Thực thi đầy đủ các nội dung của Luật Bảo vệ môi trường

Thực thi đầy đủ các nội dung của Luật Bảo vệ môi trường
2 giờ trướcBài gốc
Thành viên nhóm Hà Nội Xanh dọn rác tại khu vực cầu Mậu Lương, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. (Ảnh MỸ HÀ)
Để sớm đưa các chính sách của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đi vào cuộc sống, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thi hành bộ luật này.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020; Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Danh mục và phân công đơn vị xây dựng văn bản pháp luật do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì; phân công đơn vị phối hợp xây dựng văn bản pháp luật do các bộ, ngành, địa phương chủ trì và nhiệm vụ để triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các chính sách của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020; Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Danh mục và phân công đơn vị xây dựng văn bản pháp luật do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì; phân công đơn vị phối hợp xây dựng văn bản pháp luật do các bộ, ngành, địa phương chủ trì và nhiệm vụ để triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Cụ thể, về tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tuyên truyền, phổ biến các quy định, chính sách mới về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cho cán bộ lãnh đạo, công chức tại các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và các cơ quan có liên quan; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường cho cơ quan, tổ chức, cá nhân; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các cơ quan, tổ chức chính trị-xã hội, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trên cả nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định nhằm bảo đảm về cơ bản các khung chính sách mới của Luật Bảo vệ môi trường có đủ hành lang pháp lý để triển khai, như Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn; Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường… Bên cạnh đó, bộ đã ban hành một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 theo thẩm quyền.
Các văn bản do Bộ ban hành gửi các địa phương hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt, đây là tiền đề quan trọng để triển khai chính sách phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo lộ trình của Luật Bảo vệ môi trường (trước ngày 31/12/2024).
Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng các tiêu chí về môi trường trong nông thôn mới gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, trong đó đã bao gồm các tiêu chí về bảo vệ môi trường trong xây dựng và phát triển nông thôn.
Vụ trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Hưng Thịnh cho biết: Hai năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các quy định, chính sách mới của Luật Bảo vệ môi trường đến đầy đủ các đối tượng cơ quan, tổ chức, cá nhân; thường xuyên trả lời, giải đáp cụ thể các ý kiến, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thi hành Luật và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn, thi hành; đồng thời, chủ động đôn đốc các bộ, ngành có liên quan trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn, quy định thuộc trách nhiệm đã được Thủ tướng Chính phủ phân công tại Quyết định số 343/QĐ-TTg…
Để tiếp tục đưa các chính sách mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào thực tiễn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị chính quyền các địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến quy định, chính sách mới của Luật và các văn bản hướng dẫn đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các cơ quan hành chính, các cấp của địa phương nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường; nhất là các quy định liên quan đến phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, bảo vệ môi trường tại khu đô thị, khu dân cư, làng nghề.
Ngành tài nguyên và môi trường các địa phương tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sớm ban hành quy định, kế hoạch để triển khai quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; bảo đảm các điều kiện thực thi theo lộ trình của Luật Bảo vệ môi trường; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật về môi trường thuộc thẩm quyền để bảo đảm triển khai thi hành Luật.
Mặt khác, ngành tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường của địa phương, tích hợp vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường của quốc gia theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy định chi tiết thi hành nhằm thúc đẩy các mô hình quản lý số trong công tác bảo vệ môi trường; đồng thời, thực hiện việc rà soát, đánh giá, bảo đảm điều kiện về nguồn lực và nhân lực cần thiết để triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường; tiến hành rà soát, chuẩn bị, hoàn thiện các điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết khác để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ■
KHÁNH HUY
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/thuc-thi-day-du-cac-noi-dung-cua-luat-bao-ve-moi-truong-post832458.html