Thuế đối ứng của Mỹ: châu Á tìm cách đàm phán hơn là 'ăn miếng trả miếng'

Thuế đối ứng của Mỹ: châu Á tìm cách đàm phán hơn là 'ăn miếng trả miếng'
một ngày trướcBài gốc
Container hàng hóa của Trung Quốc tại một kho bãi ở cảng Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: Reuters
Các nhà lãnh đạo châu Á đang đối mặt với những quyết định khó khăn khi thuế đối ứng của ông Trump áp đặt thách thức lớn đối với một khu vực có nền kinh tế dựa trên xuất khẩu sang Mỹ và một thế giới có rào cản thương mại thấp.
Ông Trump và các cố vấn từ lâu nhắm mục tiêu vào Trung Quốc và đã áp thuế bổ sung 20% đối với hàng nhập khẩu từ nước này trong năm nay. Ông cũng chỉ ra các nền kinh tế châu Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ là những bên áp mức thuế quan cao hoặc duy trì thặng dư thương mại quá mức với Mỹ, hoặc cả hai.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết, thuế đối ứng dự kiến có hiệu lực vào ngày 2-4 chủ yếu nhắm vào 15 nước có dòng chảy thương mại và rào cản đáng kể với Mỹ.
Dù ông không nêu tên cụ thể các nước này nhưng theo báo cáo của Bloomberg Economics, trong số những nước có mức thặng dư thương mại với Mỹ cao, có 9 nước nằm ở châu Á. Vì vậy, có vẻ như thuế đối ứng, dù áp dụng rộng rãi trên toàn cầu, sẽ ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến nền kinh tế trị giá 41.000 tỉ đô la của khu vực châu Á.
Cùng với Mexico, Canada và Liên minh châu Âu (EU), châu Á nằm trong tầm ngắm của chính sách bảo hộ của ông Trump kể từ khi ông trở lại Nhà Trắng vào ngày 20-1.
Mức thuế 25% của ông đối với thép nhập khẩu sẽ gây tổn hại cho các nhà sản xuất châu Á, nơi chiếm 6 trong số 10 nước xuất khẩu thép lớn nhất sang Mỹ. Mức thuế 25% của Mỹ đối với ô tô nhập khẩu có hiệu lực vào tuần trước sẽ làm giảm lợi nhuận của các hãng xe hàng đầu châu Á bao gồm Hyundai của Hàn Quốc và Toyota của Nhật Bản.
Theo Roland Rajah, nhà kinh tế học của Viện nghiên cứu Lowy (Úc), thuế đối ứng của Mỹ sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với mô hình tăng trưởng định hướng xuất khẩu của châu Á sau Thế chiến thứ hai.
Đối với nhiều nền kinh tế châu Á, khó khăn lần này sẽ rất khác so với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 hoặc cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007-2008.
“Những cuộc khủng hoảng trước đó chỉ là những cú sốc mang tính chu kỳ hoặc tài chính, nhưng khủng hoảng liên quan đến thuế quan lần này là cú sốc mang tính cấu trúc nhiều hơn”, Rajah nhận xét.
Theo các nhà kinh tế của ngân hàng Goldman Sachs, ngoài các mức thuế của Mỹ đã công bố trong năm nay, thuế đối ứng có thể làm giảm tới 1,3 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế của các nước ở khu vực châu Á, chủ yếu là do phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp sang Mỹ
Các nhà hoạch định chính sách trên khắp châu Á không có nhiều lựa chọn khả quan để giảm phụ thuộc vào hoạt động thương mại với Mỹ. Cho đến nay, mục tiêu chính của của các nhà lãnh đạo châu Á là xoa dịu ông Trump bằng cam kết tăng mua hàng hóa Mỹ.
Wendy Cutler, phó chủ tịch Viện Chính sách xã hội châu Á cho biết, các nước châu Á chỉ muốn tìm ra giải pháp nào đó có hiệu quả với Tổng thống Trump, chứ không muốn áp thuế trả đũa.
“Do tăng trưởng của châu Á phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu so với các khu vực khác, nên thuế đối ứng có thể giáng một đòn mạnh. Tuy nhiên, các chính phủ châu Á có xu hướng tìm cách đàm phán hơn là ‘ăn miếng trả miếng’ với Washington. Các cuộc đàm phán thương mại và sáng kiến cắt giảm thuế quan có thể sẽ được các nước châu Á ưu tiên”. Chang Shu, nhà kinh tế trưởng châu Á của Bloomberg Economics nói.
Các nhà kinh tế cũng chỉ ra hậu quả từ các khoản thuế quan mới của Mỹ là sự suy giảm giảm đầu tư vào châu Á khi các công ty tạm dừng tuyển dụng và mở rộng hoạt động.
Do đó, các ngân hàng trung ương châu Á có khả năng sẽ cắt giảm mạnh hơn so với những đã làm trong cuộc chiến thương mại năm 2018-2019 do ông Trump phát động trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên.
Thế nhưng, điều này cũng không thể bù đắp hoàn toàn cho tác động của thuế quan đến tăng trưởng, theo nhận định của các nhà kinh tế ở ngân hàng Morgan Stanley.
Các nhà lãnh đạo ở châu Á cũng đang thực hiện các bước đi giúp giảm sự phụ thuộc vào thương mại với Mỹ bằng cách tăng cường thương mại nội khối và củng cố nền kinh tế trong nước.
“Chúng ta không nên bỏ hết trứng vào cùng một giỏ, chúng ta phải đa dạng hóa”, Marty Natalegawa, cựu Ngoại trưởng Indonesia nói.
Ở Trung Quốc, giới lãnh đạo đang đang tập trung thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng cam kết mở cửa nền kinh tế cho các công ty toàn cầu và chống lại chủ nghĩa bảo hộ.
Các hiệp định thương mại ở châu Á hiện chiếm gần một nửa số hiệp định thương mại trên toàn cầu, bao gồm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Có những dấu hiệu cho thấy, áp lực của ông Trump có thể thúc đẩy mối quan hệ thương mại sâu sắc hơn ở châu Á. Hôm 22-3, Nhật Bản và Trung Quốc đã tổ chức cuộc đối thoại kinh tế đầu tiên sau 6 năm tại Tokyo.
Theo Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của S&P Global Ratings, việc tập trung nhiều hơn vào nhu cầu trong nước và thương mại nội khối có thể giúp châu Á tránh được những tác động tồi tệ nhất từ các loại thuế quan mới của ông Trump.
Kuijs nhận định, thuế quan chỉ “ép chặt” chứ không “bóp nghẹt” sự tăng trưởng trên toàn khu vực.
Theo Bloomberg
Khánh Lan
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/thue-doi-ung-cua-my-chau-a-tim-cach-dam-phan-hon-la-an-mieng-tra-mieng/