Thuế quan của Mỹ: Một mũi tên khó trúng nhiều đích!

Thuế quan của Mỹ: Một mũi tên khó trúng nhiều đích!
6 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Trump liên tục coi thuế quan như một công cụ gây áp lực mạnh mẽ, một 'thanh kiếm treo lơ lửng' buộc các quốc gia, doanh nghiệp hoặc ngành công nghiệp phải nhượng bộ và ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ. (Nguồn: Getty)
Với mục tiêu khôi phục sản xuất trong nước, gia tăng nguồn thu ngân sách, điều chỉnh cán cân thương mại và gây sức ép chính trị, thuế quan đang trở thành công cụ kinh tế trung tâm trong chiến lược đối ngoại và phát triển của Nhà Trắng.
“Chiếc đũa thần” cho mọi mục tiêu?
Kể từ đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông chủ Nhà Trắng liên tục nhấn mạnh vai trò của thuế quan trong chiến lược kinh tế tổng thể, với 4 mục tiêu chủ chốt: khôi phục ngành sản xuất Mỹ, tăng thu ngân sách, cân bằng cán cân thương mại và gây áp lực buộc các nước điều chỉnh chính sách theo hướng có lợi cho Mỹ.
Theo CNN, với quan điểm coi thuế quan là “liều thuốc trị bách bệnh”, ông Trump từng khẳng định có thể vừa tạo ra việc làm, vừa giảm nợ công, đồng thời buộc các đối tác nhượng bộ trong đàm phán mà không gây ra lạm phát đáng kể.
Trong những tháng đầu kể từ khi Tổng thống Trump tái đắc cử, một số công ty đã công bố kế hoạch đầu tư vào nhà máy tại Mỹ, nguồn thu thuế quan đạt hàng chục tỷ USD mỗi tháng, thâm hụt thương mại trong tháng 4/2025 bị cắt giảm một nửa. Một số nước cũng đã chịu ngồi vào bàn đàm phán khi Mỹ đe dọa áp thuế nặng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thành quả ban đầu chỉ là những tác động “sốc ban đầu” ngắn hạn khi doanh nghiệp và người tiêu dùng phải nhanh chóng thích nghi với mức thuế mới.
Giấc mộng "Made in USA”
Một trong những khẩu hiệu nổi bật của ông chủ Nhà Trắng là cam kết “mở cửa lại các nhà máy Mỹ”. Để làm được điều đó, ông chủ trương cắt giảm thuế nội địa và tăng thuế đối với hàng nhập khẩu.
Những động thái đánh thuế ban đầu đã mang lại một vài “lợi thế truyền thông”: Apple công bố kế hoạch đầu tư 500 tỷ USD vào sản xuất tại Mỹ, GE Appliances tuyên bố sẽ rót nửa tỷ USD để chuyển nhà máy từ Trung Quốc về Mỹ nhằm sản xuất máy giặt, General Motors thông báo sẽ đầu tư 4 tỷ USD để tăng sản lượng sản xuất tại nội địa. Một số công ty khác cũng đưa ra cam kết tương tự.
Thực tế, việc xây dựng nhà máy mới ở Mỹ phải mất nhiều năm và đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề.
Bộ Lao động Mỹ cho biết, có hơn 400.000 vị trí việc làm ngành sản xuất không tuyển được đủ người.
Bên cạnh đó, chi phí nhân công ở Mỹ cao khiến giá thành sản phẩm cũng đội lên, ví dụ giá một chiếc iPhone có thể vượt 3.000 USD nếu sản xuất tại Mỹ.
Ngày 2/4, Tổng thống Trump công bố khái niệm “thuế quan đối ứng”. (Nguồn: CNN)
Chính quyền Tổng thống Mỹ mong muốn nhiều hơn
CNN chỉ ra mâu thuẫn nội tại trong cách sử dụng thuế quan của Tổng thống Mỹ. Nếu mục tiêu là buộc các nước nhượng bộ, thì khi đạt được thỏa thuận, Mỹ lại phải gỡ bỏ thuế, làm giảm nguồn thu.
Ở chiều ngược lại, muốn khuyến khích sản xuất nội địa, thì hàng hóa Mỹ sẽ không bị đánh thuế, điều này cũng sẽ khiến nguồn thu quốc nội giảm.
Phần lớn các nhà kinh tế đồng thuận rằng, thâm hụt thương mại không phải là trợ cấp hay thua lỗ, mà có thể phản ánh một nền kinh tế mạnh.
Dù vậy, chính quyền Tổng thống Trump mong muốn nhiều hơn, bởi nếu cán cân thương mại tiếp tục thâm hụt, điều đó có thể là dấu hiệu cho thấy sức mua của người dân tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đang suy giảm.
Các biện pháp thuế quan ban đầu của ông chủ Nhà Trắng đã có tác động đáng kể.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại hàng hóa giảm mạnh từ khoảng 130 tỷ USD trong tháng Tư xuống còn 60 tỷ USD vào tháng 5/2025.
Nguyên nhân chủ yếu là các mức thuế lên tới 145% đối với hàng hóa từ Canada đã chặn dòng hàng Trung Quốc vào Mỹ.
Tuy nhiên sau đó, khoảng cách thương mại lại nới rộng trở lại do Washington giảm thuế với hàng của Bắc Kinh và các nước khác cắt giảm nhập khẩu hàng Mỹ.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng Torsten Slok từ Apollo Global Management, chính phủ liên bang thu khoảng 3.000 tỷ USD mỗi năm từ thuế thu nhập và Mỹ cũng nhập khẩu khoảng 3.000 tỷ USD hàng hóa mỗi năm.
Ông Torsten Slok cho rằng, điều này đồng nghĩa thuế quan sẽ phải ở mức ít nhất 100% với toàn bộ hàng nhập khẩu để thay thế thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, khi giá hàng hóa tăng, nhu cầu tiêu dùng sẽ giảm. Do đó, chuyên gia Torsten Slok ước tính, mức thuế có thể cần lên tới 200% để bù đắp toàn bộ nguồn thu từ thuế thu nhập hiện nay.
CNN dẫn số liệu của Bộ Tài chính Mỹ cho hay, từ khi ông Trump lên nắm quyền, chính phủ mới chỉ thu được dưới 100 tỷ USD từ thuế quan - con số quá nhỏ so với thâm hụt ngân sách hàng nghìn tỷ USD ở thời điểm hiện tại.
Về lâu dài, thuế quan khó có thể thu hẹp đáng kể khoảng cách thương mại của Mỹ. Lý do là nhiều quốc gia sản xuất hàng hóa với chi phí thấp hơn và nhiều sản phẩm không thể sản xuất hoặc nuôi trồng tại đất nước này.
Đòn bẩy đến các cuộc thương lượng
Tổng thống Trump liên tục coi thuế quan như một công cụ gây áp lực mạnh mẽ, một “thanh kiếm treo lơ lửng” buộc các quốc gia, doanh nghiệp hoặc ngành công nghiệp phải nhượng bộ và ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ.
CNN đưa ra một ví dụ điển hình mới đây là việc Canada bất ngờ hủy bỏ kế hoạch áp thuế dịch vụ kỹ thuật số, vốn dự kiến có hiệu lực trong thời gian tới.
Trước đó, ông chủ Nhà Trắng đã công khai chỉ trích loại thuế này vì cho rằng nó ảnh hưởng tiêu cực đến các tập đoàn công nghệ của nền kinh tế lớn nhất thế giới hoạt động tại Canada. Ông đe dọa sẽ chấm dứt các cuộc đàm phán thương mại song phương và áp đặt mức thuế mới đối với hàng hóa Canada.
Trước sức ép này, Ottawa đã lùi bước, tuyên bố rút lại sắc thuế và sẵn sàng quay lại bàn đàm phán.
Tuy vậy, chiến thuật này không phải lúc nào cũng mang lại kết quả. Việc áp thuế cao vẫn không ngăn chặn được dòng chảy của fentanyl vào nước Mỹ.
Tương tự, lời đe dọa đánh thuế cũng không khiến Apple đưa dây chuyền sản xuất iPhone trở lại Mỹ, Hollywood gia tăng sản xuất phim tại Los Angeles, hay các hãng xe Mỹ đóng cửa nhà máy tại Canada và Mexico.
Mặt khác, khi các đối tượng bị áp thuế chấp nhận yêu cầu thì chính quyền của Tổng thống Trump lại phải dỡ bỏ các mức thuế đã ban hành, điều này đi ngược lại với mục tiêu tăng thu ngân sách từ thuế quan.
Chiến lược thuế quan của Tổng thống Donald Trump vừa mang tính thử nghiệm chính sách vừa phản ánh tư duy kinh tế mang màu sắc riêng. Dù có thể đem lại một số lợi ích ngắn hạn, song để đạt được các mục tiêu dài hạn - từ phục hồi sản xuất đến tăng thu ngân sách - cần nhiều giải pháp tổng thể và phối hợp chính sách đồng bộ hơn là chỉ trông đợi vào thuế quan.
(theo CNN)
Việt Hoàng
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/thue-quan-cua-my-mot-mui-ten-kho-trung-nhieu-dich-320281.html