Vàng đang trở thành tài sản có tỷ suất sinh lời hấp dẫn nhất trong năm nay, giá liên tục lập đỉnh, tăng hơn 25% kể từ đầu năm và gần 41% trong vòng 12 tháng, và đã chạm mốc 3.500 USD/ounce vào đầu tuần này.
Một số nhà phân tích cho rằng, bên cạnh những lo ngại phổ biến về cuộc chiến thương mại toàn cầu và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, chính động thái tăng cường gom vàng của Trung Quốc cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy đà tăng phi mã của giá vàng.
Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC), Trung Quốc có thể là một mắt xích đáng chú ý, nhưng hoàn toàn không phải là "nghi phạm số một" trong câu chuyện tăng giá này.
Và trong thực tế, có nhiều quốc gia khác đang mua vàng mạnh hơn Trung Quốc cả về tốc độ lẫn quy mô.
Giá vàng đã tăng mạnh trong năm nay 2025
Dữ liệu mới nhất từ WGC cho thấy, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã duy trì trạng thái mua ròng vàng liên tiếp trong năm tháng qua.
Riêng trong quý I/2025, Trung Quốc đã bổ sung 12,8 tấn vàng vào dự trữ quốc gia, nâng tổng lượng nắm giữ lên 2.292 tấn.
Động thái này không mới, và nếu nhìn lại, PBoC đã đã quay lại thị trường vàng kể từ cuối năm 2022 với tần suất mua khá đều đặn, khi các yếu tố địa chính trị và rủi ro tài chính ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là tính đến hết quý I/2025 tỷ trọng vàng trong tổng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc vẫn chỉ vào khoảng 6,5% – thấp hơn nhiều so với Mỹ (78,6%), Đức (75%) hay thậm chí Ba Lan (20%).
Nguồn: Hội đồng Vàng thế giới
Những con số này phần nào cho thấy Trung Quốc đang tiếp cận vàng như một công cụ đa dạng hóa tài sản chiến lược hơn là vũ khí ngắn hạn để thao túng thị trường hay hướng tới xu hướng ‘phi đô la hóa’.
Các chuyên gia tài chính quốc tế nhận định, động thái của Trung Quốc là một phần trong chiến lược dài hơi.
Trước hết là nỗ lực giảm dần sự phụ thuộc vào đồng USD, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang. Tiếp theo là gia tăng lớp “lá chắn tài chính” trước các kịch bản bị trừng phạt quốc tế, tương tự như những gì Nga từng hứng chịu sau xung đột Ukraine.
Cuối cùng là tăng tính an toàn trong dự trữ quốc gia, nhất là khi đồng nhân dân tệ chịu áp lực mất giá.
Mặc dù là vậy, nhưng con số cụ thể lại cho thấy Trung Quốc chỉ đang "đi bộ nhanh" trong cuộc đua vàng toàn cầu.
Ngược lại, quốc gia đang “chạy nước rút” chính là Ba Lan. Theo Hội đồng vàng thế giới, trong năm 2024, Ngân hàng Trung ương Ba Lan đã mua vào 90 tấn vàng – nhiều nhất trong số tất cả các ngân hàng trung ương toàn cầu.
Đến tháng 2/2025, quốc gia này tiếp tục mua thêm 29 tấn nữa, nâng tổng dự trữ lên 480 tấn.
Đáng chú ý, vàng hiện chiếm gần 20% tổng dự trữ ngoại hối của Ba Lan – cao hơn cả Trung Quốc lẫn phần lớn các nền kinh tế đang phát triển khác.
Với Ba Lan, đây không chỉ là câu chuyện về tài chính. Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây vẫn âm ỉ, việc tích lũy vàng được xem như một biện pháp quan trọng cho an ninh tài chính quốc gia nhất là trong bối cảnh bất ổn tại Đông Âu và căng thẳng NATO – Nga chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Mua và bán ròng của ngân hàng trung ương ở một số quốc gia nổi bật trong năm 2024. Nguồn: Hội đồng Vàng thế giới.
Không chỉ Ba Lan, năm 2024 cũng ghi nhận một làn sóng mua vàng rầm rộ từ các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới.
Theo WGC, lượng vàng mua vào từ các cơ quan tiền tệ quốc gia trong năm qua đạt tới 1.045 tấn – năm thứ ba liên tiếp vượt ngưỡng 1.000 tấn. Đây là mức cao nhất kể từ khi các nước rời bỏ bản vị vàng vào thập niên 1970.
Lượng mua ròng hàng năm của các ngân hàng trung ương. Đvt: tấn. Nguồn: Hội đồng Vàng thế giới.
Từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, đến Uzbekistan, Kazakhstan hay Cộng hòa Séc, các quốc gia đang có xu hướng gia tăng nhanh dự trữ vàng với các lý do tương đồng: chống lại rủi ro tỷ giá, giảm áp lực từ USD, và xây dựng lá chắn tài sản trong thời đại bất định.
Đặc biệt, các nước như Thổ Nhĩ Kỳ đã tích cực mua vàng ngay cả khi lạm phát trong nước ở mức cao, cho thấy mức độ ưu tiên của loại tài sản này trong chiến lược dự trữ quốc gia.
Nguồn: Dữ liệu từ Hội đồng Vàng thế giới.
Nếu nhìn vào bảng dữ liệu so sánh, Mỹ vẫn đang dẫn đầu tuyệt đối với 8.133 tấn vàng trong kho – chiếm gần 80% tổng dự trữ ngoại hối. Đức đứng thứ hai với 3.352 tấn. Trung Quốc dù có số lượng đứng thứ sáu nhưng tỷ trọng trong cơ cấu dự trữ còn khiêm tốn.
Ngược lại, Ba Lan – với chiến lược gia tăng mạnh tay trong thời gian ngắn – đã vươn lên như một “ẩn số chiến lược” của châu Âu. Cùng với đó là các nước đang phát triển như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Uzbekistan, đang dịch chuyển cấu trúc dự trữ theo hướng bảo thủ hơn – tập trung vào tài sản hữu hình và lâu bền như vàng, thay vì tài sản giấy.
Dữ liệu không nói dối. Trung Quốc đang mua vàng – đó là thực tế. Nhưng gọi Trung Quốc là "thủ phạm" chính gây ra cơn sốt giá vàng hiện tại là một cách diễn giải có phần vội vàng.
Những gì thị trường đang chứng kiến là sự dịch chuyển đồng bộ, có hệ thống, của cả một trật tự tài chính toàn cầu.
Khi những đồng tiền pháp định trở nên mong manh hơn dưới áp lực chính trị và nợ công, các quốc gia – dù lớn hay nhỏ – đều đang quay về với tài sản phi quốc gia: vàng. Và trong cuộc chơi này, Trung Quốc chỉ là một trong rất nhiều ‘tay chơi’.
Nhật Hạ