Hoạt động tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Kết thúc phiên này, chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 962,82 điểm, tương đương 5,82%, xuống 15.587,79 điểm. Diễn biến này xác nhận chỉ số Nasdaq đã chính thức bước vào giai đoạn giảm giá mạnh và kéo dài, so với mức kỷ lục 20.173,89 điểm ghi nhận ngày 16/12/2024.
Trong khi đó, Dow Jones giảm 2.231,07 điểm, tương đương 5,50%, xuống 38.314,86 điểm. Như vậy chỉ số này đã bước vào giai đoạn điều chỉnh so với mức đóng cửa kỷ lục 45.014,04 điểm vào ngày 4/12/2024. Chỉ số tổng hợp S&P 500 mất 322,44 điểm, tương đương 5,97%, đóng cửa ở mức 5.074,08 điểm, mức thấp nhất trong 11 tháng.
Tính chung cả tuần, S&P 500 giảm 9,1%, Dow Jones giảm 7,9% và Nasdaq giảm 10%. Đặc biệt, đáng chú ý, cả ba chỉ số đều ghi nhận mức giảm trong hai ngày lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 gây ra sự hoảng loạn toàn cầu trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump. Trong hai phiên 3-4/4, chỉ số Dow Jones giảm 9,3%, S&P 500 giảm 10,5% và Nasdaq giảm 11,4%. Theo dữ liệu từ Dow Jones Market Data, giá trị cổ phiếu Mỹ đã bốc hơi khoảng 9.600 tỷ USD kể từ ngày 17/1, tức phiên cuối cùng trước khi Tổng thống Trump tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai. Và khoảng 5.000 tỷ USD trong số đó đã biến mất chỉ trong hai phiên 3-4/4, đánh dấu hai ngày sụt giảm giá trị thị trường lớn nhất trong lịch sử.
Hậu quả từ việc ông Trump áp thuế quan trên diện rộng đã làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Triển vọng này đã xóa sạch hàng nghìn tỷ USD giá trị của các công ty Mỹ. Chỉ số biến động CBOE, thước đo nỗi quan ngại của thị trường chứng khoán Mỹ, đóng cửa phiên 4/4 ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2020, cho thấy sự hoảng loạn ngày càng tăng trong giới đầu tư.
Kể từ cuối ngày 2/4, khi ông Trump tăng rào cản thuế quan lên mức cao nhất trong hơn một thế kỷ, các nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu, vì lo ngại về triển vọng kinh tế của Mỹ và cách các đối tác thương mại của Mỹ có thể trả đũa bằng việc tăng cường rào cản thương mại. Khối lượng giao dịch cổ phiếu kỷ lục đã được ghi nhận vào ngày 4/4, với khoảng 26,79 tỷ cổ phiếu được giao dịch trên các sàn giao dịch của Mỹ, vượt qua mức cao trước đó là 24,48 tỷ cổ phiếu được giao dịch vào ngày 27/1/2021.
Ông Steve Sosnick, chiến lược gia trưởng tại công ty môi giới chứng khoán Interactive Brokers, cho rằng mức độ tồi tệ của tình hình hiện tại phụ thuộc vào việc Chính phủ Mỹ có thực sự kiên quyết thực hiện những chính sách này, vốn đang bị thị trường phản đối.
Các nước trên thế giới đã bắt đầu phản ứng với thông báo về thuế quan của ông Trump, từ đó đè nặng hơn nữa lên tâm lý của các nhà đầu tư. Ủy ban Thuế quan của Quốc vụ viện Trung Quốc thông báo sẽ áp dụng mức thuế bổ sung 34% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc từ Mỹ, ngoài các mức thuế hiện hành. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10/4, được xem là động thái trực tiếp đáp lại mức thuế đối ứng 34% mà Tổng thống Trump đã công bố áp lên hàng hóa Trung Quốc vào ngày 2/4.
Đồng thời, Bộ Thương mại Trung Quốc đã đưa 11 thực thể (bao gồm Skydio) vào "danh sách thực thể không đáng tin cậy" và 16 thực thể Mỹ (bao gồm High Point Aerotech) vào danh sách kiểm soát xuất khẩu. Trung Quốc cũng tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với ống CT y tế nhập khẩu từ Mỹ và Ấn Độ.
Đáng chú ý, Trung Quốc quyết định thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với 7 loại mặt hàng đất hiếm trung bình và nặng (samarium, gadolinium, terbium, dysprosium, lutetium, scandium, yttrium), có hiệu lực ngay lập tức. Đất hiếm là thành phần quan trọng trong nhiều công nghệ cao, bao gồm cả thiết bị y tế và điện tử tiêu dùng.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã phát đi cảnh báo mạnh mẽ về việc đáp trả các mức thuế quan mới do Tổng thống Trump đề xuất, khẳng định sẽ sử dụng "các biện pháp pháp lý, chính đáng, tương xứng và quyết đoán". Chính phủ Vương quốc Anh ngày 3/4 khởi động cuộc tham vấn kéo dài 4 tuần với các doanh nghiệp về những biện pháp trả đũa thuế quan của Mỹ nếu hai nước không nhất trí được một thỏa thuận nhằm giảm thuế quan của Mỹ.
Còn Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết Canada sẽ áp dụng mức thuế 25% đối với tất cả các loại xe nhập khẩu từ Mỹ không tuân thủ Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).
Thủ tướng các nước Anh, Australia và Italy đã tổ chức các cuộc hội đàm về cách thức phản ứng với quyết định thuế quan của ông Trump.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 3/4 nhận định các biện pháp thuế quan diện rộng mới do Tổng thống Trump công bố đã đặt ra một rủi ro đáng kể đối với triển vọng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đang tăng trưởng chậm.
Về phần mình, ngân hàng JP Morgan dự báo có 60% khả năng nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái vào cuối năm nay, tăng từ mức 40% trước đó. Bà Mariam Adams, Giám đốc điều hành tại UBS Wealth Management, nhận định thế giới đang ở trong giai đoạn hỗn loạn của một cuộc chiến thương mại.
Sau khi ông Trump công bố các mức thuế quan đối ứng mới, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nhấn mạnh mức thuế quan cao bất ngờ này có thể khiến lạm phát tăng cao hơn và tăng trưởng chậm lại, đặt Fed đứng trước những quyết định đầy thách thức về chính sách tiền tệ.
Xu hướng mua vào các tài sản an toàn trên thị trường trái phiếu đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ xuống dưới 4%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng Mỹ giảm sâu hơn, vì lĩnh vực này đang chịu áp lực trên toàn cầu, khi triển vọng cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương và tác động của thuế quan đến tăng trưởng kinh tế sẽ làm giảm lợi nhuận ngân hàng. Chỉ số S&P Banks giảm 7,3%.
Khánh Ly/TTXVN (Tổng hợp)