Thực phẩm ken đặc tủ lạnh sau Tết - bẫy ngộ độc ngay trong nhà

Thực phẩm ken đặc tủ lạnh sau Tết - bẫy ngộ độc ngay trong nhà
4 giờ trướcBài gốc
Chị Nguyễn Linh Chi (Long Biên, Hà Nội) cho biết, từ sau Tết, gia đình chị vẫn phải ăn thực phẩm dư thừa do mua sắm quá nhiều trước đó.
Để chuẩn bị cho 3 ngày Tết, người phụ nữ này đặt mua 5kg thịt bò, 7 con gà làm sẵn, 2 con gà ủ muối, 3kg tôm và nhiều loại thịt lợn, chả tôm, chả cua, giò lụa các loại.
Trong những ngày Tết, gia đình đều ăn ở hai bên nội ngoại. Thực phẩm nấu lên để cúng không dùng đến, chị bỏ hộp hoặc hút chân không bảo quản và đến nay chưa ăn hết đồ thừa từ ngày Tết. Chị Chi nhẩm tính hết tháng Giêng chưa phải đi chợ.
Gia đình chị Nguyễn Ngọc Vân (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng đau đầu làm thế nào để giải quyết được cả tủ thực phẩm dư thừa sau Tết. Gia đình chị liên tục tổ chức ăn uống nhưng chiếc tủ bảo ôn gần 500 lít vẫn chỉ vơi đi phần nào.
Bệnh nhân vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai trong dịp Tết. Ảnh: BVCC.
Ngày nào cũng ăn đủ các món nhưng bản thân chị Vân không thấy ngon miệng, bụng vẫn ấm ách. Thức ăn nấu lên đều phải cố gắng dùng hết vì đổ đi tiếc. Vì vậy, sau Tết người phụ nữ này đã tăng hơn 3kg.
Trong dịp Tết vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận hàng trăm trường hợp vào khám cấp cứu liên quan tới tiêu hóa, trong đó phổ biến là ngộ độc thức ăn, ngộ độc rượu. Nhiều người sau khi ăn bát canh măng thừa từ hôm trước đã bị đau bụng quằn quại.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, có 2 nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ, không nhãn mác, quy trình sản xuất không đảm bảo, chứa phụ gia độc hại. Nguyên nhân thứ 2 do bảo quản thực phẩm không đúng cách dẫn đến ôi thiu, nhiễm khuẩn; tích trữ quá nhiều khiến thực phẩm hư hỏng, khi chế biến có thể gây ngộ độc.
Nhiều gia đình bảo quản ken đặc thực phẩm trong tủ lạnh dẫn tới khí lạnh không thông suốt và đây cũng là ổ phát sinh các vi khuẩn, vi trùng như E. coli, Salmonella…
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo khi chế biến, nếu thấy thực phẩm có mùi ngay lập tức loại bỏ. Trong trường hợp ngộ độc nhẹ như nôn, đau bụng, đi ngoài, cần cho người bệnh uống nhiều nước lọc, nước điện giải tránh mất nước, dùng các món ăn dễ tiêu như cháo.
Theo Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, hậu Tết các nhóm thực phẩm dễ gây ngộ độc chủ yếu liên quan tới bảo quản. Các loại thịt, hải sản sống nhiễm khuẩn và thực phẩm chín như giò chả, nem rán, bánh chưng để lâu dễ ôi thiu, ngộ độc cho người dùng.
Nhiều gia đình chất đồ ăn thừa vào tủ lạnh vô tình tạo thành ổ vi khuẩn. Hầu hết người dân đều có thói quen ăn ngay thì để ngăn mát, lâu hơn thì bảo quản ngăn đông. Tuy nhiên, việc bảo quản thực phẩm tươi sống và chín ở một ngăn dễ tạo ra ổ vi khuẩn.
Ngoài ra, việc tích trữ đồ ăn khiến tủ lạnh quá tải, nóng lên khó đảm bảo nhiệt độ phù hợp, gây ra tình trạng nhiễm khuẩn.
Phó giáo sư Thịnh khuyến cáo người dân không làm đông lạnh lại thịt đã rã đông. Không để thực phẩm sống - chín chung vì dễ gây nhiễm khuẩn. Thực phẩm nấu sẵn chưa ăn hết bữa trước không nên để quá 2 giờ trong môi trường thường. Đồ ăn chín bảo quản trong tủ lạnh khi hâm nóng cần nấu thật kỹ để tiêu diệt hết vi khuẩn nếu có.
Phương Thúy
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/am-anh-voi-thuc-pham-du-thua-sau-tet-2369437.html