Thuế đối ứng mạnh tay được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hôm 2-4 (giờ địa phương) đã gây ra phản ứng thất vọng, lời đe dọa đáp trả và lời kêu gọi đàm phán từ nhiều quốc gia, nền kinh tế để tìm cách dỡ bỏ mức thuế nhập khẩu nghiêm ngặt.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhận định chính sách thuế mới của ông Donald Trump là "đòn giáng mạnh vào nền kinh tế thế giới", ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng, theo hãng tin AP. Bà Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng đàm phán với Mỹ nhưng cũng chuẩn bị đáp trả bằng các biện pháp đối phó.
Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cũng cho rằng mức thuế quan cao hơn sẽ không có lợi cho cả hai bên. Nước này sẽ làm mọi điều có thể để hướng tới một thỏa thuận nhằm tránh cuộc chiến thương mại đe dọa làm suy yếu phương Tây.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Kier Starmer cho biết chính phủ nước này sẽ phản ứng "bình tĩnh", hy vọng dỡ bỏ được thuế quan thông qua một thỏa thuận thương mại với Washington.
Phản ứng mạnh hơn, Quốc hội Brazil thông qua một dự luật cho phép trả đũa bất kỳ mức thuế nào đối với hàng hóa của nước này. Chính phủ Brazil cho biết đang xem xét mọi hành động có thể để bảo vệ các lợi ích quốc gia hợp pháp, trong đó có việc nhờ đến Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Dù vậy, nước này cũng bày tỏ sẵn sàng đối thoại với Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong sự kiện công bố mức thuế quan mới tại Nhà Trắng hôm 2-4 Ảnh: AP
Tại châu Á, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh "kiên quyết phản đối" các mức thuế đối ứng và "sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả để bảo vệ quyền và lợi ích của mình".
Nhật Bản, đồng minh thân cận của Mỹ, có kế hoạch phân tích chặt chẽ các mức thuế mới và tác động của chúng, theo Chánh Văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi. Quan chức này cho rằng tình hình mới có thể tác động lớn đến mối quan hệ Nhật Bản - Mỹ.
Tại Hàn Quốc - một đồng minh khác của Mỹ, quyền Tổng thống Han Duck-soo đã ra lệnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cho biết nước này sẽ thực hiện các bước nhằm giảm thiểu tác động của thuế đối ứng từ Mỹ và hy vọng có thể đàm phán nhằm giảm mức thuế này. Thủ tướng Úc Anthony Albanese cũng đề cập giải pháp đàm phán nhằm dỡ bỏ thuế quan mà không cần dùng đến cơ chế giải quyết tranh chấp trong hiệp định thương mại tự do giữa hai nước.
Tại Mỹ, một số thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã phản đối chính sách thuế quan mà ông Donald Trump vừa nêu ra. Theo AP, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell cho rằng các cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và các đối tác gây tổn hại nhất đến người lao động.
Ông McConnell và 3 thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu thuận, qua đó góp phần giúp Thượng viện thông qua nghị quyết nhằm ngăn chặn quyền áp thuế đối với Canada. Động thái này cho thấy giới hạn của sự ủng hộ từ phía Đảng Cộng hòa đối với tầm nhìn của ông Donald Trump về tái cấu trúc nền kinh tế thông qua hạn chế thương mại tự do.
Giới phân tích bi quan
Chứng khoán toàn cầu đã giảm mạnh và đồng USD chạm mức thấp nhất trong 6 tháng qua sau khi Mỹ áp thuế đối ứng mạnh tay đối với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo trang The Guardian, động thái này được dự báo sẽ làm đảo lộn chuỗi cung ứng và gây ra sự hỗn loạn kinh tế. Giá vàng thế giới đạt mức cao kỷ lục và được giao dịch quanh ngưỡng 3.130 USD/ounce ngày 3-4 khi các nhà đầu tư tìm đến kim loại quý này như một kênh trú ẩn an toàn.
Các nhà phân tích nhìn chung có cái nhìn bi quan về động thái thuế quan mới của Mỹ. Có ý kiến thậm chí dự báo nguy cơ suy thoái kinh tế ở Mỹ sẽ gia tăng. Ông Tai Hui, chiến lược gia trưởng về thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Công ty Quản lý tài sản toàn cầu J.P. Morgan Asset Management (Mỹ), nhận định động thái mới của Chính phủ Mỹ có thể làm tăng mức thuế trung bình của Mỹ lên mức chưa từng thấy kể từ đầu thế kỷ XX.
Người tiêu dùng Mỹ có thể cắt giảm chi tiêu do hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn và các doanh nghiệp có thể trì hoãn các khoản chi tiêu vốn do không chắc chắn về tác động đầy đủ của thuế quan và khả năng trả đũa từ các đối tác thương mại.
Ông Stephen Dover, chiến lược gia trưởng về thị trường và là người đứng đầu Viện Franklin Templeton tại Công ty Quản lý đầu tư toàn cầu Franklin Templeton (Mỹ), nhận định các mức thuế của Mỹ sẽ làm chậm chi tiêu của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Từ đó, làm tăng nguy cơ tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của Mỹ không đạt kỳ vọng trong năm 2025.Xuân Mai
ANH THƯ