Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thể hiện lập trường cứng rắn về thuế quan. (Ảnh minh họa: Reuters/Getty/Shutterstock)
Khó khăn của Hàn Quốc và Nhật Bản
Vào ngày 7/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi thư thông báo thuế đối ứng cho 14 nước, bao gồm cả Hàn Quốc và Nhật Bản.
Cả hai quốc gia châu Á đều phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đang chịu ảnh hưởng đáng kể từ thuế quan mà Mỹ đánh vào ô tô và thép. Thuế quan đối ứng sẽ gia tăng áp lực kinh tế giữa lúc hai nước đều đang chật vật với đà tăng trưởng giảm tốc.
Đặc biệt, Nhật Bản nhiều khả năng sẽ rơi vào suy thoái kỹ thuật, tức GDP tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp. Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều chứng kiến GDP quý I sụt giảm so với quý liền trước, tờ CNBC cho hay.
Theo các lá thư mà Tổng thống Trump đăng tải trên mạng xã hội, hàng hóa từ Hàn Quốc nhập khẩu vào Mỹ vẫn đối mặt với mức thuế 25% như trước. Tuy nhiên, thuế quan đề xuất đối với hàng hóa Nhật Bản đã tăng 1 điểm % lên 25%.
Lĩnh vực xuất khẩu - bao gồm cả dịch vụ - đóng góp cho khoảng 22% GDP Nhật Bản và 44% GDP Hàn Quốc trong năm 2023, theo dữ liệu mới nhất từ World Bank.
Hiện tại, ô tô và phụ tùng nhập khẩu vào Mỹ đang phải chịu mức thuế 25%, trong khi thép và nhôm bị áp thuế 50%.
Ô tô là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản sang Mỹ và cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Hàn Quốc.
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng là nước xuất khẩu thép lớn thứ 4 sang Mỹ trong năm 2024, theo dữ liệu từ Cục Quản lý Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ.
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết Tokyo sẽ tích cực tìm kiếm cơ hội đạt thỏa thuận thương mại “có lợi cho cả đôi bên”, đồng thời vẫn bảo vệ được lợi ích quốc gia. Hồi tháng 5, ông Ishiba tuyên bố sẽ không chấp nhận thỏa thuận nếu Mỹ không dỡ bỏ thuế quan với ô tô.
Ông Norihiro Yamaguchi, nhà kinh tế trưởng về Nhật Bản tại Oxford Economics, ước tính thuế quan đối ứng 25% sẽ khiến GDP Nhật Bản giảm 0,1 điểm % vào cuối năm 2026.
Ông chia sẻ với CNBC: “Nền kinh tế Nhật Bản đang phải vật lộn với thuế quan đánh vào ô tô, mức độ bất ổn cao trong chính sách thương mại toàn cầu và tiêu dùng yếu. Do đó, tác động từ thuế quan đối ứng của Mỹ không thể bị xem thường”.
Vị chuyên gia nhận định nền kinh tế Nhật Bản sẽ trì trệ trong nửa cuối năm 2025 và nửa đầu năm 2026. Trong trường hợp xấu hơn, nước này sẽ rơi vào suy thoái.
Đối với Nhật Bản, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Trong năm 2024, Nhật Bản xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng hóa trị giá gần 146 tỷ USD.
Trong năm đó, Hàn Quốc xuất sang Mỹ 127,8 tỷ USD hàng hóa. Đối với Hàn Quốc, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai.
Hồi tháng 5, ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2025 xuống 0,8%, thấp hơn gần một nửa so với ước tính họ đưa ra vào tháng 2 là 1,5%. Số liệu mới phản ánh môi trường thuế quan căng thẳng hơn trước, BoK giải thích.
BoK chỉ ra: “Nhu cầu nội địa phục hồi chậm hơn so với dự kiến, trong khi đó lĩnh vực xuất khẩu nhiều khả năng sẽ giảm tốc vì tác động từ thuế quan của Mỹ”.
Ông Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng về châu Á tại HSBC, nói với CNBC rằng nếu Nhật Bản và Hàn Quốc không đạt được thỏa thuận với Mỹ, thuế quan đối ứng sẽ gây ra “lực cản đáng kể” tới tăng trưởng. Trong khi đó, cả hai nước này đều đang đối mặt với nhu cầu tiêu dùng trong nước trì trệ.
Tiến triển đàm phán của hai nước
Ông Vishnu Varathan, Giám đốc điều hành tại Mizuho Securities, nhận xét Mỹ đang sử dụng chiến lược gây sức ép lên Nhật Bản và Hàn Quốc.
Vị chuyên gia chỉ ra: “Nhật Bản theo đuổi cách tiếp cận toàn diện và có nguyên tắc trong quá trình đàm phán thương mại (muốn giải quyết cả thuế quan theo ngành). Điều đó khiến thỏa thuận bị trì hoãn, làm phật ý các nhà đàm phán thương mại của Mỹ và đặc biệt là ông Trump”.
Chủ nhân Nhà Trắng chưa công khai thể hiện sự tức ghận với Hàn Quốc. Tuy nhiên, ông Varathan cho biết: “Không khó để tưởng tượng rằng giữa hai bên cũng tồn tại những điểm bất đồng tương tự như trường hợp của Nhật Bản, khiến Hàn Quốc cũng bị gửi thư báo thuế quan”.
Trong ngày 7/7, ông Trump phát tín hiệu có thể trì hoãn hạn chót áp thuế đối ứng sau ngày 1/8 và tiếp tục điều chỉnh mức thuế. Ông cũng gợi ý sẽ đánh giá cao các quốc gia tiếp tục đưa ra các nhượng bộ mới.
Tuy nhiên, ngày hôm sau Tổng thống Mỹ lại thể hiện lập trường cứng rắn hơn, tuyên bố sẽ không lùi hạn chót thêm nữa. Ông cũng thông báo sẽ áp thuế 50% đối với đồng và dọa áp thuế lên tới 200% đối với các loại dược phẩm nhập khẩu.
Giang