Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ thông tin tại họp báo
Theo ông Huy, mặt hàng thực phẩm vi phạm cũng đa dạng như: thực phẩm tươi sống, thực phẩm bao gói sẵn.... Các vi phạm này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh.
Các hành vi vi phạm chủ yếu được phát hiện tập trung vào một số vấn đề như: kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng nguyên liệu đã hết hạn, không đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng theo quy định để chế biến thực phẩm; các vi phạm liên quan đến nhãn hàng hóa, điều kiện vệ sinh trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Nhằm kiểm soát tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, Sở Công Thương thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó tập trung vào công tác kiểm tra, giám sát và phối hợp liên ngành.
Sở đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra đột xuất tại các khu vực nổi cộm như chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và các kho chứa hàng hóa để kịp thời phát hiện và ngăn chặn thực phẩm không đảm bảo an toàn lưu thông trên thị trường.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ký cam kết đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn Thành phố “cam kết không vận chuyển, tàng trữ, sản xuất, kinh doanh thuốc chữa bệnh, sữa và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ”.
Ngoài ra, với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389/TP, Sở Công Thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường thành phố tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh phối hợp liên ngành với các lực lượng chức năng khác như: Công an, Y tế, An toàn thực phẩm... để tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác đấu tranh, đẩy lùi tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tiếp tục duy trì và công khai số điện thoại đường dây nóng của Chi cục Quản lý thị trường và các Đội Quản lý thị trường để kịp thời tiếp nhận phản ánh, khiếu nại của người dân. Khuyến cáo người dân mạnh dân tố giác qua đường dây nóng, người dân phát hiện cũng là một nguồn thông tin quan trọng của lực lượng quản lý thị trường.
Ngoài vấn đề thực phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, ông Huy cũng cho biết thêm, Chi cục Quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra, xử lý 393 vụ vi phạm liên quan đến hoạt động thương mại điện tử trong giai đoạn 2024 và 5 tháng/2025, với các hành vi vi phạm chủ yếu như: kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định và đã tạm giữ 128.999 đơn vị sản phẩm vàng trang sức, quần áo, thực phẩm, mỹ phẩm,… có tổng trị giá hơn 8,8 tỷ đồng và đã xử phạt với số tiền hơn 8 tỷ đồng.
Hiện nay, công tác quản lý chất lượng hàng hóa trên môi trường mạng còn gặp nhiều thách thức do tính ẩn danh, tính xuyên biên giới và sự phát triển nhanh của công nghệ.
Để ngăn chặn và giải quyết triệt để tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên môi trường thương mại điện tử, Sở Công Thường thành phố đã tham mưu hoàn thiện chính sách quản lý để bổ sung, sửa đổi các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động thương mại điện theo hướng phù hợp với thực tiễn, trong đó có việc quản lý tài khoản ảo, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng mức chế tài xử phạt để đủ sức răn đe…
“Sở Công Thương sẽ hoàn thiện và vận hành hiệu quả công cụ thu thập dữ liệu thương mại điện tử tiếp tục đầu tư, phát triển và sớm đưa vào vận hành một cách hiệu quả công cụ thu thập, phân tích hệ thống dữ liệu giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn nhằm mục tiêu cung cấp thông tin đầu vào quan trọng cho công tác quản lý nhà nước, giúp các hoạt động thanh tra, kiểm tra được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, hướng tới việc phát hiện sớm và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm”, ông Huy nhấn mạnh.
Ngọc Hậu