Nhóm ngành nào "an toàn" trước việc Mỹ áp thuế quan lên Việt Nam?
Nhận định về chính sách thuế quan của Mỹ đối với Việt Nam và những tác động đến nền kinh tế, bà Đặng Nguyệt Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu của Dragon Capital cho rằng, mức thuế mà chính phủ Mỹ đưa ra cao hơn nhiều so với kỳ vọng của nhà đầu tư. Mức thuế áp dụng cho Việt Nam là 46% và được tính toán dựa trên tỷ lệ thâm hụt thương mại của Việt Nam so với tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ.
Cụ thể, chuyên gia từ Dragon Capital chỉ ra rằng, thâm hụt thương mại của Việt Nam đối với Mỹ là 129 tỷ USD, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là 142 tỷ USD, tương đương 91%. Chính phủ Mỹ sau đó áp dụng mức thuế bằng 50% của mức thuế mà họ cho là phù hợp và mức thuế này được áp dụng cho hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, ngoại trừ một số sản phẩm như thép, nhôm, ô tô và linh kiện ô tô, chịu mức thuế 25%. Một số sản phẩm khoáng sản hiếm của Việt Nam có thể không bị áp thuế, hoặc có quy định riêng.
Cũng theo chuyên gia từ Dragon Capital, tác động đầu tiên sẽ xảy ra thông qua xuất khẩu. Tác động này có thể sẽ khá lớn. Việc tăng thuế đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ sẽ khiến giá hàng hóa tăng và điều này sẽ làm giảm nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ.
Khi nhu cầu giảm, giá trị và sản lượng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng, giảm đi phần nào. Mức thuế 46% mà Mỹ áp dụng từ ngày 9/4 sẽ làm tăng chi phí xuất khẩu từ Việt Nam, khiến một số đơn hàng có thể chuyển sang các quốc gia khác có mức thuế ưu đãi hơn.
Cũng theo chuyên gia từ Dragon Capital, việc áp thuế mới dự kiến sẽ tác động mạnh đến nhu cầu hàng hóa của Mỹ, với mức ảnh hưởng dao động từ 66 - 315 tỷ USD. Khi mức thuế nhập khẩu trung bình vào Mỹ được ấn định khoảng 25%, tổng nhu cầu nhập khẩu của nước này có thể giảm 7,33%, tương đương gần 250 tỷ USD. Sự suy giảm này không chỉ ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu mà còn tác động trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu và triển vọng kinh tế của Việt Nam.
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ suy yếu, sức cầu đối với hàng hóa Việt Nam cũng chịu áp lực giảm theo. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt khoảng 142 tỷ USD. Với chính sách thuế mới, con số này có thể sụt giảm khoảng 13,4 tỷ USD, gây ra những thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.
Không chỉ dừng lại ở tác động từ nhu cầu giảm, mức thuế suất mới lên tới 46% - cao hơn đáng kể so với nhiều quốc gia khác còn tạo ra sự chênh lệch về chi phí xuất khẩu. Điều này có thể khiến nhiều doanh nghiệp và thương hiệu quốc tế cân nhắc dịch chuyển sản xuất sang những thị trường có mức thuế ưu đãi hơn, dẫn đến nguy cơ Việt Nam mất thêm khoảng 24 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.
Tổng tác động đến kim ngạch xuất khẩu và triển vọng kinh tế của Việt Nam sẽ khoảng 37,5 tỷ USD, tương đương với khoảng 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đây là một mức ảnh hưởng đáng kể. “Từ tác động này, chúng tôi cũng phân tích ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Theo ước tính, tác động trực tiếp và gián tiếp đến GDP của Việt Nam sẽ dao động trong khoảng từ 1,5% đến 2%” - chuyên gia từ Dragon Capital nhận định.
Trước những thay đổi trong chính sách thuế quan, chuyên gia từ Dragon Capital cho biết quan điểm về dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn được giữ nguyên so với đầu năm. Chính phủ Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt trong nửa cuối 2025, đồng thời tập trung nâng cao hiệu quả trong chi tiêu. Trên cơ sở đó, Dragon Capital đã xây dựng hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay.
“Từ cơ sở này, chúng tôi đưa ra hai kịch bản chính. Thứ nhất, với chính sách thương mại hiện tại, dù có sự bất ngờ đối với các nhà đầu tư toàn cầu, mức tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt từ 6,5% đến 7,5%. Thứ hai, nếu trong tương lai Việt Nam và các quốc gia khác có thể đàm phán để đưa ra các chính sách thuế linh hoạt hơn, thì tăng trưởng nội địa vẫn có thể duy trì trong khoảng mục tiêu từ 7,5% đến 9% mà Chính phủ đã đề ra” - chuyên gia từ Dragon Capital nhấn mạnh.
Chuyên gia từ Dragon Capital cho rằng, tỷ giá Việt Nam bị tác động bởi cả yếu tố ngoại cảnh và nội tại. Bên ngoài, triển vọng kinh tế Việt Nam và chính sách Mỹ, đặc biệt là thuế mới và lợi tức trái phiếu giảm, có thể làm đồng USD suy yếu, giảm áp lực lên tỷ giá.
Về nội tại, dự trữ ngoại hối 80 tỷ USD chưa cao và tâm lý nhà đầu tư cũng có thể gây biến động ngắn hạn. Tuy nhiên, dài hạn, tỷ giá phản ánh sức mạnh nền kinh tế hơn là các yếu tố bên ngoài.
Thu Hương