Thực tiễn giáo dục STEM – Nhìn từ các cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học

Thực tiễn giáo dục STEM – Nhìn từ các cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học
2 ngày trướcBài gốc
Cuộc thi KHKT được ngành Giáo dục tổ chức 13 năm nay với mục đích khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu KHKT, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục theo hướng tăng cường thực hành, ứng dụng, xóa dần khoảng cách giữa kiến thức hàn lâm và thực tiễn, tạo cho người học năng lực làm việc nhanh, sáng tạo. Theo đánh giá từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các dự án tham dự cuộc thi các cấp ngày càng có chất lượng, không chỉ dừng lại ở ý tưởng khoa học, mà đã đi sâu nghiên cứu, sáng tạo, vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống.
Hằng năm, trên cơ sở văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về cuộc thi cấp quốc gia, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các trường THPT tổ chức triển khai công tác nghiên cứu khoa học của học sinh trung học, tổ chức cuộc thi từ cấp trường đến cấp huyện, lựa chọn những dự án có chất lượng tham gia cuộc thi cấp tỉnh. Các phòng GD&ĐT, các trường THPT lập kế hoạch, tổ chức triển khai công tác nghiên cứu khoa học phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, đặc điểm của địa phương, đối tượng học sinh và chương trình, nội dung dạy học của cơ sở giáo dục. Khai thác hiệu quả tiềm lực của đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên có kinh nghiệm và năng lực nghiên cứu khoa học để hướng dẫn học sinh triển khai thực hiện đề tài.
Ông Nguyễn Quang Long, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Trong 10 năm, từ năm học 2013-2014 đến năm học 2023-2024, năm nào tỉnh Hà Nam cũng có từ 1 đến 3 dự án đoạt giải trong các cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp quốc gia. Tại cuộc thi cấp tỉnh, đã có 287/526 dự án tham gia đoạt giải. Cuộc thi tạo nên hiệu ứng tích cực trong toàn ngành về quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo hướng khoa học hiện đại, kịp thời hòa nhập với xu thế khoa học giáo dục toàn cầu.
Các dự án tham gia cuộc thi đều có sự hỗ trợ tích cực từ các thầy, cô giáo.
Tại Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2024-2025, có 92 học sinh đến từ 32 đơn vị với 47 dự án tham dự đã cho thấy hoạt động giáo dục STEM trong các trường phổ thông hiện nay thực sự trở thành động lực thúc đẩy tính chủ động, tích cực trong phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh. Học sinh Trần Thị Phương Thùy, Trường THPT Nam Cao (Lý Nhân) chia sẻ: Dự án “Thiết kế bộ truyện tranh song ngữ Việt - Anh để quảng bá, bảo tồn giá trị văn hóa địa phương” của chúng em hướng tới thay đổi nhận thức, hành vi của học sinh trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa từ làng nghề truyền thống, di tích văn hóa lịch sử của địa phương... Được biết, đây là dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi, một trong 9 lĩnh vực dự thi của cuộc thi (hóa sinh, hóa học, hệ thống nhúng, kĩ thuật cơ khí, năng lượng vật lí, vật lí và thiên văn, rô bốt và máy thông minh, phần mềm hệ thống) gây chú ý về cách trưng bày và trình bày.
Cô giáo Vũ Thị Lan Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Biên Hòa, thành viên Ban Giám khảo cuộc thi cho biết: Nhiều dự án thể hiện sự đầu tư công phu về thời gian, trí tuệ, vận dụng kiến thức liên môn. Các đề tài hướng tới giải quyết những vấn đề xã hội, thực tiễn cuộc sống đặt ra, như: thân thiện với môi trường, lan tỏa tinh thần sống xanh, thực hiện mục tiêu "Net Zero", phòng ngừa bạo lực học đường, biện pháp "chữa lành" tổn thương tâm lý học sinh; cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, thiết bị cảnh báo sạt lở đất, hỗ trợ người khuyết tật,… Phần trưng bày, trình bày có sự đồng đều và tốt hơn nhiều so với những năm trước. Poster của các đơn vị dự thi năm nay, đã đồng đều hơn, bảo đảm đúng kích thước, bố cục, nội dung theo quy định. Phần thuyết trình của học sinh cơ bản thể hiện rõ sự tự tin và am hiểu về dự án, vấn đề nghiên cứu.
Trong cuộc thi năm nay, ban tổ chức, ban giám khảo đánh giá rất cao các dự án: “Nghiên cứu chiết tách và chế tạo nano rutin từ nụ hoa hòe ở Hà Nam” của Trường THPT chuyên Biên Hòa (lĩnh vực hóa học); “Giải pháp AIoT trong phát hiện, cảnh báo sớm lũ lụt và sạt lở đất” của Trường Tiểu học, THCS&THPT FPT (lĩnh vực hệ thống nhúng) và “Tổng hợp và biến tính chấm lượng tử carbon (CQDs) để định hướng ứng dụng trong quang động kháng khuẩn và điều trị ung thư” của Trường THPT Lý Nhân (lĩnh vực hóa sinh). Theo thầy giáo Nguyễn Xuân Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Phủ Lý), một trong các giải pháp thúc đẩy giáo dục STEM mà các nhà trường đang thực hiện là tổ chức hoạt động nghiên cứu KHKT. Hoạt động này dành cho những học sinh có năng lực, sở thích, hứng thú với hoạt động tìm tòi, khám phá KHKT giải quyết các vấn đề thực tiễn. Thông qua quá trình tổ chức giảng dạy các bài học STEM và hoạt động trải nghiệm STEM phát hiện những học sinh có năng khiếu để bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho các em tham gia nghiên cứu KHKT.
Năm học 2023-2024, Hà Nam có 2.166 bài học STEM được thực hiện tại các trường phổ thông (trong đó cấp THCS thực hiện 1.476 bài); 80 trường học đã tổ chức ngày hội STEM, 447 dự án dự thi KHKT cấp trường... Giáo dục STEM hiệu quả giúp hình thành, phát triển nhân cách, trau dồi kỹ năng, thái độ học tập, góp phần giáo dục hướng nghiệp học sinh THCS, đặc biệt là giáo dục tinh thần yêu thích ứng dụng khoa học, công nghệ vào đời sống thực tiễn. Với định hướng giáo dục STEM, kiến thức các môn học đã được xâu chuỗi, giáo dục liên môn được đẩy mạnh, dựa vào ứng dụng nền tảng các môn khoa học công nghệ, khoa học máy tính… và sự sáng tạo của giáo viên, giáo dục STEM thực sự giúp học sinh “bước từ lớp học ra cuộc sống”, ứng dụng kiến thức đã học để giải quyết vấn đề thực tiễn cuộc sống.
Chu Uyên
Nguồn Hà Nam : https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/thuc-tien-giao-duc-stem-nhin-tu-cac-cuoc-thi-khkt-danh-cho-hoc-sinh-trung-hoc-142796.html