Thực trạng công tác phân loại CTR sinh hoạt tại hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Thực trạng công tác phân loại CTR sinh hoạt tại hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
2 ngày trướcBài gốc
Theo báo cáo, đến nay, Thanh Hóa có 26/26 huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn (CTR) sinh hoạt. Các địa phương đã triển khai phân loại CTR sinh hoạt, trong đó chủ yếu phân loại đối với chất thải có giá trị tái chế cao (giấy, nhựa, kim loại), ngoài ra, một số địa phương triển khai phân loại chất thải thực phẩm làm thức ăn chăn nuôi hoặc ủ làm phân bón.
Đến nay, Thanh Hóa có 26/26 huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện phân loại CTR sinh hoạt (Ảnh minh họa).
CTR sinh hoạt nguy hại đã được người dân quan tâm, thu gom vào các chai, hộp nhựa và lưu giữ tại góc kín trong nhà, định kỳ, tập kết về các thùng chứa CTR nguy hại được bố trí tại khu vực nhà văn hóa, trạm y tế... để UBND xã thu gom, hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý theo kế hoạch của UBND cấp huyện.
Tại khu vực đô thị, phần lớn, các hộ dân thực hiện việc phân loại CTR sinh hoạt thành 02 nhóm: Chất thải có thể tái chế (nhựa, sắt, thép, giấy báo...) và CTR còn lại. Phần CTR có thể tái chế được các hộ thu gom, bán phế liệu, phần chất thải còn lại được đơn vị có chức năng trên địa bàn thu gom, vận chuyển xử lý theo quy định. Chỉ một bộ phận nhỏ các hộ có diện tích đất vườn trồng cây tận dụng một phần rác thải hữu cơ làm phân bón. Việc phân loại CTR sinh hoạt nguy hại cũng đã được người dân quan tâm hơn, thu gom vào các chai, hộp nhựa và lưu giữ tại góc kín trong nhà.
Cùng với đó, hiện nay tại Khu liên hợp xử lý rác thải xã Đông Nam đã đầu tư đầy đủ công trình, đang hoàn thiện hồ sơ chấp thuận công tác nghiệm thu để đi vào hoạt động, UBND thành phố Thanh Hóa đang phối hợp ký hợp đồng xử lý CTR sinh hoạt với nhà đầu tư. Ngoài ra, UBND TP.Thanh Hóa cũng đang xây dựng phương án cụ thể làm điểm về phân loại rác tại phường Điện Biên, trong đó, đã soạn thảo tờ rơi hướng dẫn phân loại và bàn giải pháp bố trí các thiết bị, phương tiện để vận chuyển rác thải đã phân loại từ nơi phát sinh đến nơi xử lý...
Ở khu vực nông thôn, việc thu gom và phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được UBND xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đến các hộ dân. Một số địa phương đã triển khai được các mô hình về phân loại rác, tăng cường tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu rác thải, một vài mô hình có thể lựa chọn để triển khai nhân rộng. Rác thải có thể tái chế được thu gom và bán cho đơn vị thu gom phế liệu, rác thải khó phân hủy không thể tái chế được hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom vận chuyển xử lý theo quy định. Một phần CTR sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa và những khu vực chưa có đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom rác thải, hiện phần lớn được phân loại và xử lý trong khuôn viên gia đình bằng hình thức đốt hoặc chôn lấp theo hướng dẫn.
Báo cáo cũng cho thấy, tính đến hết năm 2024, khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thải ra môi trường 1.666,2 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt tại khu vực đô thị đạt khoảng 95% (tỷ lệ thu gom, xử lý trên địa bàn toàn tỉnh đạt 92,1%), trong khi đó, tính đến hết năm 2021 (trước thời điểm Luật BVMT có hiệu lực), tỷ lệ thu gom, xử lý trên địa bàn toàn tỉnh chỉ đạt 89%.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2022. Kể từ đó đến nay, luôn được các cấp, các ngành trên địa địa bàn tỉnh Thanh Hóa quan tâm chỉ đạo và quyết liệt triển khai thực hiện, qua đó góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, xã hội địa phương, đặc biệt trong phát triển nền kinh tế xanh, bền vững.
Đình Đông
Nguồn Kinh tế Môi trường : https://kinhtemoitruong.vn/thuc-trang-cong-tac-phan-loai-ctr-sinh-hoat-tai-ho-gia-dinh-ca-nhan-tren-dia-ban-tinh-thanh-hoa-97511.html