Thuế quan của Tổng thống Trump đẩy Mỹ ra ngoài hệ thống thương mại toàn cầu?

Thuế quan của Tổng thống Trump đẩy Mỹ ra ngoài hệ thống thương mại toàn cầu?
4 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh tại Nhà Trắng ở Washington ngày 31/1/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo tờ The New York Times, cuối tuần qua, Tổng thống Trump đã khởi động những động thái mà có thể trở thành một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Trong khi đó, ngày càng nhiều quốc gia đang thiết lập các quan hệ kinh tế riêng mà không có sự tham gia của Mỹ. Nếu Mỹ dựng hàng rào thương mại cao hơn, thì các nước khác lại đang hạ thấp rào cản thương mại.
Chỉ trong hai tháng qua, Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết ba thỏa thuận thương mại mới.
Sau 25 năm đàm phán, EU đã đạt được một thỏa thuận quan trọng với bốn quốc gia Nam Mỹ vào tháng 12/2024 để tạo ra một trong những khu vực thương mại lớn nhất thế giới, kết nối các thị trường với 850 triệu người.
Hai tuần sau, EU ký thỏa thuận với Thụy Sĩ. Đến tháng trước, khối này tiếp tục củng cố quan hệ thương mại với Mexico. Ngoài ra, sau 13 năm gián đoạn, EU đã nối lại các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do với Malaysia.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ: “Với châu Âu, những gì bạn thấy là những gì bạn nhận được. Chúng tôi tuân thủ các quy tắc. Các thỏa thuận của chúng tôi không có điều khoản ẩn”.
Ngày 1/2, ông Trump đã ra lệnh áp thuế 25% đối với Mexico và Canada - hai quốc gia là đối tác trong khối thương mại mà chính ông đã ký kết trong nhiệm kỳ đầu tiên - và áp thuế 10% đối với Trung Quốc. Đến cuối ngày 3/2, thuế quan đối với hàng hóa Mexico và Canada đã bị hoãn một tháng, nhưng ông Trump tuyên bố rằng châu Âu sẽ là mục tiêu tiếp theo.
Theo The New York Times, tất nhiên, không thể bỏ qua nền kinh tế lớn và mạnh nhất hành tinh. Nhưng ít nhất, đôi khi, các quốc gia có thể né tránh Mỹ.
Thông qua trừng phạt các đồng minh bằng thuế quan, ông Trump đang khuyến khích các quốc gia khác hình thành các khối và mạng lưới thương mại không có Mỹ.
Tháng trước, Indonesia trở thành quốc gia thứ 10 gia nhập BRICS - nhóm bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, được thành lập vào năm 2009. Câu lạc bộ kinh tế này hiện chiếm một nửa dân số thế giới và hơn 40% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu. Có thêm 8 quốc gia khác, bao gồm Bolivia, Thái Lan, Kazakhstan và Uganda, đang trên lộ trình trở thành thành viên chính thức.
Vào tháng 5 tới đây, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên sẽ gặp gỡ sáu quốc gia Trung Đông thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Nước chủ nhà của hội nghị là Malaysia đã mời Trung Quốc tham dự.
Trung Quốc cũng đang chuẩn bị cập nhật hiệp định thương mại tự do với ASEAN, trong đó có Campuchia, Philippines, Indonesia và Việt Nam. Đồng thời, thương mại và đầu tư giữa ASEAN với Ấn Độ đang ngày càng mở rộng.
Anh vừa chính thức tham gia một quan hệ đối tác thương mại mới. Vào tháng 12/2024, nước này gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Anh cũng đang tìm cách cải thiện quan hệ kinh tế căng thẳng với EU.
Quan chức Brazil và Mexico đã thảo luận về việc mở rộng các thỏa thuận thương mại.
Chuyên gia Jacob F. Kirkegaard, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Brussels, nhận định: “Nền kinh tế toàn cầu ngày càng có xu hướng hình thành các mối quan hệ thương mại ngày càng sâu rộng mà không có sự tham gia của Mỹ”.
Ông cho rằng xu hướng này không nhất thiết là mong muốn của bất kỳ ai, nhưng đây là phương án “tốt thứ hai” trong bối cảnh Mỹ từ chối một trật tự kinh tế mở hơn. Ông lưu ý rằng xu hướng gia tăng số lượng các khối thương mại, như giữa EU và các quốc gia Nam Mỹ, sẽ giúp các nước tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Những động thái đơn phương và bảo hộ mới nhất của ông Trump đã đẩy nhanh một xu hướng vốn đã bắt đầu từ trước.
Trong vài thập kỷ qua, các động thái chống toàn cầu hóa đã dần dần gia tăng. Các nhà máy chuyển đến những quốc gia có chi phí lao động thấp hơn, nông dân phải đối mặt với cạnh tranh gia tăng, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã đe dọa hệ thống tài chính toàn cầu.
Năm 2016, người dân Anh, không hài lòng với những quy định chung của 27 quốc gia thành viên khác trong EU, đã bỏ phiếu rời khỏi khối này. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump phản đối nhiều thể chế và thỏa thuận như Tổ chức Thương mại Thế giới, các hiệp ước về khí hậu và các đối tác thương mại tại khu vực Thái Bình Dương vì có thể hạn chế quyền hành của ông.
Cùng lúc đó, sức mạnh kinh tế toàn cầu cũng đang thay đổi. Trung Quốc đã vươn lên thành một siêu cường kinh tế. Không chỉ chiếm hơn 30% sản lượng sản xuất toàn cầu, Trung Quốc còn dẫn đầu thế giới trong sản xuất các phương tiện điện, pin và tấm pin mặt trời giá rẻ.
Các tuyến đường thương mại và mạng lưới khu vực giữa các đồng minh phát triển nhanh hơn sau khi đại dịch COVID-19 phơi bày điểm yếu của chuỗi cung ứng, Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, còn quan hệ Mỹ - Trung xấu đi.
Những thay đổi lớn nhất trong thương mại diễn ra ở châu Á. Theo báo cáo mới từ HSBC Global Research, gần 60% thương mại của khu vực này diễn ra trong nội bộ châu Á. Một nửa trong số các hành lang thương mại phát triển nhanh nhất thế giới nằm tại đây. Năm 2023, xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước ASEAN đã vượt Mỹ.
Thương mại của Trung Quốc với khu vực Mỹ Latinh - đặc biệt là Brazil - đang gia tăng.
Ấn Độ đang khẳng định vị thế cường quốc kinh tế toàn cầu. Năm 2022, nước này vượt Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Theo báo cáo mới của Viện Toàn cầu McKinsey, thương mại của Ấn Độ mở rộng với nhiều quốc gia thuộc các nhóm địa chính trị khác nhau.
Ấn Độ đang trên đà trở thành nước xuất khẩu hàng đầu về dịch vụ kỹ thuật số - lĩnh vực không chịu thuế quan. Ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia từ châu Âu, Australia và Nhật Bản mở các trung tâm vận hành tại đây.
Các quốc gia vùng Vịnh như Saudi Arabia và UAE cũng đang chuyển hướng sang Ấn Độ và Trung Quốc, tăng xuất khẩu năng lượng để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng. Hơn 70% tổng xuất khẩu dầu khí vùng Vịnh đang đến châu Á.
Thương mại toàn cầu vẫn đang phát triển, nhưng đang được tái cấu trúc.
Ông Kirkegaard nhận xét: “Đây không phải là những năm 1930” - ám chỉ cuộc chiến thương mại và khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng do Mỹ gây ra với Đạo luật thuế quan Smoot-Hawley.
Ông nói: “Đây không phải là kết thúc của hệ thống thương mại toàn cầu. Đây là quá trình chuyển đổi thành một hệ thống thương mại toàn cầu khác”.
Thùy Dương/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/thue-quan-cua-tong-thong-trump-day-my-ra-ngoai-he-thong-thuong-mai-toan-cau-20250204174513438.htm