Nguồn tiền có thể bớt xén từ ngân sách, của công, từ dự án, đề án hoặc cũng có thể do tham ô, tham nhũng mà có. Khi “tiền chùa” càng nhiều, càng lớn, càng dễ dàng có được thì người ta tiêu pha càng vung tay, kiểu “đốt tiền nấu trứng”, những kiểu lãng phí không thể kiểm soát.
Sự tiêu pha lãng phí nguồn tiền, tài sản của công, chẳng đụng đến túi cá nhân nào nên có mấy ai xót ruột. Đó là biểu hiện nguy hại và khi nó phát triển thành thói quen, tập tục thì khó chữa bằng những biện pháp như tuyên truyền, giáo dục mà phải bằng các chế tài nghiêm khắc, từ hành chính đến hình sự. Nhìn các dự án gây lãng phí hết sức nghiêm trọng hiện nay, chúng ta không thể dừng lại ở biện pháp vận động, thuyết phục, khi mà hàng chục nghìn tỷ đồng đổ xuống rồi “đắp chiếu”, những tòa nhà xây chọc trời rồi phơi mưa nắng hoen gỉ sắt thép, những công trình thi công rầm rộ rồi cửa đóng, then cài, biến thành bãi cỏ rêu phong, hoang hóa.
Cùng với “xài tiền chùa” thì câu chuyện “chạy dự án” có sự liên hệ mật thiết với nhau. Cả ở Trung ương và địa phương, khi nói “chạy dự án” có nghĩa phải “chạy” để dự án được trình, phê duyệt đầu tư và “chạy” để được trúng thầu dự án đó, “chạy” để dự án sớm được rót vốn, triển khai thi công. Một dự án thiết lập trên hồ sơ bao giờ cũng rất cấp thiết, được mô tả là vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp, địa phương và rộng hơn là cả quốc gia, vậy vì sao phải “chạy”?
Chính những nguồn lợi lớn khi triển khai dự án, bao gồm nguồn vốn rót từ ngân sách và nguồn huy động khác đến những lợi nhuận khi dự án ra đời nên từ quan chức, cán bộ đến doanh nghiệp đều bám lấy dự án để co kéo về mình. Những thất thoát cũng chính từ nghĩa của từ “chạy” này mà ra, một khi dự án mang những động cơ tiêu cực phía sau để các bên phải “chạy” thì dù nó có được che đậy bởi những cụm từ mỹ miều đến đâu cũng sẽ bị biến thành “miếng mồi” béo bở. Và trong những dự án có nguồn vốn lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đó, có những khoản tiền chi mà người ta gọi “tiền chùa”, thực chất là sự bớt xén, rút ruột để chi tiêu rồi biến tấu thành các khoản khác nhau như đối ngoại, giao dịch hay bị đẩy giá, đội vốn lên nhiều lần so giá trị thực.
Để có dự án, để sớm triển khai, đằng sau đó là những câu chuyện bắt tay và những món quà khủng. Điển hình như vụ án Hậu “Pháo” cho thấy, để doanh nghiệp triển khai dự án, những thùng xốp, va li chứa cả triệu đô la được chuyển tới tay nhiều bí thư, chủ tịch tỉnh, những giám đốc, người đứng đầu sở ngành liên quan. Lời khai của Hậu “Pháo” cho thấy, nếu không có những khoản tiền lót tay, không “hầu hạ” các sếp ở địa phương thì dự án sẽ khó thể triển khai được, chỉ khác là dự án lớn thì quà lớn, tất cả tỷ lệ thuận với quy mô, tính chất dự án.
Tiền đó ở đâu ra? Hẳn nhiên, doanh nghiệp không việc gì bỏ tiền túi bởi bản chất của doanh nghiệp là kinh doanh, ở đâu có nhiều lời lãi thì họ có mặt, họ thừa hiểu việc lời lãi đó phải gắn liền với “hầu hạ”. Các khoản quà cáp, “tiền chùa” đó là tiền rút từ dự án, được biến tấu dưới các khoản khác nhau hoặc tiền do đẩy giá sản phẩm, nhất là bất động sản, buộc giá thành tăng cao. Như vậy, hoặc là tiền ngân sách, từ đồng thuế của dân, hoặc từ túi khách hàng khi mua sản phẩm. Đồng tiền luân chuyển qua tay doanh nghiệp và đến túi quan chức, đó là một kiểu mà họ gọi “tiền chùa”, chỉ giơ ngón tay là có cả triệu đô, đơn giản như thế thì người ta đâu có mảy may tiếc xót.
“Tiền chùa”! Nhưng thực chất là tiền thuế của dân, tiền của người lao động bỏ ra sao gọi là chùa? Hoặc là tiền người dân khi phải bỏ ra để mua sản phẩm của doanh nghiệp, đó cũng là mồ hôi, nước mắt, sao gọi là chùa? Chỉ có quan chức nhận tiền bằng vẩy tay, không mồ hôi, không nước mắt mới coi đó là “tiền chùa” và khi dự án có bỏ bê, có hoang phí, họ cũng đâu có tiếc. Cần thấy rằng, giữa lãng phí và tham nhũng là hai phạm trù nhưng rất gần nhau. Dự án hàng nghìn tỷ vốn bỏ ra xây để hoang là cái lãng phí nhìn thấy được, còn đằng sau đó vì sao có dự án, chuyện móc ngoặc “chạy” dự án ra sao, đó là câu chuyện khác. Những dự án “đắp chiếu” gây bức xúc dư luận hiện nay, ngoài lãng phí liệu có tham nhũng hay không, tham nhũng ra sao, đó là câu hỏi chúng ta chờ kết quả từ cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra.
Trong dự án đầu tư xây dựng hai cơ sở của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức ở Hà Nam, kết quả thanh tra cho thấy, quá trình triển khai 2 dự án đã có hàng loạt vi phạm về đấu thầu, xây dựng. Điều này khiến 2 dự án “đắp chiếu” nhiều năm nay, gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng. Dù nguyên nhân có biện minh khách quan, chủ quan đến đâu thì việc để nguồn tiền ngân sách Nhà nước lãng phí ghê gớm như vậy, tất phải có cá nhân chịu trách nhiệm. Do đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Y tế tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý nghiêm trách nhiệm theo quy định củapháp luật đối với bộ trưởng, thứ trưởng được phân công phụ trách 2 dự án (theo từng thời kỳ).
Trong phụ lục kèm theo kết luận thanh tra, các lãnh đạo Bộ Y tế được Thanh tra Chính phủ đề cập gồm: bà Nguyễn Thị Kim Tiến, cựu Bộ trưởng, là người trực tiếp ký các quyết định liên quan tới 2 dự án từ năm 2013 – 2017; ông Nguyễn Viết Tiến, cựu Thứ trưởng, phụ trách lĩnh vực xây dựng cơ bản từ tháng 11/2018 đến tháng 8/2019, phụ trách Ban Quản lý dự án chuyên ngành xây dựng công trình y tế từ tháng 12/2016 đến tháng 8/2019; ông Nguyễn Trường Sơn, cựu Thứ trưởng, phụ trách Ban Quản lý dự án chuyên ngành xây dựng công trình y tế từ tháng 3/2021. Phụ lục cũng liệt kê hơn 20 cá nhân là lãnh đạo, cán bộ thuộc Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Ban quản lý dự án y tế trọng điểm (Bộ Y tế).
Theo cơ quan thanh tra, nguyên nhân dẫn tới các vi phạm, sai phạm tại 2 dự án chủ yếu là yếu tố chủ quan. Trong đó, Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách Bộ Y tế đã có vi phạm trong việc phê duyệt chủ trương tuyển tư vấn nước ngoài lập dự án, thiết kế dự án thiếu căn cứ, không đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật. Kết luận chỉ đạo trái pháp luật về đơn vị tư vấn nước ngoài thực hiện các gói thầu tư vấn lập dự án khi chưa thực hiện quy trình lựa chọn nhà thầu. Thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, không đôn đốc, kiểm tra, giám sát và không thực hiện đầy đủ, đúng đắn các nhiệm vụ, quyền hạn khác của người quyết định đầu tư, để xảy ra nhiều thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm, sai phạm trong hầu hết các khâu thực hiện dẫn đến việc sử dụng không hiệu quả, không sử dụng hết nguồn vốn được cấp.
Ngoài 2 dự án trên thì dự án trụ sở Bộ Ngoại giao và 3 vụ án, vụ việc có dấu hiệu lãng phí khác cũng được đưa vào diện theo dõi của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Dự án trụ sở Bộ Ngoại giao trên đường Lê Quang Đạo tại Hà Nội được khởi công tháng 8/2009 có tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu gần 3.500 tỷ đồng, sau điều chỉnh hơn 4.000 tỷ đồng, tổng diện tích 8ha, gồm 3 khối nhà. Dự án xây xong nhiều năm nhưng hiện chỉ sử dụng một phần nhỏ, còn lại để không.
Ngày 25/3, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực đã thống nhất đưa dự án này cùng 3 vụ án, vụ việc có dấu hiệu lãng phí vào diện theo dõi, gồm: vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí liên quan sai phạm tại dự án tòa nhà Trung tâm điều hành và giao dịch thương mại, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VCEM); dự án thủy điện Hồi Xuân, tỉnh Thanh Hóa; tiểu dự án 2 (Lim - Phả Lại), thuộc dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.
Những dự án khởi công, xây dựng rầm rộ rồi “đắp chiếu” vừa gây lãng phí nguồn lực lớn của Nhà nước, vừa làm đình trệ, tạo ra những “điểm nghẽn” trong công tác đầu tư xây dựng, phát triển các ngành, lĩnh vực. Để có những dự án đó, bao nhiêu tiền đã rót ra để tổ chức hội thảo, hội nghị, xúc tiến đầu tư, bao nhiêu tiền cho việc thẩm định, phê duyệt, khởi công và bao nhiêu tiền cho những khoản gọi là “chạy cửa sau”? Thuế của dân không phải “tiền chùa”, đó là đồng tiền bát gạo, là mồ hôi công sức của dân, tất phải quy rõ trách nhiệm để xử lý các cá nhân, tổ chức liên quan.
Đăng Minh