Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Vtc News đưa tin, theo khái niệm do Bộ GD&ĐT quy định trong Thông tư 29/2024, dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là hoạt động không do nhà trường tổ chức thực hiện. Chính vì vậy, việc dạy kèm học sinh tại nhà do giáo viên đứng lớp cũng được xếp vào hình thức dạy thêm bên ngoài nhà trường.
Trong trường hợp giáo viên dạy kèm cho học sinh có thu thu tiền thì phải đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, người dạy thêm phải đảm bảo có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.
Giáo viên dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm. Mức thu tiền dạy thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa phụ huynh với giáo viên dạy thêm.
Đồng thời, giáo viên dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền chính học sinh đang dạy ở trường.
Giáo viên là viên chức nếu vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm sẽ bị xử lý theo Nghị định 112 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, hiệu trưởng sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm để ra quyết định xử lý kỷ luật từ khiển trách, cảnh báo đến buộc thôi việc.
Ngoài ra, giáo viên có thể bị xử phạt hành chính từ 5 - 10 triệu đồng nếu dạy thêm theo hình thức kinh doanh hộ gia đình mà không đăng ký kinh doanh và từ 25 - 50 triệu đồng nếu dạy thêm theo hình thức doanh nghiệp mà không thành lập doanh nghiệp.
Đồng thời, Thông tư 29/2024 quy định nhà trường, cơ sở dạy thêm, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lí theo quy định của pháp luật.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm cũng tùy vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm thì bị xử lí theo quy định của pháp luật.
Theo Tiền phong, tại Hội nghị trực tuyến về tuyển sinh đầu cấp và thi tốt nghiệp THPT 2025, do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 28/3, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, sau một tháng rưỡi thực hiện Thông tư 29, các trung tâm có chức năng dạy thêm, học thêm ở Hà Nội, các hộ đăng ký kinh doanh tăng nhiều. Theo con số thống kê ban đầu, đến thời điểm này, Hà Nội có khoảng 15.000 trung tâm và hộ kinh doanh dạy thêm, học thêm ở Hà Nội.
Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, qua khảo sát và kiểm tra ở cấp xã, phường, mức thu phí học thêm bên ngoài dù tự nguyện nhưng lại cao hơn rất nhiều so với trước đây.
Điều khó khăn hiện nay, chúng ta chưa có chế tài xử lý vi phạm liên quan dạy thêm học thêm. Vì thế, người đứng đầu ngành giáo dục thủ đô đề nghị Bộ GD&ĐT sớm có hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Ngoài ra, cũng theo ông Cương, một vấn đề phát sinh sau hơn 1 tháng thực hiện thông tư 29 là áp lực thời gian và nguồn lực kiểm tra ở cấp xã rất khó khăn, số lượng người thực thi nhiệm vụ rất ít.
Tùy Nghi (t/h)