Thực hư việc tiểu hành tinh có thể gây thảm họa cho Trái đất vào năm 2032?

Thực hư việc tiểu hành tinh có thể gây thảm họa cho Trái đất vào năm 2032?
5 giờ trướcBài gốc
Theo các số liệu mới nhất, nguy cơ va chạm của tiểu hành tinh 2024 YR đã tăng từ 1% lên 2,3% chỉ trong vài ngày qua. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhấn mạnh rằng cần theo dõi thêm để đưa ra kết luận chính xác hơn.
NASA theo dõi tiểu hành tinh 2024 YR do nguy cơ va chạm Trái đất năm 2032 tăng lên 2,3%, nhưng rủi ro vẫn thấp - Ảnh: Internet
Vì sao 2024 YR được quan tâm?
Hãng tin Newsweek cho biết Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đang theo dõi sát sao tiểu hành tinh này, ước tính có đường kính từ 40 - 100m. Nếu va chạm với Trái đất, nó có thể có sức công phá ngang với một quả bom hạt nhân, gây ra thiệt hại nghiêm trọng nếu rơi vào khu vực đông dân cư.
Ban đầu, khi phát hiện vào ngày 27.12.2024, các nhà khoa học đánh giá khả năng va chạm của nó là 1%. Nhưng chỉ trong một tuần, con số này đã tăng lên 2,3%, khiến nhiều người lo ngại. Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, ngày va chạm có thể rơi vào 22.12.2032, theo truyền thông Mỹ.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn quá sớm để xác định chính xác vị trí mà 2024 YR có thể rơi xuống. Theo BBC, tiểu hành tinh này nhiều khả năng sẽ đâm vào một vùng xa xôi trên đại dương, thay vì khu vực có dân cư.
Tiểu hành tinh này được xếp hạng cấp độ 3 trên thang Torino, một hệ thống đánh giá rủi ro va chạm từ 0 đến 10. Theo Trung tâm Nghiên cứu Vật thể gần Trái đất của NASA, cấp độ 3 thể hiện một cuộc chạm trán gần mà các nhà thiên văn học cần theo dõi.
"Hiện tại, khả năng va chạm gây hủy diệt cục bộ là 1% hoặc cao hơn. Rất có thể, các quan sát mới sẽ giúp phân loại lại tiểu hành tinh này xuống cấp độ 0. Tuy nhiên, khi sự kiện chỉ còn dưới một thập kỷ, sự quan tâm của công chúng và các nhà chức trách là điều cần thiết", trang web của trung tâm này viết.
Để so sánh, mức 5 - 7 trên thang Torino thể hiện nguy cơ đáng lo ngại, đòi hỏi sự chuẩn bị ứng phó. Trong khi đó, mức 8 - 10 là cảnh báo nguy hiểm thực sự, có thể gây thảm họa toàn cầu. Do đó, 2024 YR hiện chưa phải là mối đe dọa trực tiếp, nhưng vẫn cần được giám sát chặt chẽ.
Giới khoa học nói gì?
Dù xác suất va chạm tăng lên, nhiều chuyên gia cho rằng rủi ro thực tế vẫn rất thấp. Robert Massey, Phó giám đốc điều hành Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia, phát biểu với Newsweek: "Tôi thực sự không lo lắng chút nào. Đây là vấn đề dành cho các nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách quan tâm. Khi có thêm dữ liệu, khả năng này rất có thể sẽ giảm xuống 0. Công chúng không cần phải quá lo lắng".
Tương tự, Molly Wasser, nhà nghiên cứu tại NASA, cũng đưa ra nhận định lạc quan: "Trước đây, đã có nhiều tiểu hành tinh bị liệt vào danh sách rủi ro nhưng sau đó bị loại bỏ khi có thêm dữ liệu quan sát. 2024 YR có thể sẽ được phân loại lại thành cấp độ 0 khi chúng ta hiểu rõ hơn về quỹ đạo của nó".
Trong những tháng tới, các nhà thiên văn sẽ tiếp tục theo dõi 2024 YR để cập nhật chính xác hơn về đường đi của nó. Hiện nay, dù tỷ lệ va chạm tăng nhẹ, các nhà khoa học dự đoán khả năng này sẽ giảm xuống, thậm chí có thể về mức 0% trước năm 2032.
NASA và các cơ quan vũ trụ quốc tế sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật dữ liệu. Công nghệ quan sát không gian ngày càng tiên tiến sẽ giúp xác định chính xác hơn liệu Trái đất có thực sự nằm trong đường đi của tiểu hành tinh này hay không.
Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nguy cơ thực sự, các biện pháp can thiệp - như làm lệch hướng tiểu hành tinh - có thể được cân nhắc. Trên thực tế, NASA đã thử nghiệm thành công sứ mệnh DART vào năm 2022, trong đó một tàu vũ trụ đã đâm vào một tiểu hành tinh để thay đổi quỹ đạo của nó. Điều này chứng minh rằng con người đang dần có khả năng phòng thủ trước các mối đe dọa từ vũ trụ.
Hoàng Vũ
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/thuc-hu-viec-tieu-hanh-tinh-co-the-gay-tham-hoa-cho-trai-dat-vao-nam-2032-229044.html