Trình bày tại Diễn đàn “Xây nền cho chu kỳ tăng trưởng mới” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức hôm 8.5 vừa qua, ông Thành nói Hoa Kỳ có 4 nhóm yêu cầu đàm phán. Một là giảm mạnh thuế nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu từ Hoa Kỳ. Thực tế, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 73 ngày 31.3.2025 (hai ngày trước khi chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố áp thuế đối ứng với hàng nhập khẩu), đơn phương cắt giảm thuế nhập khẩu theo quy chế tối huệ quốc (MNC), tập trung vào nhiều loại hàng hóa mà Hoa Kỳ có lợi thế.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright. Ảnh: Dân Việt
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Trump tối 4.4.2025, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ, đồng thời đề nghị Hoa Kỳ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam... Nếu thỏa thuận đạt được theo hướng này, Việt Nam và Hoa Kỳ có thể sẽ ký một hiệp định song phương để không đi ngược lại đối xử tối huệ quốc trong thương mại hàng hóa(*) mà Việt Nam đã áp dụng trong Nghị định 73.
Yêu cầu thứ hai từ phía Hoa Kỳ là Việt Nam cam kết nhập khẩu nhiều hơn. Ngoài nông sản, máy móc thiết bị, máy bay thương mại còn có cả khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)... Nhằm thể hiện thiện chí đàm phán, Việt Nam có thể phê duyệt một vài dự án LNG cho nhà đầu tư Hoa Kỳ, bên cạnh việc nhập khẩu khí LNG dù chi phí có thể đắt hơn.
Yêu cầu then chốt thứ ba liên quan đến truyền tải hàng hóa. Cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát sát sao các cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu để đảm bảo tuân thủ quy định xuất xứ hàng hóa. Hoa Kỳ không chỉ đặc biệt quan tâm đến việc Việt Nam siết lại nhiệm vụ cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), mà còn yêu cầu hải quan Việt Nam chia sẻ hồ sơ rõ ràng về thông tin theo dõi nguồn gốc linh phụ kiện và dữ liệu soi chiếu. Doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn về thủ tục. “Một yêu cầu từ Hoa Kỳ nếu có mà Việt Nam không thể đáp ứng là hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc”, ông Thành nói Việt Nam chủ động đàm phán nhưng không gây phương hại đến đối tác khác.
Tiền tệ là nhóm yêu cầu thứ tư. Cho rằng Việt Nam điều hành tỷ giá theo hướng có lợi cho xuất khẩu, Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam điều hành tỷ giá linh hoạt hơn nhiều, đồng thời không để VND xuống giá so với đồng USD. Thậm chí, nhiều lực lượng đang vận động đoàn đàm phán Hoa Kỳ đưa ra “điều kiện rất kinh khủng mà nhiều nước trong đó có Việt Nam không thể đáp ứng”, gây sức ép lên những nước bị cáo buộc thao túng tiền tệ can thiệp vào tỷ giá theo hướng cho đồng tiền nước đó lên giá so với đồng USD. Bị báo chí truy vấn, Bộ trưởng Bộ tài chính Hoa Kỳ nói không đặt điều kiện này với các đối tác thương mại trong đợt đàm phán này.
Bên cạnh đó, nội dung đàm phán có thể còn bao gồm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tạo cơ hội đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp Hoa Kỳ và cả những những lĩnh vực không liên quan đến thương mại như hợp tác an ninh quốc phòng.
Nhìn về triển vọng đàm phán (xem hình trên), ông Thành nói kịch bản tốt nhất là Việt Nam đạt được thỏa thuận thuế suất 10%-15%, tác động tích cực đến lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ cũng như FDI vào Việt Nam. Kịch bản xấu nhất là thuế suất thuế đối ứng dao động trong khoảng 30%-35%, Việt Nam không còn là lựa chọn của những nhà đầu tư quốc tế trong chiến lược “Trung Quốc +1”. Với mức thuế suất 18% -22% theo kịch bản số 2, hàng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ suy giảm lợi thế cạnh tranh vì đắt đỏ hơn nhưng FDI không tháo chạy.
Dự đoán kịch bản xấu không xảy ra, còn kịch bản tốt phụ thuộc nhiều hơn vào mục tiêu đàm phán của phía Hoa Kỳ, ông Thành nói “thuế suất trên dưới 20% trong tầm tay” bởi Việt Nam chủ động đáp ứng đa số yêu cầu của Hoa Kỳ “trên thế mạnh chứ không phải trên thế yếu”. Phía Hoa Kỳ cũng mong muốn sớm kết thúc đàm phán. Tuy nhiên, mức thuế 20% vẫn tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả ngắn hạn và dài hạn. Các nhà đầu tư nước ngoài phải tính toán lại bởi thuế đối ứng là thuế cộng thêm vào thuế suất hiện hành mà Hoa Kỳ đang áp dụng với hàng hóa nhập khẩu vào nước này.
Thuế quan có vẻ chưa tác động nhiều đến nền kinh tế khi nhìn vào báo cáo quý I của Cục Thống kê. Chỉ tiêu GDP quý I tăng trưởng 6,9%. “Bức tranh tăng trưởng khả quan không phản ánh hết thực trạng”, ông Thành bình luận. Ở Việt Nam, tăng trưởng điện sản xuất nhiều năm qua luôn cao hơn tăng trưởng GDP. Năm 2024, điện sản xuất tăng trưởng 11,5% khi GDP đạt 7,1%. Năm 2025, ngành diện dự báo nhu cầu tăng trên 12% để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP 8%. Theo cơ quan thống kê, quý I điện sản xuất tăng 4,5% trong khi công nghiệp chế tạo tăng trưởng 9,28%.
Nhìn sang khu vực thương mại với tốc độ tăng trưởng 7,47%. Ông Thành nói báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của những chuỗi bán lẻ hàng hóa lớn ghi nhận doanh số quý I không tăng hoặc giảm: “Chỉ có vài ba doanh nghiệp đạt tăng trưởng hai con số”, ông nói.
Về đầu tư, quý I ghi nhận đầu tư nhà nước tăng mạnh (13,7). Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng 9,3%. Vốn đăng ký và giải ngân của FDI vẫn tốt nhưng nhà đầu tư có xu hướng chờ đợi tin tốt từ đoàn đàm phán. Đầu tư tư nhân tăng trưởng thấp nhất, đạt 5,5% (chưa loại bỏ lạm phát 3%).
Mục tiêu tăng trưởng 8% đòi hỏi kích cầu mạnh hơn, ở cả hai phương diện tiền tệ và tài khóa. Ảnh: Lê Nguyên Huy
Rủi ro thuế quan thách thức nỗ lực cải thiện niềm tin của người dân và doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy tiêu dùng (thương mại) và đầu tư tư nhân. Thuế đối ứng cao khiến xuất khẩu giảm, kéo theo việc làm trong khu công nghiệp giảm, thu nhập giảm, tiêu dùng giảm và ngược lại. Đây là điểm khác biệt giữa Việt Nam và nhiều nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN và Trung Quốc có lực đỡ từ tiêu dùng nội địa khi thị trường xuất khẩu thu hẹp.
Tình thế bất lợi chờ đợi phản ứng chính sách. Mục tiêu tăng trưởng 8% đòi hỏi kích cầu mạnh hơn, ở cả hai phương diện tiền tệ và tài khóa. Chính sách tiền tệ nới lỏng làm tiền đồng yếu, vướng điều kiện của Hoa Kỳ trong đàm phán thuế quan như đã nêu. Dư địa tài khóa rộng hơn. Miễn giảm thuế, tăng đầu tư công là hai động lực hỗ trợ tăng trưởng.
“Giải ngân 35 tỉ USD đầu tư công năm nay có khả năng đạt được”, ông Thành nói thuế suất thuế đối ứng ở mức 10% ít áp lực kích cầu, thuận lợi cho xuất khẩu vì Việt Nam là một trong những quốc gia chịu thuế suất thuế đối ứng thấp nhất. Việt Nam cũng “dễ nói” với Hoa Kỳ về cam kết ổn định tỷ giá, thậm chí VND lên giá trở lại so với đồng USD sau đợt mất giá 2% vừa qua. “Còn nếu thuế suất 20%, những nhà điều hành chính sách sẽ phải rất mạnh tay nới lỏng chính sách”, ông Thành nhận định.
Khuê Anh
______________________
(*) Điều 3 khoản 1 Pháp lệnh 41/2002/PL-UBTVQH10 quy định: "Đối xử tối huệ quốc trong thương mại hàng hóa" là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ một nước so với hàng hóa tương tự nhập khẩu có xuất xứ từ nước thứ ba hoặc hàng hóa xuất khẩu đến một nước so với hàng hóa tương tự xuất khẩu đến nước thứ ba”.