung chỉ đạo và tăng cường. Công tác tổ chức tuyên truyền thực hiện QCDC cũng được triển khai đồng bộ, đã phổ biến đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các văn bản hướng dẫn Luật.
KTNN đã tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến để lấy ý kiến tham gia, đóng góp của các cá nhân và tập thể về công tác kiểm toán, về việc xây dựng các chương trình, đề án và các công việc quan trọng của Ngành. Các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đều được đăng tải, lấy ý kiến tham gia rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử KTNN. Do vậy đã phát huy được tinh thần dân chủ, sáng tạo của các tập thể, cá nhân của KTNN, góp phần nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật.
Các phong trào thi đua đã được tổ chức phát động toàn Ngành gắn với cuộc vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phấn đấu theo chuẩn mực “Trung thành, Tận tụy, Sáng tạo, Gương mẫu", thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của KTNN; thực thi công vụ không gây phiền hà cho các đơn vị được kiểm toán; tích cực chống tham nhũng, chống tham ô, lãng phí; thực hành tiết kiệm; có ý thức xây dựng cơ quan văn hóa, gia đình văn hóa; tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...
Bên cạnh đó, KTNN đã cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ một cách đồng bộ, nhất quán và có nhiều giải pháp cụ thể để kiện toàn bộ máy theo Chiến lược phát triển KTNN. Công tác bổ nhiệm cán bộ được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo công khai, minh bạch. Công tác nâng lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn, tính phụ cấp thâm niên nghề, thực hiện chế độ tiền thưởng và các chế độ về kinh phí cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được thực hiện theo đúng các quy định, công khai, minh bạch và dân chủ, đúng người, đúng việc trên cơ sở yêu cầu, hiệu quả của công việc và bảo đảm quyền lợi cho từng người. Công tác tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức được thực hiện theo đúng quy trình, minh bạch và công khai...
Đáng chú ý, công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm soát hoạt động kiểm toán gắn với việc thực hiện QCDC ở cơ sở có nhiều đổi mới, thực sự quyết liệt và đi vào chiều sâu, trong đó đề cao vai trò và trách nhiệm của Kiểm toán trưởng, Trưởng Đoàn, Tổ trưởng Tổ kiểm toán. Chế độ báo cáo định kỳ về tiến độ và kết quả kiểm toán theo từng cấp được duy trì và kịp thời, đầy đủ.
Một số đơn vị đã tổ chức họp bỏ phiếu kín để đánh giá Trưởng, Phó đoàn kiểm toán và Tổ trưởng Tổ kiểm toán; lấy ý kiến nhận xét của đơn vị được kiểm toán về chất lượng kiểm toán, tinh thần thái độ của kiểm toán viên nhà nước...
KTNN đã thực hiện cải cách hành chính và có kế hoạch kiểm tra việc thực hiện công tác cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực của các đơn vị trực thuộc KTNN một cách nghiêm túc và có hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành, tiếp tục nâng cao các tính năng trong hệ thống điện tử văn phòng và chất lượng công nghệ trực tuyến thông tin điện tử của Ngành. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến quyền lợi của cán bộ công chức, viên chức.
Tổng Kiểm toán nhà nước và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc luôn có thái độ khuyến khích những thông tin, báo cáo trung thực, khách quan của cấp dưới và tham khảo ý kiến cấp dưới trong việc xây dựng chế độ, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Cấp ủy Đảng và lãnh đạo đơn vị từng bước đổi mới phương pháp lãnh đạo, dành nhiều thời gian tiếp xúc với quần chúng, chăm lo bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ. Định hướng nội dung hoạt động, tạo điều kiện để các đoàn thể làm tròn chức năng là cầu nối giữa Đảng, lãnh đạo chính quyền với công chức, viên chức và người lao động.
Thủ trưởng cơ quan chỉ đạo và kiểm tra công chức, Kiểm toán viên nhà nước trong giải quyết công việc với đối tượng kiểm toán; kịp thời có những biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của pháp luật đối với những người không hoàn thành công vụ, thiếu trách nhiệm, sách nhiễu, gây phiền hà và tham nhũng trong thực thi công vụ.
Đặc biệt, KTNN thực hiện nghiêm nguyên tắc không tiếp nhận và giải quyết công việc tại nhà riêng; tiến độ thực hiện công vụ được nêu rõ trong kế hoạch và phải thực hiện nghiêm túc theo đúng thời hạn; bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật công tác và bí mật nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo của cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật.../.
M. THÚY