'Thuế đối ứng Mỹ ảnh hưởng đến dự định của TP.HCM'

'Thuế đối ứng Mỹ ảnh hưởng đến dự định của TP.HCM'
9 ngày trướcBài gốc
Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, việc áp thuế cao sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch hoàn thành chỉ tiêu đặt ra và mức độ phát triển của TP. Ảnh: Thuận Văn/PLO.
Sáng 9/4, UBND TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Tăng trưởng kinh tế TP.HCM trước tác động chính sách thuế quan mới của Mỹ".
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được bày tỏ lo ngại trước thông tin Mỹ bất ngờ áp thuế lên hàng hóa từ 60 quốc gia, trong đó Việt Nam nằm trong nhóm chịu mức thuế cao nhất, lên tới 46%.
Ông nhấn mạnh với vai trò là đầu tàu kinh tế cả nước, việc Mỹ áp thuế cao sẽ ảnh hướng lớn đến TP và những dự định phát triển đã đề ra trong năm nay.
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Được, khi hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt sang thị trường Mỹ, giảm sức cạnh tranh do giá tăng, mục tiêu tăng trưởng 8,5% mà Chính phủ giao cho TP.HCM sẽ gặp nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi TP phải nhanh chóng phân tích, đánh giá toàn diện tác động chính sách và xây dựng giải pháp ứng phó hiệu quả nhằm giữ vững đà tăng trưởng.
Ông cũng khẳng định TP.HCM luôn cầu thị và sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp từ giới chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp nhằm tìm ra các kịch bản ứng phó hiệu quả và định hướng chiến lược phát triển phù hợp trong giai đoạn đầy thách thức này.
Tại hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM Trương Minh Huy Vũ đã đưa ra một số phân tích cụ thể về tác động của mức thuế đối ứng 46%.
Theo ông, mức thuế này khiến các mặt hàng chủ lực của TP.HCM vào thị trường Mỹ giảm sút khả năng cạnh tranh, trong khi các quốc gia đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Trung Quốc (34%), Ấn Độ (26%), Thái Lan (37%)... lại có mức thuế thấp hơn. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu, mà còn gây khó khăn cho quá trình thu hút dòng vốn FDI.
Ông Vũ cho biết khi chi phí xuất khẩu tăng, nhiều doanh nghiệp FDI có thể chuyển hướng đầu tư sang các quốc gia có quan hệ thương mại ổn định hơn với Mỹ.
Về lâu dài, ông Vũ nhận định dòng vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất tại TP.HCM có nguy cơ chững lại, đồng thời việc duy trì các khoản đầu tư hiện hữu cũng trở nên khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao và khả năng tiếp cận thị trường Mỹ bị thu hẹp.
Bên cạnh đó, tỷ giá hối đoái có thể chịu thêm sức ép, khi Việt Nam cần gia tăng nhập khẩu từ Mỹ để thu hẹp thặng dư thương mại. Một số ngành có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề, bao gồm: dệt may, đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ, nông - thủy sản, điện tử và linh kiện…
Trước những biến động đó, Viện Nghiên cứu phát triển TP đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng. Trong đó, kịch bản bi quan nhất là mức thuế quan 46% được giữ nguyên, kịch bản trung bình là đạt được đàm phán giảm xuống còn 25% và kịch bản lạc quan là căng thẳng thương mại được tháo gỡ, mức thuế chỉ còn 5-15%.
Các kịch bản này đều dựa trên giả định TP.HCM chủ động thúc đẩy nội lực, tập trung vào 2 động lực chính là đầu tư và tiêu dùng. Cụ thể, tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến đạt khoảng 620.000 tỷ đồng, cùng với đó là tốc độ tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 13,4%.
Bên cạnh việc xây dựng kịch bản, các nhóm giải pháp được đưa ra bao gồm: thúc đẩy xuất nhập khẩu, tháo gỡ rào cản đối với hàng hóa nhập khẩu, phát triển mạnh thị trường nội địa, tăng cường thu hút đầu tư... nhằm thích ứng hiệu quả với tình hình mới và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của TP.HCM trong năm nay.
Liên Phạm
Nguồn Znews : https://znews.vn/thue-doi-ung-my-anh-huong-den-du-dinh-cua-tphcm-post1544473.html