Thuế 46% của Mỹ - tác động và giải pháp ứng phó

Thuế 46% của Mỹ - tác động và giải pháp ứng phó
14 giờ trướcBài gốc
Đây thực sự là cú sốc đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và thương mại nói riêng. Nếu không có gì thay đổi thì chỉ sau một tuần nữa, dòng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ cực kỳ khó khăn, thậm chí gần như bị chặn đứng do giá quá cao. Hàng loạt hậu quả kinh tế - xã hội do mất thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu như Mỹ sẽ buộc Việt Nam phải điều chỉnh cơ bản chiến lược và chính sách phát triển nhằm ứng phó với những tác động tiêu cực trong ngắn và trung hạn, thậm chí có thể cả dài hạn. Cạnh tranh thương mại và thuế quan do Mỹ khởi xướng từ đầu năm 2025 khiến Việt Nam có thể trở thành bên thua thiệt nặng nề mặc dù không phải là đối tượng chính của "cuộc chiến" do Mỹ phát động. Mức thuế đối kháng kỷ lục tác động rất tiêu cực tới Việt Nam ở nhiều lĩnh vực và chiều kích, nổi bật là:
Thứ nhất, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu ngắn và trung hạn của Việt Nam trở nên bất khả thi khi thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ có thể gần như đóng cửa hoàn toàn. Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tới 119,6 tỷ USD, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam với Mỹ lên tới 104,6 tỷ USD, tăng 25,6% so với năm 2023. Theo số liệu của Mỹ thì cũng trong năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hàng hóa trị giá hơn 136 tỷ USD, còn thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam lên tới hơn 123 tỷ USD. Không một đối tác thương mại nào của Việt Nam có thể bù đắp tổn thất do mất thị trường trị giá cả trăm tỷ USD như Mỹ. Mức độ cạnh tranh vốn đã gay gắt trên thị trường Mỹ nay lại thêm mức thuế cao sẽ làm giảm cơ hội cạnh tranh của các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam (Khu công nghiệp Nội Bài). Ảnh: PHẠM HÙNG
Thứ hai, nếu cánh cửa xuất khẩu sang Mỹ khép chặt lại thì cán cân thương mại vốn thặng dư 24,77 tỷ USD năm 2024 của Việt Nam sẽ đảo lộn hoàn toàn. Năm 2024, bên cạnh xuất siêu sang Mỹ cùng với xuất siêu sang EU (35,4 tỷ USD, tăng 23,2%) và xuất siêu sang Nhật Bản (3,2 tỷ USD, tăng 91,9%) thì Việt Nam lại nhập siêu từ Trung Quốc tới 83,7 tỷ USD, tăng 69,5% và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 144,3 tỷ USD trong khi nhập siêu từ Hàn Quốc 30,7 tỷ USD, tăng 5,9% và nhập siêu từ ASEAN 9,9 tỷ USD, tăng 18,9%. Nếu cán cân thương mại đảo chiều từ thặng dư sang thâm hụt thì Việt Nam sẽ gặp khó khăn về cán cân thanh toán khi cán cân thương mại dịch vụ năm 2024 vẫn thâm hụt 12,34 tỷ USD còn tài khoản vốn lại không ổn định. Cán cân thanh toán tiêu cực hay thậm chí đảo chiều sẽ tác động đến tỷ giá hối đoái, từ đó tới lãi suất và nhiều biến số kinh tế vĩ mô khác.
Thứ ba, mức thuế đối kháng dường như còn cao hơn cả mức thuế trừng phạt kinh tế khiến cho nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút vốn FDI của Việt Nam trở nên ít ý nghĩa. Phần lớn doanh nghiệp FDI đến Việt Nam nhằm mục tiêu tận dụng các ưu đãi thuế từ hàng chục FTA mà Việt Nam đã ký kết cùng với làn sóng đầu tư né tránh những điểm nóng chiến tranh thương mại, đa dạng hóa đầu tư nhằm giảm rủi ro. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31-12-2024 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 38,23 tỷ USD, còn vốn FDI thực hiện tại Việt Nam năm 2024 đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất khẩu 290,94 tỷ USD, chiếm 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024. Dòng vốn đầu tư nước ngoài, cả FDI và FII (vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài) rất có thể sẽ thu hẹp lại, thậm chí đảo chiều nếu mức thuế nặng trĩu 46% không được gỡ bỏ. Sức hấp dẫn để dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam sẽ không còn nữa khi thay vì những ưu đãi thuế quan và điều kiện thương mại thuận lợi lại là hàng rào thuế quan cao "ngất ngưởng" do nền kinh tế chiếm gần 1/4 GDP toàn cầu áp đặt.
Để ứng phó với tác động tiêu cực từ mức áp thuế quan của Mỹ, Việt Nam cần chuẩn bị cả chiến thuật và chiến lược trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn nên tập trung vào:
Thứ nhất, thời gian từ nay đến khi thuế đối kháng có hiệu lực còn quá ngắn nên mục tiêu chỉ là đàm phán song phương để trì hoãn hiệu lực thi hành từ một đến hai tháng, dành thời gian cho vòng đàm phán tiếp theo.
Thứ hai, vòng đàm phán làm rõ căn cứ và thỏa thuận mức thuế đối kháng phù hợp với mục tiêu đưa thuế suất xuống mức không quá một nửa so với mức 46% hiện nay. Có nhiều lập luận cần sự thỏa hiệp của các bên tham gia đàm phán, chẳng hạn ngay cả số liệu tổng hợp về xuất, nhập khẩu và cán cân thương mại Việt-Mỹ cũng không thống nhất, chênh nhau cả chục tỷ USD thì rõ ràng bức tranh thương mại này cần được mô tả, nhận định và đánh giá một cách nhất quán để làm cơ sở đàm phán gắn với thực tế chính xác và đầy đủ nhất. Tiếp theo đó, phía Việt Nam cần chuẩn bị sẵn bằng chứng chứng minh tốc độ tăng và quy mô xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ cũng như chênh lệch cán cân thương mại là hệ quả của cơ cấu kinh tế, là vấn đề kinh tế chứ không phải vấn đề tài chính hay thuế quan.
Thực tế, Việt Nam không sử dụng hàng rào thuế quan hay phi thuế quan để ngăn hàng hóa Mỹ vào Việt Nam. Vì vậy, việc Mỹ sử dụng thuế đối kháng để xử lý vấn đề kinh tế là chưa phù hợp. Hơn nữa, phía Việt Nam cần tìm hiểu rõ cách thức Mỹ tính ra mức thuế tới 90% mà Việt Nam áp đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, vì thuế suất thuế nhập khẩu phần lớn hàng hóa từ Mỹ vào Việt Nam hiện chỉ ở mức phổ biến 5-7%. Nếu con số 90% đúng là Mỹ chỉ đơn giản lấy quy mô thâm hụt thương mại chia cho kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam thì chưa phản ánh đúng bản chất của hàng rào thuế quan, do đó càng không thể là căn cứ để tính ra thuế suất đối kháng. Bên cạnh đó, nội dung đàm phán còn liên quan đến việc cụ thể hóa thuế suất đối kháng chung với từng nhóm hàng hóa, từng sản phẩm xuất, nhập khẩu cụ thể theo bảng phân loại HS cũng như mối quan hệ giữa thuế đối kháng với các loại thuế khác đánh trên cùng một sản phẩm, nhóm hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Thứ ba, các vòng đàm phán tiếp theo đặt mục tiêu đưa mức thuế đối kháng (nếu còn tồn tại) đối với Việt Nam về mức 10% như Mỹ áp dụng đối với các quốc gia được đánh giá là có thương mại công bằng và không gây hại cho lợi ích của Mỹ. Các vòng đàm phán giai đoạn 3 cần có sự trao đổi và thỏa thuận các nội dung liên quan đến thương mại công bằng và bảo đảm lợi ích hài hòa của cả hai phía.
Thành công thực hiện các vòng đàm phán nêu trên phụ thuộc vào việc lựa chọn được đoàn đàm phán hội tụ được trí tuệ và kỹ năng không chỉ về ngoại giao, kinh tế, tài chính mà cả chính trị, xã hội và văn hóa.
Hàng hóa Mỹ khi sang Việt Nam chịu thuế dưới 15%
Về việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Việt Nam sẽ kiên trì trao đổi để người tiêu dùng hai nước cùng hưởng lợi. Đây là thông tin được đưa ra trong buổi họp báo thường kỳ quý I-2025 của Bộ Tài chính vào chiều 3-4.
Tại họp báo, đánh giá về việc mức thuế đối ứng của Mỹ áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam ở mức 46%, đồng chí Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí chia sẻ, đây là mức thuế cao hơn rất nhiều so với mức thuế suất hiện hành đang áp dụng với Việt Nam. Điều này sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành sản xuất, đặc biệt là với những ngành, nhóm ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang Mỹ như linh kiện điện tử, nông nghiệp, dệt may, da giày... Theo báo cáo gần đây nhất từ phía Mỹ, mức thuế suất thuế nhập khẩu bình quân của biểu thuế Việt Nam là 9,4%, phần lớn mặt hàng của Mỹ khi xuất khẩu sang Việt Nam đang chịu mức thuế suất thuế nhập khẩu là 15% hoặc thấp hơn, điều này cho thấy mặt bằng thuế quan đang thấp hơn nhiều so với mức thuế suất 46% mà Mỹ áp dụng cho Việt Nam.
Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ cử đoàn công tác sang Mỹ, trong đó có nội dung trao đổi để giải quyết trực tiếp vấn đề về thuế.
PHẠM HOÀNG
TS VŨ ĐÌNH ÁNH
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thue-46-cua-my-tac-dong-va-giai-phap-ung-pho-822531