Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/7 tiếp tục thông báo các mức thuế quan mới với 8 quốc gia, trong đó mức cao nhất 50% dành cho Brazil
Các mức thuế đối ứng của Mỹ dành cho các nước này bao gồm mức thấp nhất 20% đối với Philippines, 25% đối với Brunei và Moldova, 30% đối với Sri Lanka, Algeria, Iraq, và Libya và mức cao nhất 50% dành cho Brazil.
Động thái trên được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Tổng thống Trump gửi thư thông báo mức thuế đối ứng mới, dao động từ 25-40%, tới 14 quốc gia.
Mức thuế (%)
Philippines
20
Brunei
25
Moldova
25
Sri Lanka
30
Algeria
30
Iraq
30
Libya
30
Brazil
50
Nhật Bản
25
Hàn Quốc
25
Thái Lan
36
Malaysia
25
Indonesia
32
Nam Phi
30
Campuchia
36
Bangladesh
35
Kazakhstan
25
Tunisia
25
Serbia
35
Laos
40
Myanmar
40
Bosnia and Herzegovina
30
Tương tự như các thư thuế quan được nhà lãnh đạo Mỹ công bố lần đầu tiên hôm 7/7, thuế quan được công bố không quá chênh lệch so với mức cảnh báo hồi tháng 4, song một số đối tác nhận mức thuế thấp hơn đáng kể trong lần thông báo lần này.
Tổng thống Trump khẳng định thuế đối ứng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8 và không có gia hạn miễn áp dụng. Ông nhấn mạnh đây là phản ứng trước những mối quan hệ thương mại "không cân xứng".
Ngoài các mức thuế nhắm vào hàng hóa từ các quốc gia khác, Tổng thống Mỹ cũng đã áp dụng thuế cụ thể với các ngành như thép, nhôm và ô tô. Mới đây nhất, ngày 8/7, Tổng thống Trump thông báo thuế đối ứng cũng sẽ được áp đặt với đồng và dược phẩm.
Các hãng ô tô Nhật Bản ứng phó thuế quan Hoa Kỳ
Trong bối cảnh Nhật Bản và Mỹ vẫn chưa đạt được thỏa thuận về vấn đề thuế quan của Mỹ đánh vào ô tô nhập khẩu, các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản đang phải tính toán biện pháp tăng giá để bù đắp chi phí cao hơn, cũng như vạch sẵn phương án ứng phó trong trường hợp nhu cầu thị trường giảm.
Trong thư thông báo hôm 7/7, Tổng thống Trump thông báo áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản kể từ ngày 1/8, cao hơn mức cũ là 24%. Thuế đối ứng này không ảnh hưởng đến các mức thuế cụ thể theo từng ngành đã có hiệu lực như thuế đối với ô tô, phụ tùng ô tô, thép và nhôm.
Ông Hiroki Shibata, Giám đốc điều hành S&P Global Ratings, nhận định các nhà sản xuất ô tô, đặc biệt là những nhà sản xuất có doanh số thấp hoặc đang trong khủng hoảng quản lý, sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá xe.
Toyota – hãng xe lớn nhất Nhật Bản – được đánh giá ít chịu tác động hơn nhờ nhu cầu ổn định với xe hybrid tại Mỹ. Tuy nhiên, hãng vẫn ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận lên tới 180 tỷ yen (1,24 tỷ USD) chỉ sau hai tháng chịu thuế. Từ 1/7, Toyota đã tăng giá trung bình 270 USD/xe và 208 USD với dòng Lexus.
Honda ước tính mức thiệt hại trong năm tài khóa hiện tại lên tới 650 tỷ yen, dù hãng đang nỗ lực thu hút khách hàng Mỹ bằng dòng xe hybrid của mình. Trong khi đó, Nissan dự báo lợi nhuận giảm 450 tỷ yen và đang tái cấu trúc quy mô toàn cầu, bao gồm cắt giảm sản xuất và nhân sự. Mitsubishi tạm dừng giao xe từ cảng Mỹ và điều chỉnh tăng giá một số mẫu lên 2,1%.
Theo S&P Global Ratings, doanh số ô tô tại Mỹ có thể giảm còn 1 triệu xe vào năm 2026 do giá bán tăng. Ô tô hiện chiếm khoảng 70% tổng xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ, song các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên hiện chưa đạt nhiều tiến triển, làm tiêu tan hy vọng của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản về một thỏa thuận có thể giúp loại bỏ hoặc chí ít là cắt giảm mức thuế 25% đánh vào mặt hàng ô tô nhập khẩu vào Mỹ.
EU sẵn sàng cho mọi kịch bản thuế
Liên minh châu Âu (EU) đang đẩy mạnh nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận thương mại khung với Mỹ trước ngày 1/8, trong đó tập trung vào yêu cầu giảm thuế ngay lập tức và cam kết không áp dụng thêm biện pháp hạn chế mới. Tuy nhiên, các đề xuất này đến nay chưa nhận được phản hồi từ Washington.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, ngày 9/7 cho biết EU đang hợp tác chặt chẽ với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump về thỏa thuận thương mại, đồng thời chuẩn bị cho mọi kịch bản có thể xảy ra.
Cùng ngày, một người phát ngôn của EC cũng cho biết EU đang nỗ lực hoàn tất thỏa thuận thương mại với Mỹ vào trước ngày 1/8, thậm chí có thể ngay trong vài ngày tới. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Friedrich Merz cho rằng việc hai bên có thể đạt được thỏa thuận vào cuối tháng này là điều không dễ.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của EP, ông Bernd Lange, nhận định EU đang gặp khó khăn trong việc đạt được nhượng bộ từ Mỹ, nhất là các mức thuế cao đối với thép (50%), ô tô (25%) và thuế cơ bản 10% đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ.
Ngoài ra, quan chức này cũng bày tỏ lo ngại về mức thuế 50% đối với đồng vừa được Tổng thống Trump thông báo vốn sẽ được áp dụng trong thời gian tới, bên cạnh các mức thuế đối với chất bán dẫn và dược phẩm.
Thái Lan lo ngại mức thuế 36% sẽ "giáng đòn" vào xuất khẩu, việc làm
Phóng viên TTXVN tại Bangkok dẫn thông báo của Liên đoàn các nhà tuyển dụng của Thái Lan (EconThai) bày tỏ lo ngại về mức thuế mới 36% mà chính quyền Tổng thống Trump sẽ áp với hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan kể từ ngày 1/8 tới.
EconThai nhận định, mức thuế này cao hơn so với thuế Mỹ áp cho các đối thủ cạnh tranh của Thái Lan trong khu vực, qua đó tạo áp lực lớn lên ngành sản xuất trong nước và có thể khiến người lao động Thái Lan gánh chịu hậu quả nghiêm trọng. Các nhà xuất khẩu sẽ chịu tác động đầu tiên, với tổng giá trị xuất khẩu được dự báo giảm hơn 50% ngay trong tháng này.
Ông Tanit Sorat - Phó Chủ tịch EconThai khiêm Chủ tịch Hội đồng tư vấn phát triển lao động quốc gia - dự báo nhiều người lao động Thái Lan có nguy cơ sẽ bị mất việc làm và tình trạng thất nghiệp có thể gây ra những tác động kéo dài đến tận năm 2026.
Thuế cao sẽ buộc các nhà sản xuất phải giảm sản lượng, sa thải nhân công và giảm biên lợi nhuận do phải cạnh tranh gay gắt hơn với các nước khác trong khu vực.
Trước đó, Ủy ban Thường trực chung về Thương mại, Công nghiệp và Ngân hàng Thái Lan cũng cảnh báo rằng nếu Mỹ áp thuế 36%, tăng trưởng GDP của Thái Lan có thể giảm xuống còn 0,7–1,4%, trong khi kim ngạch xuất khẩu dự kiến giảm khoảng 2%.
Tuy vậy, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) – ông Kriengkrai Thiennukul – vẫn bày tỏ lạc quan rằng Chính phủ Thái Lan có thể đạt được thỏa thuận với Mỹ về mức thuế thấp hơn.