Những vấn đề sâu xa đang bắt đầu lộ diện
Chỉ vài giờ trước chuyến thăm Nhà Trắng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ áp thuế đối ứng lên các đối tác thương mại.
Điều này xảy ra vào đúng thời điểm khó khăn đối với Ấn Độ, quốc gia vốn đã bị đè nặng bởi sự suy giảm kinh tế và nhu cầu tiêu dùng trì trệ.
Tại cuộc họp báo chung, ông Trump cho biết, Ấn Độ sẽ mua máy bay chiến đấu F-35 cùng dầu khí từ Hoa Kỳ. Hai nước cũng sẽ bắt đầu đàm phán về thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Ấn Độ.
Ấn Độ đang có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ, vì vậy những cuộc đàm phán này cùng với việc mua sắm vũ khí và năng lượng có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế Ấn Độ trong bối cảnh tăng trưởng đang chững lại.
Dự kiến tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ sẽ đạt 6,4% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3, mức thấp nhất trong bốn năm qua. Trước đó, chính phủ của ông Modi đã công bố gói giảm thuế thu nhập cho tầng lớp trung lưu.
Chỉ vài ngày sau, ngân hàng trung ương nước này đã cắt giảm lãi suất cơ bản lần đầu tiên sau gần 5 năm, hạ 0,25% xuống còn 6,25%. Thống đốc Sanjay Malhotra cho biết, chính sách tiền tệ ít thắt chặt hơn là phù hợp trong bối cảnh "động lực tăng trưởng - lạm phát" hiện tại.
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng gói giảm thuế có thể không đủ để hỗ trợ phần lớn người dân Ấn Độ, những người có thu nhập dưới mức phải chịu thuế và vẫn đang chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
"Có một lượng lớn người dân mà quá trình phục hồi vẫn chưa quay trở lại sau đại dịch", ông Kaushik Basu, giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell cho biết. "Chúng tôi thấy điều này qua dữ liệu lực lượng lao động trong nông nghiệp đã tăng lên. Và có thể, nông nghiệp chỉ là nơi tạm thời để họ trụ lại".
Theo ông Basu, những người này đã rời bỏ công việc tại thành phố trong thời gian phong tỏa nghiêm ngặt, kéo dài ở Ấn Độ vì Covid-19 và trở về làng quê. Không có đủ việc làm với mức lương tốt ở thành phố để họ quay lại, những người này đã ở lại quê nhà làm công việc nông nghiệp thời vụ.
Những người lao động và gia đình của họ chờ lên xe buýt để đến ga xe lửa, bắt tàu về quê nhà trong thời gian phong tỏa vì đại dịch Covid-19 tại New Delhi, Ấn Độ, vào ngày 26/5/2020. (Ảnh: Adnan Abidi/Reuters]
Ông Dhiraj Nim, nhà kinh tế tại ANZ Bank dự đoán, gói giảm thuế sẽ có tác động 0,2% đối với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). "Người dân sẽ tiêu dùng nhiều hơn một chút, nhưng họ cũng sẽ tiết kiệm nhiều hơn. Một số khoản vay cá nhân sẽ được thanh toán. Tôi không nghĩ rằng mức tăng tiêu dùng sẽ đủ bù đắp hoàn toàn khoản 1.000 tỷ rupee (11,5 tỷ USD) đã được đưa ra để hỗ trợ", ông nói.
Hơn nữa, bất kỳ sự thúc đẩy kinh tế nào cũng chỉ là biện pháp ngắn hạn, trong khi những vấn đề mà gói hỗ trợ nhắm đến là "căn bản hơn", bà Alexandra Hermann, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics cảnh báo.
"Không có gì trong ngân sách nhằm giải quyết vấn đề việc làm hay đào tạo kỹ năng" bà nói, trong khi những điều này mới có thể dẫn đến tăng trưởng bền vững. Hiện chỉ khoảng 2% người dân Ấn Độ đóng thuế thu nhập, trong khi thất nghiệp và thiếu việc làm vẫn ở mức cao, bà Alexandra Hermann cho biết.
Một phần sự chững lại của Ấn Độ có thể là do nhu cầu suy giảm theo chu kỳ sau giai đoạn phục hồi mạnh mẽ hậu đại dịch. Lúc đó, các lãnh đạo ngành và quan chức chính phủ tin rằng Ấn Độ đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. Quốc gia này hiện là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới và được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba vào năm 2030.
Tuy nhiên, giờ đây, "những vấn đề tiềm ẩn bên dưới tăng trưởng đã lộ diện," ông Basu của Đại học Cornell nói. "Bất bình đẳng đã tồn tại ít nhất hai thập kỷ qua, nhưng những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay là chưa từng thấy kể từ năm 1947", năm mà Ấn Độ giành được độc lập từ Anh.
Cân bằng kinh tế mong manh
Chính phủ đã cố gắng kích thích tăng trưởng bằng cách tăng chi tiêu mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng như đường xá và cầu cống. Tuy nhiên, các gói kích thích trong đại dịch khiến chính phủ cần phải thắt lưng buộc bụng để đạt mục tiêu thâm hụt ngân sách 4,5% vào năm tới. Việc giảm chi tiêu này cũng có thể làm mất đi phần nào tác dụng thúc đẩy mà gói giảm thuế thu nhập mang lại, theo ông Nim của ANZ.
Chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Modi diễn ra giữa lúc nền kinh tế Ấn Độ đang ở thời điểm nhạy cảm. Tổng thống Trump đã nói về thuế nhập khẩu cao của Ấn Độ đối với ô tô Mỹ và các sản phẩm khác nhằm bảo vệ ngành công nghiệp nội địa cũng như tạo việc làm trong nước.
Tiêu dùng trong nước đang chậm lại ở Ấn Độ, cho thấy một vấn đề lớn hơn đằng sau sự suy thoái kinh tế (Ảnh:Francis Mascarenhas/Reuters)
Ấn Độ, giống như Mexico và Canada, cũng sẽ bước vào đàm phán để thu hẹp thặng dư thương mại, nhưng điều này có thể bao gồm những nhượng bộ khiến ngành công nghiệp Ấn Độ bị tổn thương, cùng những khoản mua sắm mà nước này khó có thể kham nổi.
"Điều đáng chú ý là chính phủ Ấn Độ đã cố gắng tránh các biện pháp áp thuế. Một lý do lớn cho điều này là tăng trưởng kinh tế đang mong manh", ông Michael Kugelman, Giám đốc Viện Nam Á tại Trung tâm Wilson, một tổ chức tư vấn ở Washington, cho biết.
Chính phủ Ấn Độ cũng đã chấp nhận 100 người bị trục xuất đầu tiên từ Hoa Kỳ mà không có phản đối chính thức, dù họ bị đưa về trên máy bay quân sự và bị còng tay. Tại cuộc họp báo, ông Modi nói rằng đây là những nạn nhân của nạn buôn người, điều cần phải chấm dứt. Ông không đề cập đến việc họ bị đối xử thế nào ở Hoa Kỳ như một số nước khác đã lên tiếng bảo vệ công dân của mình.
Thuế nhập khẩu thép cao mà Hoa Kỳ đã công bố chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Ấn Độ. Tuy nhiên, theo ông Hermann của Oxford Economics, nền kinh tế Ấn Độ chủ yếu dựa vào tiêu dùng nội địa nhiều hơn so với các nền kinh tế châu Á khác.
Ông Kartik Muralidharan, giáo sư kinh tế tại Đại học California, San Diego, cho biết chương trình trợ cấp lương thực mở rộng của chính phủ đã hỗ trợ tầng lớp thu nhập thấp của Ấn Độ và có thể giúp họ tham gia vào nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông và các chuyên gia khác nhấn mạnh rằng Ấn Độ cần cải cách kinh tế sâu rộng hơn để khuyến khích tăng trưởng cao hơn và công bằng hơn.
Ông Basu gợi ý rằng bất bình đẳng gia tăng sẽ được giải quyết tốt nhất bằng cách "đánh thuế cao hơn một chút đối với giới siêu giàu và dùng số tiền đó để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ".
Thế Hải (Theo Aljazeera)