Thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay

Thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay
6 giờ trướcBài gốc
Trong những năm qua, công tác dân số ở nước ta nói chung và ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, hôn nhân cận huyết thống và tình trạng tảo hôn đang là một vấn đề phức tạp, gây cản trở đến tiến trình nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một trong hai bên hoặc cả hai chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại mục a, Khoản 1, Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, tức là nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi. Còn tại Khoản 12, 13 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000; Khoản 17 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có nêu: Hôn nhân cận huyết thống là kết hôn giữa nam và nữ có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời. Đây là điều cấm được pháp luật của Nhà nước quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và 2014.
Hiện nay, hôn nhân cận huyết thống diễn ra trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng giáp biên giới, đặc biệt là ở các khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
Theo Báo cáo thu thập kết quả điều tra kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 (Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc), tình trạng tảo hôn của người dân tộc thiểu số đã giảm 4,7%, tức bình quân mỗi năm giảm 0,94%. Tại những vùng tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Tây Nguyên là 27,5% số người bước vào hôn nhân khi chưa đủ tuổi kết hôn; còn Trung du và miền núi phía Bắc là 24,6%; Đồng bằng sông Hồng - nơi không có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống (3,3%) cũng có 7,8% người dân tộc thiểu số tảo hôn.
Tuổi kết hôn trung bình của người dân tộc thiểu số tảo hôn năm 2018 là 17,5 tuổi đối với nam và 15,8 tuổi đối với nữ. Như vậy, nam giới kết hôn sớm hơn 2,5 tuổi, nữ giới kết hôn sớm hơn 2,2 tuổi so với quy định của pháp luật. Tỷ lệ nam giới tảo hôn là 20,1%; nữ giới tảo hôn cao hơn với tỷ lệ 23,5%. Tất cả 53 dân tộc thiểu số đều có tình trạng tảo hôn, trong đó, 5 dân tộc tỷ lệ tảo hôn cao nhất gồm: dân tộc Mông 51,5%, Cờ Lao 47,8%, Mảng 47,2%, Xinh Mun 44,8%, Mạ 39,2%.
Hình ảnh những "bà mẹ trẻ" không hiếm gặp tại những vùng sâu, vùng xa. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)
Ở khu vực Trung du miền núi phía Bắc, đặc biệt là vùng Tây Bắc có tỷ lệ tảo hôn cao hơn các vùng khác. Năm 2019, vùng Trung du miền núi phía Bắc có 583.297 trường hợp; Đồng bằng sông Hồng có 14.922 trường hợp; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có 152.743 trường hợp; Tây Nguyên có 203.639 trường hợp; Đông Nam Bộ có 37.375 trường hợp; Đồng bằng sông Cửu Long có 45.293 trường hợp. Trong đó, đặc biệt là nhóm các địa phương có số trường hợp tảo hôn cao nhất cả nước, như: tỉnh Sơn La có 128.873 trường hợp; tỉnh Hà Giang có 73.772 trường hợp; Điện Biên 67.780 trường hợp; Lào Cai 56.939 trường hợp; Lai Châu 56.029 trường hợp; Yên Bái 40.842 trường hợp; Cao Bằng 37.406 trường hợp; Nghệ An 36.854 trường hợp; Gia Lai 84.067 trường hợp; Đắk Lắk 56.029 trường hợp…
Phân tích theo trình độ chuyên môn kỹ thuật (tức có trình độ từ sơ cấp trở lên) thì chỉ có 1,1% người dân tộc thiểu số tảo hôn có trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong khi tỷ lệ này ở những người không tảo hôn cao gấp hơn 18 lần (18,8%). 31/53 dân tộc thiểu số có tình trạng 100% số người tảo hôn không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Chỉ có 1,6% nam giới có trình độ chuyên môn kỹ thuật tảo hôn so với tỷ lệ tương ứng của nữ là 0,6%. Những trẻ em được sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống có tỷ lệ mắc các bệnh dị tật bẩm sinh, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, tử vong sơ sinh cao hơn so với những trẻ em bình thường khác.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội miền núi, đặc biệt quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền gắn với phát động các phong trào vận động đồng bào các dân tộc thiểu số cải tạo phong tục tập quán lạc hậu, nhất là giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Với sự vào cuộc từ Trung ương đến địa phương, tập trung những nguồn lực, hành động cụ thể và quyết tâm giảm đến mức thấp nhất tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chính vì vậy, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”. Mục tiêu của Đề án là giảm bình quân từ 2 đến 3%/năm số cặp tảo hôn và từ 3 đến 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với địa bàn dân tộc thiểu số có tỷ lệ cao.
Đến năm 2025, cơ bản hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Một trong những giải pháp là triển khai xây dựng mô hình can thiệp đối với một số dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung, khu vực Tây Nguyên, nơi có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao. Đến năm 2016, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ lựa chọn 15 tỉnh có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao nhằm xây dựng mô hình điểm. Thông qua các hoạt động của Đề án, cán bộ công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số được tuyên truyền sâu rộng hơn về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Đặc biệt, nhiều tỉnh trong cả nước đã chỉ đạo đưa tiêu chí nói không với tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống vào hương ước các dòng họ và quy ước thôn, bản; lồng ghép các hoạt động truyền thông về phòng, chống tảo hôn vào thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, góp phần tích cực xây dựng đời sống văn hóa, cải thiện chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trình độ nhận thức của đồng bào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từng bước được nâng lên; văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn và phát triển; phong tục tập quán lạc hậu cơ bản được đẩy lùi. Một số phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống dần dẹp bỏ, trên địa bàn một số xã, tình trạng tảo hôn không xảy ra.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn diễn ra hết sức phức tạp. Đến nay, kết hôn cận huyết tuy cơ bản đã giảm, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại ở một số dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo thống kê của Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, tại một số dân tộc như Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, Ê đê, Chu Ru, Chứt… và đặc biệt là các dân tộc Si La (Điện Biên, Lai Châu), Lô Lô, Pu Péo (Hà Giang), Mông Xanh (Lào Cai), Rơ Mân, Brâu (Kon Tum) thì cứ 100 trường hợp kết hôn thì có khoảng 10 trường hợp là hôn nhân cận huyết thống. Họ đang là những dân tộc ít người có nguy cơ suy giảm số lượng và chất lượng dân số rõ rệt nhất do tình trạng hôn nhân cận huyết gây ra.
Nguyên nhân tác động đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở các dân tộc thiểu số là do ảnh hưởng của những quan niệm, thành kiến, phong tục tập quán lạc hậu của đồng bào. Đặc biệt, do điều kiện kinh tế khó khăn, chậm phát triển đã ảnh hưởng toàn diện đến nhận thức và hành vi của đồng bào. Mặc dù, các tỉnh đã đạt được nhiều kết quả trong xóa đói, giảm nghèo, tuy nhiên đến nay, khó khăn vẫn đang đặt ra nhiều thách thức đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh công tác tuyên truyền hiệu quả chưa cao, sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn chưa kiên quyết, chưa kịp thời.
Tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, trong đó trực tiếp là những người kết hôn cận huyết thống. Vấn đề ảnh hưởng này thể hiện qua một số yếu tố như: (1) Hôn nhân cận huyết thống làm suy giảm chất lượng giống nòi, chất lượng dân số vùng dân tộc thiểu số; (2) Kết hôn cận huyết thống đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà mẹ và trẻ em; (3) Hôn nhân cận huyết thống dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số thấp; (4) Hôn nhân cận huyết thống là một trong những nhân tố dẫn đến nghèo đói triền miên.
Vì vậy, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu một số giải pháp sau:
Một là, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Các cấp, các ngành cần coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.
Hai là, cần chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của địa phương về công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, làm cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhận thức sâu sắc về vấn đề này. Đặc biệt, cần xây dựng kế hoạch hoạt động theo năm và giai đoạn phù hợp với đặc điểm của từng huyện, xã, thôn, từng dân tộc, cụ thể hóa thành các chỉ tiêu phấn đấu đối với địa phương có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, thay đổi hành vi trong hôn nhân đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, cung cấp kiến thức về sự phát triển tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản tuổi dậy thì, Luật Hôn nhân và Gia đình. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Phấn đấu đến năm 2025 căn bản chấm dứt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhất là đối tượng là cán bộ, đảng viên; xử phạt hành chính kết hợp với xử phạt theo hương ước, quy ước.
Bốn là, tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác quản lý, tuyên truyền, vận động thành viên, hội viên, thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả, kịp thời các chính sách, chương trình, dự án của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kết hợp và nâng cao hiệu quả giữa công tác chỉ đạo, thực hiện, kiểm tra, đánh giá, xử lý vi phạm với thi đua khen thưởng, nhân rộng các mô hình hay trong tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Năm là, tăng cường các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và ưu tiên đầu tư các nguồn lực tại những vùng có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống cao. Nhà nước cần bố trí đủ ngân sách nhằm thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án hiện hành về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, giải quyết việc làm, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân vùng bào dân tộc thiểu số. Ưu tiên đầu tư, bố trí nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với những khu vực có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao, nhằm tạo điều kiện giúp đồng bào dân tộc thiểu số tăng cường khả năng tiếp cận, mở rộng giao thương, giao lưu với cộng đồng, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Sáu là, các địa phương cần căn cứ vào tình hình, đặc điểm cụ thể của từng địa phương, từng dân tộc để có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư chuyển đổi và hỗ trợ phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là những dân tộc có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống cao thì cần có sự chăm lo đặc biệt để tạo chuyển biến có tính đột phá trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Căn cứ vào tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, địa bàn cụ thể để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
NGUYỄN VĂN HUÂN - Văn phòng Ủy ban Dân tộc
Nguồn Mặt Trận : http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/thuc-trang-tao-hon-va-hon-nhan-can-huyet-thong-o-phu-nu-va-tre-em-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-hien-nay-58462.html