Nhiều trường tiếp tục tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 với thời lượng không quá 2 tiết/lớp/môn/tuần. Ảnh: Phương Thảo
Hoạt động được triển khai nhằm nâng cao chất lượng thi tuyển sinh nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định của Thông tư 29/2024 và quyền lợi cho giáo viên.
Bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ
Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Sơn Tây, Quảng Ngãi) dự kiến có 100% học sinh lớp 12 lựa chọn môn Lịch sử - Địa lý tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Thầy Phạm Văn Nam - Hiệu trưởng nhà trường cho biết:
“Trong số 152 học sinh của khối 12, có 102 em là người dân tộc thiểu số. Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp với nhiều thay đổi, từ cấu trúc đề thi, định dạng câu hỏi, phương pháp đánh giá… Vì vậy, nhà trường chủ động xây dựng phương án ôn tập cho học sinh trong khi chờ hướng dẫn chính thức của Sở GD&ĐT Quảng Ngãi”.
Theo đó, từ đầu tháng 3, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng tổ chức lớp ôn tập các môn thi tốt nghiệp THPT cho khối 12 với thời lượng 2 tiết/tuần/môn. Các tiết ôn tập sẽ tổ chức 2 buổi/tuần cho 4 môn học.
“Ưu tiên trước mắt là nâng chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 cho học sinh lớp 12. Nhà trường chọn giáo viên vững chuyên môn, có kinh nghiệm để xây dựng các chuyên đề, bộ câu hỏi ôn tập chất lượng, bám sát cấu trúc đề minh họa; chọn phương pháp ôn tập phù hợp với năng lực tiếp nhận của học sinh”, thầy Nam thông tin.
Những năm trước, với các lớp ôn tập trái buổi, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng thu học phí mỗi môn ở mức 60.000 đồng/học sinh/tháng. Thầy Nam cho biết, áp dụng Thông tư 29/2024 sẽ không còn khoản thu này để hỗ trợ chi phí tổ chức ôn tập cho giáo viên. Nhưng cũng không thể “vận động” giáo viên tự nguyện dạy tăng cường trong thời gian dài được. Vì vậy, nhà trường xây dựng phương án trích kinh phí chi hoạt động, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ để hỗ trợ một phần chi phí xăng xe, đi lại cho thầy cô giáo.
Tương tự, Trường THPT số 2 Đức Phổ (Quảng Ngãi) cũng chủ động khảo sát dự kiến môn thi tự chọn của học sinh để xây dựng kế hoạch ôn tập. Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Thạch Cảnh Bê:
“Tổ chức các lớp ôn tập không thu phí tại trường, sẽ có 100% học sinh đăng ký theo học. Vì vậy, với hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, nhà trường sẽ phân công giáo viên đang dạy chính khóa đảm nhiệm luôn các tiết ôn tập tăng cường. Thuận lợi của phương án này là giáo viên nắm được mức độ tiếp nhận của từng học sinh nên sẽ có phương thức tổ chức ôn tập, hệ thống hóa kiến thức và giao bài tập phù hợp”.
Theo tính toán của Ban Giám hiệu Trường THPT số 2 Đức Phổ, không thể chi trả thù lao cho giáo viên đứng lớp ôn tập cho khối 12 theo định mức thanh toán tiền vượt giờ được.
“Giáo viên nhận đứng lớp ôn tập chủ yếu xuất phát từ tinh thần tự nguyện, hỗ trợ để học sinh nắm chắc kiến thức, kỹ năng, tự tin hơn khi tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Từ nguồn kinh phí được cấp để chi hoạt động, nhà trường sẽ trích một phần để bồi dưỡng cho giáo viên đứng lớp theo nghĩa động viên tinh thần là chủ yếu”, thầy Bê cho biết.
Kinh phí chi hoạt động của các trường hằng năm được tính theo số lượng học sinh của từng trường. Với những trường không thuận lợi trong xã hội hóa giáo dục, các hoạt động trong trường học chủ yếu được tổ chức dựa trên kinh phí được cấp hàng năm. Vì vậy, mức bồi dưỡng cho giáo viên dạy ôn tập cho học sinh khối 12 của các trường sẽ không giống nhau.
Học sinh Hà Nội tham dự kỳ thi vào lớp 10 năm học 2024 - 2025. Ảnh: Vân Anh
Đảm bảo quyền lợi cho thầy và trò
Sở GD&ĐT Quảng Trị sớm có hướng dẫn các trường THCS, THPT, Trung tâm GDHN - GDTX tiếp tục rà soát, phân loại đối tượng học sinh để có cơ sở để tổ chức ôn tập phù hợp, trong đó tập trung đối với những học học sinh lớp 9 và lớp 12 có năng lực học tập còn thấp.
Ông Mai Huy Phương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị thông tin đồng thời nhấn mạnh: “Hiệu trưởng các trường học phải chủ động khắc phục mọi khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết và sáng tạo của đội ngũ, triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cho học sinh lớp 12; chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện về chất lượng và kết quả ôn thi đối với từng học sinh lớp 12 của đơn vị.
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chất lượng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là nội dung chính, cơ bản trong xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ sở giáo dục và người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các đơn vị trực thuộc”.
Trên cơ sở kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, các trường học tiếp tục tinh thần tình nguyện cống hiến của thầy cô giáo và xung phong hỗ trợ, biệt phái đến trường khó khăn có chất lượng tốt nghiệp chưa cao. Ban giám hiệu các trường học cùng phối hợp với công đoàn cơ sở phát động Đợt thi đua cao điểm nhằm phát huy mọi khả năng có thể, nhất là tinh thần trách nhiệm, cống hiến, đoàn kết, sáng tạo phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu chất lượng tốt nghiệp THPT năm 2025.
Về kinh phí tổ chức ôn tập, theo ông Mai Huy Phương, Sở đã hướng dẫn các đơn vị, trường học cân đối nguồn ngân sách để chi cho nhiệm vụ này đảm bảo hài hòa nhằm duy trì công tác ôn tập tuyển sinh vào lớp 10, tốt nghiệp lớp 12 thường xuyên, hiệu quả.
Trên cơ sở nguồn ngân sách Nhà nước được cấp và nguồn kinh phí hợp pháp khác, các cơ sở giáo dục cân đối để chi cho nhiệm vụ phụ đạo, ôn tập phù hợp, đúng quy định nhằm đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, nhất là chất lượng tốt nghiệp lớp 12 THPT.
Học sinh Trường THPT Bắc Kạn (Bắc Kạn) trong giờ ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Phương Thảo
Trường THPT Lưu Hoàng (Ứng Hòa, Hà Nội), ngay từ đầu năm học tổ chức cho học sinh đăng ký môn thi tốt nghiệp THPT và xây dựng kế hoạch ôn thi phù hợp với từng lớp, học sinh trên tinh thần tự nguyện của học sinh và cha mẹ học sinh.
Chia sẻ của thầy Nguyễn Bình Long - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hoàng, các thầy cô giáo tổ chức ôn tập cho học sinh ngay trong giờ học chính khóa, không gây quá tải, đảm bảo sức khỏe cho học sinh, có thời gian cho học sinh tự học.
Với tinh thần không học sinh nào bị bỏ lại phía sau, nhà trường tổ chức lớp ôn tập đặc biệt cho học sinh lớp 12 thuộc diện học lực yếu có nguy cơ trượt tốt nghiệp, còn gọi là lớp “quan trọng”. Trong lớp học này, công tác tổ chức, quản lý học sinh được đặc biệt quan tâm; đồng thời phân công giáo viên có chuyên môn tốt nhất, tâm huyết, trách nhiệm, có khả năng dạy học sinh yếu kém tiến bộ. Đặc biệt, các em không phải đóng học phí...
Tại Trường THPT Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội), công tác ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh khối 12 diễn ra bình thường. Theo lý giải của cô Hiệu trưởng Bùi Thùy Linh, nhà trường, giáo viên sẵn sàng vì học sinh để kết quả tốt nhất trong kỳ thi đặc biệt quan trọng sắp tới.
Theo đó, nhà trường tiếp tục ôn tập cho học sinh lớp 12 theo đúng quy định của Thông tư 29/2024, tức không thu tiền và mỗi môn thi học 2 tiết/tuần. Tuy vậy, nhà trường vẫn đề xuất lên Sở GD&ĐT có hướng dẫn cụ thể để có thêm kinh phí đảm bảo cho đời sống của giáo viên.
Bám sát các văn bản của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Bắc Kạn đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, phân loại học sinh, xây dựng các phương án dạy học để tổ chức ôn tập đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Bên cạnh đó, phân công giáo viên có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm cao để ôn tập phù hợp với từng nhóm học sinh; phát huy tinh thần sáng tạo của giáo viên, tính tích cực chủ động của học sinh trong học tập; rèn luyện cho học sinh khả năng tự học trên lớp và ở nhà theo định hướng và nhiệm vụ giáo viên đặt ra.
Cùng đó, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Kạn, Sở GD&ĐT Bắc Kạn cũng có hướng dẫn và chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện theo đúng tinh thần của Thông tư 29/2024. Các trường tiến hành rà soát số học sinh/học viên đăng ký ôn tập đối với từng môn học đảm bảo việc xếp lớp, thời khóa biểu theo đúng quy định, đồng thời lập dự toán kinh phí ôn tập cho đến khi thi tốt nghiệp gửi về sở GD&ĐT trước ngày 13/2.
Dự kiến, giữa tháng 2/2025, Trường THPT Bắc Kạn (Bắc Kạn) sẽ tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 với thời lượng không quá 2 tiết/lớp/môn/tuần. Thầy Hiệu trưởng Lục Văn Trân đã chỉ đạo toàn thể cán bộ, giáo viên bám sát Thông tư 29/2024 cũng như phân công nhân sự rà soát, xây dựng dự toán kinh phí ôn tập để trình sở GD&ĐT tỉnh nhằm đảm bảo các chế độ cho giáo viên khi tham gia dạy ôn tập cho học sinh cuối cấp.
Sở GD&ĐT Quảng Trị yêu cầu các trường THPT, Trung tâm GDHN - GDTX thực hiện quản lý, tổ chức ôn tập, đồng hành, hỗ trợ với các em học sinh lớp 12 đến khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Chủ động phối hợp với cha mẹ học sinh, tổ chức đoàn thể trong nhà trường; tham mưu, báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương; phối hợp với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân để huy động sự chung tay hỗ trợ, giúp đỡ trong công tác ôn tập.
Nhóm PV