Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT
Vậy nên, trẻ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp với vận động để tăng cường trí nhớ.
Não dễ tổn thương ở giai đoạn đầu đời
Một nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Nam California (Mỹ) thực hiện trên chuột phát hiện, não ở giai đoạn đầu đời đặc biệt dễ bị tổn thương do thức ăn vặt nhiều chất béo, đường.
Các tác giả của nghiên cứu đã điều tra tác động của những loại thực phẩm như vậy đối với mức độ chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine (ACh). Chất này rất quan trọng đối với trí nhớ, bao gồm khả năng học tập, sự tỉnh táo và chú ý. Mức ACh thấp có liên quan đến sự phát triển của bệnh Alzheimer ở người.
Trong nghiên cứu này, những con chuột thiếu niên và vị thành niên được cung cấp nhiều loại thực phẩm. Trong đó, bao gồm thức ăn nhiều chất béo, nhiều đường, khoai tây chiên, bơ đậu phộng và siro ngô có hàm lượng fructose cao. Chuột có thể ăn bất kỳ loại nào tùy thích. Chúng cũng được uống nước tùy ý. Trong khi đó, nhóm chuột đối chứng chỉ được cung cấp thức ăn và nước tiêu chuẩn.
Khi đến tuổi trưởng thành, những con chuột được tiến hành các bài kiểm tra trí nhớ. Khi được đưa đến những địa điểm mới, mỗi con chuột sẽ gặp phải những vật thể mới. Sau một vài ngày, những con chuột được đưa trở lại các khu vực này, với một vật thể mới được thêm vào.
Trong khi nhóm đối chứng tỏ ra tò mò về vật thể mới, thì nhóm thử nghiệm dường như không nhận thấy bất kỳ thay đổi nào. Ngay cả sau khi chuyển sang chế độ ăn uống lành mạnh khi trưởng thành, tình trạng thiếu hụt trí nhớ của nhóm thử nghiệm vẫn tiếp diễn. Điều đó cho thấy, não có khả năng bị tổn thương lâu dài.
Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy tín hiệu ACh bị suy yếu ở hồi hải mã của nhóm thử nghiệm. Đây là một vùng có liên quan chặt chẽ đến trí nhớ và khả năng học tập ở cả chuột và người.
Các tác giả của nghiên cứu quan sát thấy, tín hiệu ACh bị gián đoạn ở hồi hải mã. Nhà nghiên cứu Scott Kanoski - Giáo sư khoa học sinh học, Đại học Nam California, giải thích: “Hồi hải mã là vùng não đặc biệt dễ bị tổn thương bởi nhiều tác động của môi trường và sinh học. Điều này đặc biệt đúng trong giai đoạn vị thành niên và thanh thiếu niên khi vùng não này vẫn đang phát triển”.
Mô hình chế độ ăn uống tạo ra sự gián đoạn acetylcholine ở hồi hải mã chuột, tương tự sự gián đoạn được quan sát thấy ở bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu thêm để hiểu cách các yếu tố chuyển hóa và chế độ ăn uống thời thơ ấu ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và các chứng mất trí nhớ liên quan khác trong thời gian dài.
“Ở người, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những yếu tố chuyển hóa và chế độ ăn uống ở tuổi trung niên (ví dụ: Chế độ ăn nhiều chất béo, béo phì) có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ sau này. Tuy nhiên, mối liên hệ tiềm ẩn với sự phát triển trong giai đoạn đầu đời vẫn chưa được hiểu rõ”, ông Kanoski cho biết.
Có thể các vấn đề về trí nhớ không phải là vĩnh viễn, nên cần phải nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, ông Kanoski lưu ý, ngay cả sau khi chuyển sang chế độ ăn lành mạnh, trí nhớ của chuột vẫn không được cải thiện.
Trẻ nên hạn chế ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ. Ảnh minh họa: INT
Vai trò của dinh dưỡng
Theo một bài đánh giá năm 2017, có một số chất dinh dưỡng rất cần thiết trong giai đoạn phát triển của trẻ. Các tác giả chỉ ra rằng, dinh dưỡng trong ba năm đầu đời của trẻ rất quan trọng đối với sự phát triển não bộ.
Lợi ích khác bao gồm sự hỗ trợ và gắn bó về mặt xã hội, cũng như giảm căng thẳng và viêm nhiễm. Việc không tối ưu hóa sự phát triển não bộ trong giai đoạn này có thể dẫn đến hậu quả lâu dài đối với việc học tập, tiềm năng nghề nghiệp và sức khỏe tâm thần khi trẻ trưởng thành.
Chế độ ăn uống của trẻ em cũng ảnh hưởng đến não bộ ở khía cạnh hành vi và khả năng tập trung. Một bài đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp năm 2019 cho thấy, chế độ ăn nhiều đường tinh luyện và chất béo bão hòa có thể làm tăng nguy cơ tăng động và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ.
Ngoài ra, các chuyên gia đã chỉ ra một số thực phẩm tốt cho não, chứa những chất dinh dưỡng quan trọng. Việc bổ sung những thực phẩm này vào chế độ ăn của trẻ có thể hỗ trợ sự phát triển và chức năng não khỏe mạnh, cũng như tăng cường trí nhớ.
Trứng: Nghiên cứu cho thấy, choline rất quan trọng đối với sự phát triển và chức năng não của trẻ sơ sinh. Đồng thời, chất này có khả năng cải thiện khả năng ghi nhớ của não bộ. Một nghiên cứu năm 2017 chỉ ra rằng, người dân Mỹ có thể bổ sung choline bằng cách ăn trứng. Trẻ em có thể ăn trứng luộc vào bữa sáng hoặc trứng ốp la, trứng tráng vào bữa trưa hoặc tối.
Cá béo: Đây là nguồn axit béo omega-3 tuyệt vời, cần thiết cho chức năng và sự phát triển của não. Omega-3 có thể cải thiện trí nhớ, khả năng tập trung và tăng cường tư duy logic.
Theo Viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Mỹ, trẻ em cần axit béo omega-3 để não hoạt động và phát triển. Ngoài ra, axit béo omega-3 có thể giúp kiểm soát các tình trạng về tâm lý và hành vi. Một số loại cá béo phổ biến như cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá thu...
Rau lá xanh: Loại rau này là nguồn cung cấp folate tuyệt vời. 100 gram rau cải bó xôi sống chứa gần một nửa lượng folate hằng ngày mà trẻ em từ 4 đến 8 tuổi cần. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyên phụ nữ nên hấp thu 400 microgam axit folic trước và trong khi mang thai để tránh dị tật ống thần kinh.
Folate trong chế độ ăn uống cũng rất cần thiết cho sự phát triển và chức năng của não. Vì vậy, cha mẹ nên đảm bảo con mình có đủ folate trong chế độ ăn uống.
Các chuyên gia cho biết, có một số thực phẩm mà trẻ nên hạn chế hoặc tránh ăn để bảo vệ sức khỏe não bộ và tăng cường trí nhớ. Các thực phẩm này bao gồm: Thức ăn nhanh và chứa nhiều dầu mỡ; Thức ăn chứa nhiều đường; Thức ăn chứa nhiều muối; Thức ăn chứa chất bảo quản và hóa chất; Thức ăn chứa chất tạo màu nhân tạo và chất làm ngọt nhân tạo; Thức ăn chứa chất béo bão hòa…
Theo Medical News Today
Sinh Phúc