Thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bị tiêu chảy

Thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bị tiêu chảy
3 ngày trướcBài gốc
NỘI DUNG
1. Thực phẩm nên ăn khi bị tiêu chảy
2. Tránh những thực phẩm này khi bị tiêu chảy
1. Thực phẩm nên ăn khi bị tiêu chảy
Đôi khi bị tiêu chảy không đáng lo lắng quá mức. Có nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy từ bệnh đau dạ dày đến một bữa ăn hoặc thành phần thức ăn cụ thể mà bạn đã ăn không hợp.
Chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ đều khuyến nghị người bị tiêu chảy nên ăn những thức ăn đơn giản, dễ tiêu, đặc biệt là trong 24 giờ đầu tiên. Tốt nhất là nên ăn những thực phẩm như yến mạch, chuối, cơm trắng và sốt táo.
Ngoài ra những thực phẩm có chứa lợi khuẩn thường được gọi là vi khuẩn "tốt" có thể rút ngắn thời gian bị tiêu chảy. Lợi khuẩn hoạt động bằng cách giải phóng các chất hóa học phân hủy các độc tố gây hại do vi khuẩn không lành mạnh tạo ra có thể gây ra bệnh tật, bao gồm cả tiêu chảy.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hệ vi sinh đường ruột cân bằng sẽ đóng góp đến 80% tình trạng miễn dịch của cơ thể. Việc cân bằng hệ vi sinh đường ruột rất quan trọng để bảo vệ đường tiêu hóa khỏe và từ đó gia tăng miễn dịch cho cơ thể.
Probiotics đã trở nên rất phổ biến và có trong một số loại thực phẩm như: Sữa chua, Kombucha, dưa cải bắp, kim chi.
Điều quan trọng cần lưu ý là, tùy thuộc vào nguyên nhân gây tiêu chảy, bạn có thể cân nhắc tránh một số sản phẩm từ sữa như sữa chua, đặc biệt nếu tiêu chảy liên quan đến chứng không dung nạp lactose.
Một số loại thực phẩm nên ăn khi bị tiêu chảy:
Người bị tiêu chảy nên ăn những thức ăn đơn giản, dễ tiêu hóa.
Ngũ cốc và carbohydrate có ít chất xơ: Mặc dù chất xơ là một thành phần quan trọng giúp tăng thể tích phân và hỗ trợ nhu động ruột đều đặn nhưng chế độ ăn ít chất xơ được khuyên dùng khi bị tiêu chảy vì nó giúp tiêu hóa và giảm tần suất đi tiêu. Cơm, mì, lúa mì hoặc yến mạch luộc có thể hữu ích, đặc biệt nếu bị phân lỏng.
Trứng: Nếu bạn bị tiêu chảy vẫn có thể ăn trứng nấu chín. Chọn các bữa ăn ít bơ, phô mai và gia vị, chẳng hạn như trứng rán muối.
Thịt gà không da: Để ngăn ngừa tình trạng tiêu chảy trở nên tồi tệ hơn, hãy chọn các loại thịt thay thế ít chất béo thay vì các loại thực phẩm béo có hàm lượng chất béo cao. Sử dụng các loại thảo mộc tươi hoặc khô để tạo hương vị cho thịt như húng quế, rau mùi tây, húng tây, hương thảo, oregano hoặc rau mùi.
Súp, cháo: Súp, cháo có thể bổ sung protein, vitamin và chất lỏng dễ tiêu.
Rau luộc: Khi bạn bị tiêu chảy, rau nấu chín/luộc có thể nhẹ nhàng hơn với cơ thể vì rau sống có thể khó tiêu hóa hơn và gây khó chịu dưới dạng khí và đầy hơi.
Uống đủ nước: Một trong những triệu chứng của bệnh tiêu chảy là mất nước. Khi bị tiêu chảy trong bất kỳ khoảng thời gian nào, hãy uống đủ chất lỏng như nước, oserol…
2. Tránh những thực phẩm này khi bị tiêu chảy
Việc nên tránh thực phẩm bất lợi cũng quan trọng như việc biết nên ăn gì khi bị tiêu chảy. Một số thực phẩm có thể đi qua ruột rất nhanh và làm trầm trọng thêm tình trạng tiêu hóa hoặc làm tiêu chảy nặng hơn theo những cách khác.
Tránh những thực phẩm sau đây để giảm tiêu chảy:
Thực phẩm béo: Bao gồm thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ hoặc phủ nước sốt có thể khiến tình trạng tiêu chảy trở nên trầm trọng hơn.
Sữa, bơ, kem và phô mai: Ngay cả khi tiêu chảy không phải do không dung nạp lactose - một tình trạng khó xử lý lactose, một loại đường có trong các sản phẩm từ sữa cũng nên tránh xa những thực phẩm này khi bị tiêu chảy.
Một số người có thể tạm thời nhạy cảm với các sản phẩm từ sữa, ngay cả khi họ thường không gặp vấn đề gì với chúng. Sữa chua giàu lợi khuẩn có thể là một ngoại lệ cho quy tắc này vì một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng lợi khuẩn giúp cân bằng lại hệ vi khuẩn đường ruột và có thể rút ngắn thời gian của một đợt tiêu chảy.
Rượu và nước ngọt: Khi bị tiêu chảy, nên tránh xa các loại thực phẩm và đồ uống khiến bạn mất nước. Rượu có thể hoạt động như thuốc lợi tiểu, nghĩa là nó làm mất nước và nên tránh. Nước ngọt có xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao cũng có thể gây ra vấn đề nếu bạn bị tiêu chảy. Lượng fructose lớn có thể làm quá tải hệ tiêu hóa và dẫn đến đầy hơi, chướng bụng hoặc tiêu chảy.
Sorbitol và các chất tạo ngọt nhân tạo khác: Một số người thấy rằng chất tạo ngọt nhân tạo có tác dụng nhuận tràng đối với hệ tiêu hóa của họ. Nếu bị tiêu chảy, tốt nhất là nên bỏ kẹo và kẹo cao su không đường, nước ngọt ăn kiêng và chất thay thế đường. Tiêu thụ đường, bao gồm cả đường nhân tạo, khiến ruột sản xuất nhiều nước và chất điện giải hơn, sau đó có thể làm lỏng nhu động ruột và dẫn đến tiêu chảy.
Bông cải xanh (súp lơ xanh) có thể gây đầy hơi nên khi bị tiêu chảy cần tránh.
Thực phẩm gây đầy hơi: Mặc dù nên ăn nhiều trái cây và rau quả mỗi ngày nhưng khi bị tiêu chảy nên tránh những lựa chọn có khả năng làm tăng đầy hơi trong ruột như bắp cải, đậu, bông cải xanh và súp lơ... cho đến khi tình trạng ổn hơn.
Thực phẩm nghi ngờ bị hỏng: Tránh xa các loại thực phẩm có thể đã được xử lý không đúng cách, bao gồm cả thực phẩm đã để ngoài tủ lạnh quá lâu hoặc bảo quản không đúng cách. Thịt hoặc cá sống cũng có thể gây ra vấn đề. Khi nghi ngờ, hãy vứt bỏ để tránh bệnh trầm trọng hơn.
Nếu chế độ ăn kiêng và các biện pháp khắc phục đơn giản không hiệu quả và nếu các triệu chứng kéo dài hơn một vài ngày và bao gồm chảy máu, đầy hơi và chướng bụng, bạn nên đi khám ngay. Bác sĩ có thể xác định xem tiêu chảy có phải do tình trạng nghiêm trọng hơn gây ra hay không và chỉ định phương pháp điều trị kịp thời.
Hoàng Nam
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/thuc-pham-nen-an-va-nen-tranh-khi-bi-tieu-chay-thong-thuong-169241231190409242.htm