Thực hư chuyện môi giới bất động sản đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường

Thực hư chuyện môi giới bất động sản đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường
2 giờ trướcBài gốc
Tại buổi họp báo có chủ đề "Thực hư chuyện môi giới bất động sản đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường" tổ chức chiều 31/10, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho biết, cần làm rõ hàm ý về này để tránh việc hiểu sai lệch về nghề môi giới, gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển chung của thị trường.
Theo ông Đính, môi giới bất động sản đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối cung - cầu trên thị trường, giữa chủ đầu tư, nhà phát triển và khách hàng/nhà đầu tư trong giao dịch mua, bán, thuê cho thuê bất động sản.
Hàng năm, lực lượng này giúp thị trường bất động sản kết nối thành công hàng trăm ngàn sản phẩm với giá trị giao dịch ước đạt hàng triệu tỷ đồng. Không chỉ góp phần đẩy nhanh tốc độ giao dịch, lực lượng này còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, phản ánh thông tin giữa hai chiều cung- cầu, nhằm nâng cao chất lượng, sự đa dạng và tính phù hợp của các sản phẩm. Từ đó, thúc đẩy thị trường phát triển một cách bền vững.
Bên cạnh đó, môi giới bất động sản còn đóng vai trò kết nối các thị trường với nhau, từ thị trường vùng này với vùng khác, thị trường trong nước với quốc tế và ngược lại; kết nối thị trường bất động sản với thị trường xây dựng, thị trường vốn, thị trường tài chính… Qua đó, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Toàn cảnh cuộc họp báo với chủ đề "Thực hư chuyện môi giới bất động sản đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường" diễn ra chiều 31/10
Về việc cho rằng cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới có hành vi cấu kết, đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường, TS. Nguyễn Văn Đính nói: "Việc quyết định giá bán sản phẩm là quyền của chủ đầu tư, nhà phát triển dự án, môi giới không được phép tham gia bất cứ công đoạn nào liên quan đến việc định giá bất động sản. Chỉ khi bảng hàng được công bố, thì môi giới mới được biết giá bán để tư vấn cho khách hàng/nhà đầu tư".
Ông Đính phân tích thêm, thực tế mà hầu như sàn giao dịch nào cũng gặp phải là mức giá bán các sàn đề xuất đều bị chủ đầu tư “chê thấp”. Bởi lẽ, chủ đầu tư lúc nào cũng muốn tối đa hóa lợi nhuận và thường có tâm lý sợ các sàn đưa ra mức giá thấp để dễ “đẩy hàng”.
Trong khi đó, để có thể tiếp cận với khách hàng/nhà đầu tư, sàn giao dịch/môi giới cũng phải bỏ ra rất nhiều chi phí chạy PR, Marketing. Do đó, nếu giá bán quá cao, vượt quá khả năng tài chính của nhiều người, sức hấp dẫn của sản phẩm sẽ bị giảm sút, khả năng chốt khách sẽ khó khăn hơn.
"Vì vậy, hơn ai hết, sàn giao dịch/môi giới chính là người mong muốn giá bán bất động sản được xác định ở mức phù hợp nhất. Có như vậy, việc môi giới bán hàng mới thuận lợi, người làm nghề môi giới mới có cơ hội nhận hoa hồng", ông Đính nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Lê Đình Chung, Tổng giám đốc SGO Homes khẳng định, để thị trường vận hành, không thể thiếu vai trò của môi giới.
Còn về vấn đề giá bán, ông Chung cho rằng xu hướng tăng giá bất động sản là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc giá bất động sản tăng trưởng mạnh trong một thời gian rất ngắn là điều bất bình thường. Thị trường bất động sản bao gồm ba chủ thể chính là chủ đầu tư, môi giới và người mua, do đó câu chuyện đẩy giá không thể quy chụp hoàn toàn do môi giới.
Dưới góc độ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, ông Chung khẳng định, giá tăng cao nguyên nhân chủ yếu do các chủ đầu tư lớn độc quyền nguồn cung, dẫn dắt về giá. Thêm vào đó, chi phí đầu tư tăng cao, nhu cầu mua lớn trong khi nguồn cung khan hiếm, đã khiến các chủ đầu tư đặt kỳ vọng cao hơn về lợi nhuận. Bản thân môi giới không có khả năng can thiệp về mức giá của thị trường.
Theo bà Hồ Thị Thu Mai, Giám đốc Nhà Ở Ngay Việt Nam, đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường thứ cấp cho biết thêm, thị trường bất động sản chỉ ghi nhận tăng trưởng “nóng” tại Hà Nội.
Bà Mai phân tích thêm, giai đoạn 2020 - 2023, Hà Nội chỉ có khoảng 10 nghìn sản phẩm mới được chào bán, tương ứng mỗi năm thị trường chỉ ghi nhận một vài dự án căn hộ mở bán. Trong khi nhu cầu mua nhà là rất lớn, bởi bên cạnh con số khoảng hơn 4 triệu người ở khu vực đô thị Hà Nội, mỗi năm có thêm khoảng 150 - 200 nghìn người nhập cư.
Do nhu cầu về nhà ở không được thị trường sơ cấp đáp ứng, nhu cầu mua nhà trên thị trường thứ cấp trong giai đoạn này cũng rất lớn, đã khiến giá nhà ở thứ cấp tăng mạnh. Chủ đầu tư dự án sơ cấp căn cứ vào mức giá thứ cấp và nhu cầu mua nhà để ở của người dân để xác định giá bán. Đây là nguyên nhân khiến mức giá bán sơ cấp tăng nóng.
Nhận định về nghề môi giới bất động sản, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 12, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, đây là một nghề vô cùng quan trọng, do đó, việc siết chặt các điều kiện kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản là cần thiết và phù hợp.
Để đảm bảo hoạt động quản lý môi giới đạt hiệu quả, ông Phúc cho rằng môi giới cần tham gia tổ chức xã hội nghề nghiệp. Tổ chức xã hội nghề nghiệp cho các nhà môi giới cần được hoạt động độc lập, có tư cách pháp nhân, là cơ quan đại diện cho tiếng nói chung của các cá nhân, tập thể hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh môi giới, là cầu nối giữa những đối tượng này với cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời, tổ chức này sẽ ban hành các quyết định kỷ luật khi các cá nhân môi giới thực hiện các hành vi sai phạm.
Về việc có hay không môi giới bất động sản đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường, theo ông Phúc, ngoài các nhà môi giới hoạt động chuyên nghiệp, có kiến thức, kỹ năng hành nghề, chấp hành tốt các quy định pháp luật, thì cá biệt vẫn còn có một số cá nhân môi giới bị lợi ích chi phối, bất chấp quy định pháp luật, cấu kết với các nhà đầu tư kinh doanh nâng giá hoặc dìm giá thị trường. Hiện tượng này không thể tránh khỏi trong nền kinh tế thị trường.
Việt Dương
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/thuc-hu-chuyen-moi-gioi-bat-dong-san-day-gia-gay-nhieu-loan-thi-truong-post357084.html