Thuế đối ứng của Mỹ: Trật tự thương mại thế giới bị phá vỡ, kỷ nguyên toàn cầu hóa kết thúc

Thuế đối ứng của Mỹ: Trật tự thương mại thế giới bị phá vỡ, kỷ nguyên toàn cầu hóa kết thúc
11 giờ trướcBài gốc
Ngày 2.4 (giờ Mỹ, tức ngày 3.4 giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu đối ứng nhập khẩu 10% với hơn 180 nền kinh tế, trong đó Việt Nam thuộc nhóm các nước chịu mức thuế cao nhất.
Tiếp đó, từ ngày 9.4, mức thuế nhập khẩu cao hơn sẽ áp lên hơn 60 quốc gia đang có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ như Trung Quốc (34%) và Việt Nam (46%). Mức thuế này được cho là ảnh hưởng lớn tới nhiều ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
Tổng thống Trump post 1 status trên mạng Truth Social của ông, sau cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm, với nội dung hoan nghênh cuộc nói chuyện này
Việt Nam phản ứng rất nhanh, linh hoạt
Chính sách thuế đối ứng của Mỹ khiến thị trường toàn cầu chao đảo trong những ngày qua. Nguy cơ lạm phát và suy thoái gia tăng, thị trường chứng khoán Mỹ, châu Á và châu Âu đồng loạt lao dốc trong 2 phiên liên tiếp ngay sau đó, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ngay lập tức, nhiều quốc gia phản ứng. Trung Quốc thông báo sẽ áp thuế nhập khẩu bổ sung 34% lên toàn bộ hàng Mỹ ngoài mức thuế hiện hành. Chủ tịch Cộng đồng châu Âu (EC) kêu gọi các thành viên liên minh châu Âu (EU) đoàn kết để đối phó, khẳng định EU sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu đàm phán không thành công.
Trong khi đó với mức thâm hụt lớn, năm 2024 Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trị giá hơn 136 tỉ USD, thâm hụt thương mại của Mỹ lên tới hơn 123 tỉ USD (theo số liệu của Mỹ), Việt Nam đề nghị phía Mỹ tạm hoãn áp thuế trong lúc chờ đàm phán. Việt Nam chủ động bằng con đường ngoại giao để hài hòa lợi ích và coi đây là chìa khóa then chốt để tháo gỡ.
Phản ứng rất nhanh, tối 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, qua cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo khẳng định mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác song phương, vì lợi ích hai nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Hai nhà lãnh đạo cùng đánh giá quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực.
Hai nhà lãnh đạo cùng trao đổi các biện pháp để tiếp tục thúc đẩy việc giao thương. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Tổng Bí thư cũng đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ cùng trao đổi để sớm ký một thỏa thuận song phương giữa hai nước để cụ thể hóa những cam kết trên.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty cổ phần Caseamex, Khu công nghiệp Trà Nóc, Cần Thơ - Ảnh: TTXVN
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm trân trọng mời Tổng thống Donald Trump và phu nhân sớm thăm lại Việt Nam. Tổng thống Trump vui vẻ nhận lời và bày tỏ mong muốn sớm gặp lại Tổng Bí thư Tô Lâm.
Ngay sau đó, Tổng thống Trump đã đăng 1 status trên mạng Truth Social: “Tôi vừa có cuộc gọi rất hữu hiệu với Tô Lâm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, người đã nói với tôi rằng Việt Nam muốn cắt giảm thuế quan xuống mức "O" nếu họ có thể đạt được thỏa thuận với Mỹ. Tôi đã thay mặt nước Mỹ cảm ơn ông và mong sẽ có cuộc gặp sớm".
Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam cũng phản ứng rất nhanh, đã tổ chức ngay 2 cuộc họp với Thường trực Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương để đánh giá tình hình, tác động từ chính sách thuế của Mỹ, đưa ra các giải pháp thích ứng.
Tại cuộc họp ngày 6.4, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phản ứng chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với tình hình bên ngoài; tình hình càng khó khăn càng phải giữ vững bình tĩnh, bản lĩnh, kiên định, tự tin, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội. Thủ tướng lưu ý, Bộ Ngoại giao tích cực thu xếp để đoàn đàm phán của Việt Nam gặp các đầu mối quan trọng của phía Mỹ; cùng Bộ Công Thương tiếp tục giao thiệp để phía Mỹ tạm hoãn áp thuế trong lúc chờ đàm phán.
Tích cực hơn, tối 5.4, chuyên cơ Vietjet do Ngân hàng HDBank tổ chức với sự tham gia của gần 200 doanh nhân Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, hàng không, năng lượng, công nghệ và xuất nhập khẩu cũng vừa hạ cánh xuống Washington, để kết nối giao thương.
Ngay trong đêm 5.4, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng tổ công tác của chính phủ cũng đã lên đường công tác tại Mỹ. Đoàn đàm phán với đối tác Mỹ trên tinh thần sẵn sàng đưa mức thuế về 0% đối với hàng hóa nhập từ Mỹ theo tinh thần điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo: Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Trump.
Kỷ nguyên của toàn cầu hóa dựa trên luật lệ và thương mại tự do đã kết thúc
Mức thuế cơ bản 10% áp vào một nửa nền kinh tế thế giới đánh dấu sự kết thúc của hệ thống thuế quan dựa trên thương lượng kể từ sau Thế chiến thứ II. “Đây là hành động thương mại đơn phương lớn nhất trong đời chúng ta”, bà Kelly Ann Shaw, luật sư thương mại của hãng Hogan Lovells và cựu cố vấn thương mại Nhà Trắng trong chính quyền Trump nhiệm kỳ đầu tiên, đánh giá. Bà Shaw cho rằng các mức thuế này có thể thay đổi theo thời gian, khi các quốc gia cố gắng đàm phán với Mỹ để có mức thuế thấp hơn.
Và đúng với ý đồ của Tổng thống Trump. "Mọi quốc gia đều gọi cho tôi... Chúng ta ở vị trí làm chủ tình hình", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các nhà báo ngày 3.4. Ông Trump còn nói rằng, quyết định áp thuế khiến Mỹ ở vị trí làm chủ tình hình và nhấn mạnh thuế giảm hay không phụ thuộc vào những gì các đối tác mang lại cho Mỹ.
Và đúng như vậy, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết trên chương trình "Meet the Press" của NBC News hôm 6.4, hiện đã có hơn 50 nền kinh tế đề nghị khởi động đàm phán với Mỹ.
Trong bức thư gửi cho người dân Singapore sau khi Mỹ áp thuế đối ứng, Thủ tướng Lawrence Wong bày tỏ rằng thế giới đang thay đổi theo những cách bất lợi cho các nền kinh tế nhỏ và mở như Singapore, dù Mỹ chỉ áp dụng bậc thuế cơ bản thấp nhất với mức thuế 10%. Ông nhấn mạnh: Thuế đối ứng của Mỹ đánh dấu một sự thay đổi lớn trong trật tự toàn cầu. Kỷ nguyên của toàn cầu hóa dựa trên luật lệ và thương mại tự do đã kết thúc.
Thủ tướng Lawrence Wong nhận định: “Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới - một giai đoạn tùy tiện hơn, bảo hộ hơn và nguy hiểm hơn. Trong nhiều thập kỷ, Mỹ là nền tảng cho các nền kinh tế thị trường tự do trên thế giới. Nước này đã ủng hộ thương mại tự do và dẫn dắt nỗ lực xây dựng một hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc và chuẩn mực rõ ràng, nơi các quốc gia có thể đạt được lợi ích đôi bên thông qua thương mại. Hệ thống khung của WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) đã mang lại sự ổn định và thịnh vượng chưa từng có cho thế giới cũng như chính nước Mỹ”.
“Singapore và nhiều nước khác từ lâu đã kêu gọi cải cách để cập nhật các quy tắc và cải thiện hệ thống WTO. Nhưng điều Mỹ đang làm bây giờ không phải là cải cách - mà là từ bỏ hoàn toàn hệ thống mà họ đã tạo ra”.
Thủ tướng Singapore cho rằng, nếu các quốc gia khác noi gương Mỹ, từ bỏ WTO và chỉ giao dịch theo điều kiện riêng của họ, điều đó sẽ gây rắc rối cho tất cả các nước, đặc biệt là những nước nhỏ như Singapore. Chúng ta có nguy cơ bị gạt ra ngoài lề, bị cô lập và bỏ lại phía sau. Thương mại và đầu tư quốc tế sẽ chịu thiệt hại, và tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại.
“Chúng ta phải nhìn nhận rõ ràng về những nguy cơ đang gia tăng trên thế giới. Các tổ chức toàn cầu đang suy yếu, các chuẩn mực quốc tế đang xói mòn…. Đây là thực tế khắc nghiệt… và phải chuẩn bị cho những cú sốc tiếp theo” - Thủ tướng Lawrence Wong nhìn thẳng vào sự thật.
Theo The Times, ngày 7.4, Thủ tướng Anh Keir Rodney Starmer sẽ có bài phát biểu thừa nhận kỷ nguyên toàn cầu hóa đã kết thúc.
Thuế đối ứng Mỹ là con dao hai lưỡi
Công thức tính thuế đối ứng của chính quyền Tổng thống Donald Trump do Đại diện thương mại Mỹ (USTR) công bố, lấy thâm hụt thương mại của Mỹ với từng quốc gia chia cho số lượng hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ quốc gia đó. Các con số sau đó được làm tròn để đưa ra giá trị thuế quan cuối cùng.
Theo Financial Times, các nhà kinh tế cho rằng, phương pháp của USTR sai nghiêm trọng về mặt kinh tế và sẽ không thành công trong mục tiêu đã nêu là “đẩy thâm hụt thương mại song phương về mức 0”.
Thực tế, thuế đối ứng Mỹ là con dao hai lưỡi. Các công ty Mỹ đã mất hàng ngàn tỉ USD giá trị trên thị trường chứng khoán vào ngày 3.4, sau khi Mỹ áp thuế quan toàn diện đối với hàng nhập khẩu nước ngoài.
Chỉ số tại các thị trường chứng khoán lớn tại châu Á sáng 7.4 giảm 6 - 9%, riêng Đài Loan phải dừng giao dịch khi cổ phiếu TSMC, Foxconn mất gần 10%. Chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) hiện giảm 6,3%. Topix (Nhật Bản) mất 7%. Tại Hàn Quốc, Kospi đi xuống 4,5%. S&P/ASX 200 của Australia mất 6% ngay khi mở cửa. Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng lao dốc. Chỉ số Shanghai Composite hiện giảm 5,5% - mạnh hơn đầu phiên; Hang Seng Index (Hong Kong) mất gần 9%.
Tại Đài Loan, cơ quan quản lý chứng khoán sáng 7.4 phải kích hoạt cơ chế ngắt mạch giao dịch, sau khi thị trường ghi nhận mức giảm 9,7%, tiến sát ngưỡng 10% để ngắt mạch theo quy định. Thị trường Đài Loan đi xuống do các cổ phiếu hàng đầu là TSMC và Foxconn sáng nay giảm lần lượt 10% và 9,8%. Đài Loan cũng là một trong các đối tác thương mại lớn của Mỹ, bị áp thuế đối ứng 32%.
Thị trường Mỹ phải chịu tác động lớn, bởi TSMC hiện là hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới và nhà cung cấp hàng đầu cho các công ty phần cứng lớn của Mỹ. Trong khi đó, khoảng 90% iPhone của Apple được lắp ráp tại Trung Quốc bởi đối tác Foxconn. Trung Quốc bị áp thuế đối ứng 34%, nâng mức thuế bổ sung mà nước này phải chịu kể từ khi ông Trump nhậm chức lên 54%, thì giá hàng loạt sản phẩm của Apple gia công tại Trung Quốc bị ảnh hưởng lớn.
Giá nhiều loại trái cây và rau quả tươi bị ảnh hưởng tại Mỹ bởi mức thuế cao. Các mặt hàng như chuối nhập khẩu từ một số quốc gia Mỹ Latinh; cà phê (với khoảng 80% lượng tiêu thụ tại Mỹ) đến từ hàng nhập khẩu; gạo, tôm Thái Lan, Ấn Độ; dầu ôliu và rượu từ Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp... đồng loạt tăng giá - theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Giá xe hơi cũng có thể tăng cao. Theo Phòng thí nghiệm ngân sách của Đại học Yale (Mỹ), các mức thuế mới có thể khiến chi phí quần áo và dệt may tại Mỹ tăng 17%, gây thiệt hại trung bình 3.800USD/năm cho mỗi hộ gia đình, dẫn đến cắt giảm chi tiêu.
Mức thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Trump đã khiến tổng thuế suất tích lũy của Mỹ tăng lên khoảng 22%, đánh dấu đợt tăng thuế lớn nhất của nước này kể từ năm 1968 - theo Ngân hàng JPMorgan.
Tesla đã mất 11 tỉ USD, tỷ phú Elon Musk lên tiếng
Trên mạng xã hội X sáng 5.4, tỷ phú Elon Musk đã đưa ra những lời công kích rõ ràng nhằm vào ông Peter Navarro - cố vấn thương mại của Tổng thống Donald Trump - về đoạn video ông Navarro giải thích lý lẽ của Washington trong việc áp thuế đối ứng trên đài CNN.
“Có bằng tiến sĩ kinh tế của Đại học Harvard là điều tồi tệ, không phải điều tốt. Nó khiến cái tôi lớn hơn so với năng lực”, Elon Musk viết.
“Ông ta (cố vấn Navarro) chẳng làm được cái gì cả”, Elon Musk viết, sau khi một người dùng X bình luận bênh vực nhà kinh tế này. Elon Musk nóng ruột khi nhà điều hành Tesla đã mất 11 tỉ USD vì thị trường tài chính lao dốc sau lệnh áp thuế đối ứng của ông Trump. Đơn giản vì Tesla bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi phụ thuộc vào nguồn linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc. Trước đó Elon Musk vẫn giữ im lặng trước chính sách thuế đối ứng của ông Trump.
Nhưng bình luận của ông Musk về ông Navarro, dường như gián tiếp thể hiện sự không hài lòng của ông với chính sách thuế quan của Tổng thống Trump.
Tại hội nghị trực tuyến hôm 5.4 của đảng Liên đoàn cánh hữu ở Ý, tỷ phú Elon Musk bày tỏ quan điểm: "Tôi hy vọng Mỹ và châu Âu có thể nhất trí đi theo hướng mà tôi cho lý tưởng, đó là mức thuế quan 0%. Điều này đồng nghĩa tạo ra khu vực thương mại tự do giữa châu Âu và Bắc Mỹ". Trong khi Ý và EU bị áp thuế 20%, phát biểu này của ông Musk - đồng minh thân cận của ông Trump trong chính phủ Mỹ - cho thấy tỷ phú này phản ứng rõ ràng về chính sách thuế đối ứng của Mỹ.
Vĩnh Hy
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/thue-doi-ung-cua-my-trat-tu-thuong-mai-the-gioi-bi-pha-vo-ky-nguyen-toan-cau-hoa-ket-thuc-231276.html