Long An có đường biên giới quốc gia dài gần 135km, giáp tỉnh Svay Rieng và Prey Veng, Vương quốc Campuchia, qua địa bàn các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường. Vùng biên giới của tỉnh, người dân sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp. Trước đây, kết cấu hạ tầng còn yếu kém, trên các tuyến đường GT chủ yếu là cầu tạm, nhỏ, hẹp.
Nhờ sự huy động nguồn lực từ các chương trình cũng như sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, GT trên địa bàn biên giới khởi sắc. Cách đây gần 2 năm, cầu 3/2 bắc qua kênh Cái Bát (thường gọi là cầu Cái Bát) ấp Ba Gò, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng được đưa vào sử dụng trong niềm vui của người dân biên giới. Cầu có tổng kinh phí 1,4 tỉ đồng do các tổ chức, cá nhân tại TP.HCM hỗ trợ.
Bà Phạm Thị Út Chắn (ấp Ba Gò, xã Hưng Điền) chia sẻ: “Cầu Cái Bát cũ xuống cấp nghiêm trọng, địa phương chỉ cho xe có tổng trọng lượng dưới 1,5 tấn đi qua nên người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa khá bất tiện. Có cầu mới, người dân mừng lắm! Cây cầu này không chỉ kết nối GT trong xã mà còn đồng bộ hạ tầng giữa xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng với huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp”.
Hạ tầng giao thông được đầu tư
Năm 2024 và 2025, UBND tỉnh triển khai, thực hiện Đề án đầu tư xây dựng mới các cầu bêtông thay thế hệ thống cầu yếu trên các tuyến đường tỉnh và thực hiện thí điểm cơ chế hỗ trợ bêtông hóa đường GTNT trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, trên địa bàn 2 huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Sở GT Vận tải làm chủ đầu tư triển khai xây dựng 6 cầu thay thế cầu sắt trên tuyến Đường tỉnh 831. Dự án có tổng mức đầu tư gần 290 tỉ đồng thuộc ngân sách tỉnh và nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Ngoài 6 cây cầu đang triển khai đầu tư, trên toàn tỉnh hiện còn 19 cầu sắt có trọng tải thấp cần được thay thế nằm trên địa bàn các huyện: Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Mộc Hóa,... đã lập kế hoạch vốn trung hạn, dự kiến năm 2025 triển khai. Các cây cầu còn lại, Sở GT Vận tải đang phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các ngành tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030. Hiện tại, cầu Kênh 28 là 1 trong 6 cầu trong dự án được thi công, dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2025.
Không chỉ huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến đất, mở đường và tích cực hưởng ứng phong trào thi đua, ra quân làm đường GTNT. Ông Lưu Hồng Sơn (ấp 1, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ) là người tích cực thực hiện vận động người dân đóng góp kinh phí, công sức xây dựng đường GTNT. Từ năm 2023 đến nay, ông cùng người dân trong ấp nâng cấp, mở rộng 4 tuyến đường GTNT có tổng chiều dài 1,86km với tổng vốn đầu tư 1,5 tỉ đồng, trong đó người dân đóng góp 420 triệu đồng.
Người dân huyện Tân Trụ góp sức xây dựng giao thông nông thôn
Thông tin từ UBND huyện Tân Trụ, năm 2022, huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, trên nền tảng này, địa phương quyết liệt, tập trung xây dựng Nghị quyết đột phá về việc xây dựng huyện NTM nâng cao. Nghị quyết đề ra nhiệm vụ mở rộng, nâng cấp tất cả các tuyến đường GTNT từ 2-3m lên 5m trở lên bằng bêtông hóa hoặc nhựa hóa thực hiện trên tinh thần “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.
Theo đó, nhân dân đóng góp 20% cùng với các vật kiến trúc trên đường, Nhà nước hỗ trợ 80%. Qua 2 năm triển khai, thực hiện (2023-2024), người dân trên địa bàn huyện Tân Trụ tham gia đóng góp xây dựng 25 công trình, đạt hơn 90% tuyến đường GT trên toàn huyện mở rộng, bảo đảm cho 2 làn xe ôtô, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thông thương hàng hóa.
Để thực hiện các tiêu chí NTM, NTM nâng cao, trong đó có tiêu chí về GT theo chuẩn mới, các địa phương cần tiếp tục tận dụng tối đa các nguồn lực đầu tư của Nhà nước; chủ động lồng ghép các nguồn vốn đầu tư hạ tầng GTNT; đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, huy động từ các doanh nghiệp tham gia xây dựng, sửa chữa, mở rộng hệ thống đường GTNT. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng NTM trên địa bàn./.
Song Nhi