Thuế quan của Tổng thống Trump giáng đòn vào các cảng nhộn nhịp nhất nước Mỹ

Thuế quan của Tổng thống Trump giáng đòn vào các cảng nhộn nhịp nhất nước Mỹ
6 giờ trướcBài gốc
Hàng hóa Trung Quốc được xếp tại cảng Long Beach, Los Angeles, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ The Washington Post ngày 11/5, cảng này là tuyến đầu trong cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump. Số lượng container cập cảng container lớn nhất nước Mỹ trong tuần qua đã giảm khoảng 1/3 so với cùng kỳ năm 2024 - mức sụt giảm còn nghiêm trọng hơn thời kỳ đỉnh điểm của cuộc Đại suy thoái. Hơn 1/5 số tàu lớn dự kiến cập cảng Los Angeles trong tháng này đã hủy chuyến và con số này sẽ còn tăng.
Các mức thuế 145% mà ông Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc cùng với những mức thuế trả đũa ba chữ số của Trung Quốc đang nhanh chóng làm gián đoạn dòng chảy hàng hóa qua Thái Bình Dương, từ thiết bị điện tử, quần áo, đồ nội thất, linh kiện công nghiệp đến mọi thứ khác mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trao đổi.
Ông Joseph Gregorio Jr., Giám đốc điều hành công ty Pacific Companies chuyên cung cấp dịch vụ vận tải, kho bãi và bốc xếp hàng hóa, nói: “Tôi không thể tưởng tượng chính phủ chúng ta có thể duy trì tình trạng hiện tại thêm 30 ngày nữa. Tôi nghĩ điều này không bền vững. Tôi nghĩ người tiêu dùng không thể chịu nổi. Tôi cũng không chắc trong 60 hay 90 ngày tới sẽ còn đủ hàng trên kệ cho mọi người mua”.
Khi các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc gặp nhau tại Thụy Sĩ cuối tuần qua để tìm cách hạ nhiệt căng thẳng thương mại, công nhân bốc xếp tại cảng làm việc ít giờ hơn. Các tài xế xe tải chuyên chở container đến và đi từ cảng đã bắt đầu giao chìa khóa xe cho ngân hàng thay vì tiếp tục thanh toán cho những chiếc xe dư thừa.
Sau khi tăng khoảng 5,5% trong tháng 4, lượng hàng nhập khẩu container vào Los Angeles trong tháng này dự kiến sẽ giảm 25%. Sự điều chỉnh đột ngột đang diễn ra tại đây cho thấy cái giá phải trả khi chuyển đổi từ hệ thống thương mại toàn cầu mà Tổng thống Trump cho là đã liên tục làm người Mỹ thiệt thòi, sang một “kỷ nguyên vàng” như ông hứa hẹn.
Ông Mark Muro, thành viên cao cấp tại Viện Brookings, nói: “Tầm nhìn của ông Trump về một nền kinh tế tự cung tự cấp đồng nghĩa với việc nhập khẩu ít đi và sản xuất nhiều lên. Nếu điều này trở thành hiện thực, sẽ kéo theo những tác động địa lý rõ rệt: các khu vực ven biển có thiên hướng ủng hộ đảng Dân chủ chịu thiệt hại nhiều hơn, còn các khu vực có thiên hướng ủng hộ đảng Cộng hòa có lợi từ hoạt động xây dựng nhà máy”.
Nếu ông Trump tiếp tục theo đuổi mục tiêu biến nền kinh tế Mỹ thành pháo đài tự cung tự cấp, triển vọng tăng trưởng của các cộng đồng cảng bị ảnh hưởng và ảnh hưởng tới các nơi như Seattle, Houston, Savannah (Georgia), Baltimore và New York. Theo ông Gene Seroka, Giám đốc điều hành cảng Los Angeles, cứ 9 việc làm trong khu vực gồm 5 quận ở Nam California thì có 1 việc gắn với dòng chảy hàng hóa, tức là hơn 1 triệu người, bao gồm nhân viên giao nhận, môi giới, công nhân kho, tài xế xe tải và công nhân bốc xếp.
Bà Brandi Good là thế hệ thứ ba trong gia đình làm việc tại cảng. Là phó chủ tịch Nghiệp đoàn Bốc xếp và Kho bãi Quốc tế Local 13, bà cho biết tình trạng chững lại của dòng hàng hóa đang lan rộng. Bà nói: “Chúng tôi đang cảm nhận rõ tác động. Tác động đã bắt đầu xảy ra rồi”.
Những người đầu tiên bị cắt giảm giờ làm là công nhân thời vụ vốn làm theo ca, không có lịch làm việc đảm bảo. Theo hợp đồng nghiệp đoàn, công nhân chính thức vẫn được đảm bảo một mức lương nhất định ngay cả khi không có việc. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người đang làm ít ca hơn hoặc nhận các công việc có mức lương thấp hơn bình thường.
Vào ngày 9/5, chỉ có đủ việc cho 33 nhóm bốc xếp (mỗi nhóm thường khoảng 12 người), giảm từ 50 nhóm vào giữa tháng 4.
Cho đến nay, Tổng thống Trump tỏ ra không mấy thông cảm với những người bị ảnh hưởng bởi tình trạng đình trệ tại cảng. Tuần trước, ông gọi đó là “một điều tốt, chứ không phải xấu”, vì đồng nghĩa với giảm bớt hoạt động thương mại “bất công” với Trung Quốc - điều mà ông cho là đã khiến ngành sản xuất của Mỹ suy yếu.
Ít nhất là ở thời điểm hiện tại, các mức thuế của ông Trump đang như một chiếc garô thắt chặt dòng hàng hóa từ các nhà máy Trung Quốc đến người tiêu dùng Mỹ. Lần đầu tiên kể từ khi Trung Quốc gia nhập hệ thống thương mại toàn cầu năm 2001, người Mỹ không còn mua số lượng lớn hàng hóa giá rẻ Trung Quốc.
Các nhà máy xuất khẩu của Trung Quốc vẫn hoạt động nhưng ngày càng nhiều sản phẩm của họ được chuyển đến khách hàng ở châu Âu, Đông Nam Á và châu Phi thay vì Mỹ. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 đã tăng 8% so với cùng kỳ năm 2024, trong khi lượng hàng xuất sang Mỹ giảm 21%.
Cảng hàng hóa ở Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Bất chấp làn sóng nhập khẩu gấp rút vào Mỹ trước khi thuế quan có hiệu lực, lượng hàng tồn kho của các nhà bán lẻ hiện nay so với doanh số bán hàng vẫn thấp hơn thời điểm ngay trước đại dịch. Điều này cho thấy các cửa hàng có thể sẽ thiếu một số mặt hàng chỉ trong vài tuần tới.
Ngay cả khi ông Trump đàm phán để loại bỏ những loại thuế cao nhất, nhiều chuyên gia phân tích và lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng mức thuế phổ quát 10% của ông sẽ trở thành vĩnh viễn. Hàng hóa Trung Quốc – vốn chiếm gần một nửa lượng hàng cập cảng Los Angeles – nhiều khả năng sẽ phải chịu thuế cao hơn, dù không ai có thể dự đoán chính xác là bao nhiêu.
Với một số doanh nghiệp vận tải hàng hóa, làn sóng áp thuế nhập khẩu của ông Trump đã khiến môi trường vốn khó khăn càng thêm khắc nghiệt. Cạnh tranh giữa các công ty xe tải phục vụ cảng đang trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Mức giá nhiều nơi gần như không thay đổi so với một thập kỷ trước. Một số công ty xe tải nhỏ gần đây đã nộp đơn phá sản. Giá cổ phiếu của các công ty vận tải lớn như J.B. Hunt và Schneider National đã giảm hơn 20% trong năm nay.
Trong diễn biến mới nhất, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí giảm thuế đánh vào hàng hóa của nhau sau khi phái đoàn hai nước vừa kết thúc cuộc đàm phán cấp cao 2 ngày ở Geneva (Thụy Sĩ) vào cuối tuần. Cụ thể, Mỹ giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống còn 30% trong 90 ngày. Đổi lại, Trung Quốc giảm thuế đối với hàng hóa Mỹ từ 125% xuống 10% trong cùng thời gian trên.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh cuộc đàm phán cấp cao giữa giới chức hai nước về thương mại và thuế quan ở Geneva đã đạt những tiến triển tích cực. Tuyên bố chung sau cuộc họp ghi nhận tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế và thương mại song phương đối với cả hai quốc gia cũng như nền kinh tế toàn cầu. Cả Mỹ và Trung Quốc đều khẳng định vai trò cần thiết của mối quan hệ kinh tế và thương mại bền vững, lâu dài và cùng có lợi.
Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/thue-quan-cua-tong-thong-trump-giang-don-vao-cac-cang-nhon-nhip-nhat-nuoc-my-20250512152815846.htm