Trong tháng 3/2025, nhóm quỹ trái phiếu tiếp tục ghi nhận hiệu suất ổn định, trung bình ở mức 0,5%. Ngược lại, nhóm quỹ cổ phiếu và cân bằng kém tích cực với hiệu suất trung bình lần lượt là -2,7% và -1,5%, theo số liệu thống kê từ FiinTrade.
Lũy kế quý 1/2025, sự phân hóa về hiệu suất giữa các quỹ Trái phiếu và nhóm còn lại tiếp tục được ghi nhận. Cụ thể, nhóm quỹ Trái phiếu đạt mức tăng trưởng ổn định +1,4%, trong khi hiệu suất nhóm quỹ Cổ phiếu là -1,8% và nhóm quỹ Cân bằng (-0,3%).
Trong tháng 3/2025, hiệu suất các quỹ cổ phiếu kém tích cực khi chỉ có 17/69 quỹ ghi nhận tăng trưởng dương. Hiệu suất trung bình của các quỹ cổ phiếu bao gồm quỹ mở, ETF, quỹ đóng ở mức -2,3% trong tháng 3, đảo chiều từ mức tăng +1,3% trong tháng 2.
Dẫn đầu nhóm có hiệu suất dương là các quỹ ETF ngoại với quy mô tài sản ròng lớn hơn 6 nghìn tỷ đồng, bao gồm quỹ Fubon FTSE Vietnam, VanEck Vietnam ETF, Xtrackers FTSE Vietnam. Mức tăng trưởng tích cực nhờ nắm giữ tỷ trọng lớn các cổ phiếu VIC, VHM – hai mã đóng vai trò dẫn dắt thị trường trong tháng 3.
Ngược lại, hiệu suất nhóm quỹ mở tương đối kém khi đa số các quỹ đều ở trạng thái âm (với mức trung bình là -2,7%).
Trong quý 1/2025, 12/69 quỹ cổ phiếu ghi nhận hiệu suất vượt trội so với Vn-Index (+3,2%), đáng chú ý là nhóm quỹ mở có quy mô tài sản ròng nhỏ hơn 400 tỷ và nhóm quỹ ETF nước ngoài.
Tính từ đầu năm đến nay, hiệu suất của gần như toàn bộ các quỹ cổ phiếu đều rơi vào trạng thái âm do đợt điều chỉnh sâu trong hai tuần đầu tháng 4 (Vn-Index giảm -16,9% từ ngày 3/4 đến 9/4), sau khi Mỹ công bố kế hoạch áp thuế quan đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên, mức hiệu suất âm này mang tính thời điểm bởi Vn-Index đang hồi phục với mức tăng +12,2% trong 4 phiên gần đây (từ 10-15/4).
Trong tháng 3/2025, nhóm quỹ trái phiếu tiếp tục ghi nhận hiệu suất ổn định, tăng trưởng bình quân +0,5% và gần như không đổi so với tháng 2/2025 (+0,45%)
Đứng đầu là quỹ Trái phiếu Linh hoạt Mirea Asset VN (MAFF) với hiệu suất +0,8% trong tháng 3/2025 và lũy kế quý 1/2025 đạt +1,6%. Quỹ MAFF đã giảm mạnh tỷ trọng nắm giữ trái phiếu từ 78,3% trong tháng 2 xuống 71,9% trong tháng 3 và tăng tỷ trọng tiền mặt. Top nắm giữ là trái phiếu doanh nghiệp của Vinhomes (VHM), Masan (MSN), Vingroup (VIC).
Ở chiều ngược lại, 2 quỹ trái phiếu duy nhất ghi nhận hiệu suất âm là quỹ Đầu tư trái phiếu lợi tức cao HD (HDBOND) và quỹ Trái phiếu Lighthouse (LHBF) do giá trị thị trường của một số trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục nắm giữ giảm.
Trong quý 1/2025, nhóm quỹ trái phiếu đạt mức tăng trưởng trung bình +1,3%, cao hơn lãi suất tiết kiệm bình quân cho 3 tháng (1,1%).
Dẫn đầu là Quỹ Trái phiếu Lighthouse (LHBF) với hiệu suất tăng 2,3% trong quý 1 nhờ mức tăng trưởng tốt 2 tháng đầu năm. Tuy nhiên, hiệu suất trong tháng 3 của quỹ chuyển sang giảm 0,4%. Danh mục đầu tư của quỹ phần lớn là Trái phiếu của Argibank, BAF Việt Nam, và HDBank.
Trong khi đó, quỹ Trái phiếu Techcom tiếp tục tăng năm giữ trái phiếu trong tháng 3, với tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục đạt 56,7%, từ mức 53,8% trong tháng 2. Top nắm giữ là các trái phiếu doanh nghiệp thuộc nhóm Vingroup (VIC, VHM) và Masan MEATLife (MML). Quỹ TCBF – dẫn đầu về quy mô tài sản ròng (14,4 nghìn tỷ đồng) ghi nhận hiệu suất khá khiêm tốn (+0,4%) trong tháng 3/2025, nhưng lũy kế quý 1 đạt +1,7%, cao hơn lãi suất tiết kiệm.
Nhóm quỹ Cân bằng ghi nhận hiệu suất kém tích cực trong tháng 3/2025 với mức giảm trung bình -1,5%, đảo chiều từ mức tăng trưởng +1,3% trong tháng 2/2025. Chỉ có 4/14 quỹ đạt hiệu suất dương, tuy nhiên, tổng quy mô NAV của các quỹ này đều khá thấp (<100 tỷ đồng). Dẫn đầu là quỹ Đầu tư Bất động sản Techcom Việt Nam (+10,7%)
Thu Minh