Đồng đô la giảm tới 2,6% so với đồng euro, mức giảm trong ngày lớn nhất trong một thập kỷ, và cũng chịu mức lỗ lớn so với đồng yên và bảng Anh.
Trên thị trường chứng khoán, chỉ số Nasdaq Composite của Phố Wall tập trung vào công nghệ đã giảm khoảng 6%, trong khi mức giảm của S&P 500 là mức giảm lớn nhất trong một ngày kể từ năm 2020.
"Sự sụt giảm đồng thời của cả cổ phiếu và đồng đô la Mỹ cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào chính sách thương mại của Trump", Fawad Razaqzada, nhà phân tích của City Index và FOREX.com, cho biết.
Tổng thống Donald Trump phát biểu trong sự kiện công bố thuế quan Mỹ tại khuôn viên Nhà Trắng. Ảnh: Nhà Trắng
Từ công nghệ cho đến hàng may mặc
Cổ phiếu của các công ty may mặc, vốn phụ thuộc vào nguồn lao động giá rẻ tại các nhà máy ở nước ngoài, đã giảm mạnh khi Nike giảm hơn 11% và Gap giảm hơn 20%.
Apple, công ty có dòng iPhone chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc, đã giảm hơn 9%. Trên toàn cầu, cổ phiếu của các ngành chính bao gồm ô tô, hàng xa xỉ và ngân hàng cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Cổ phiếu của hãng sản xuất xe Jeep Stellantis giảm 7,5% sau khi hãng này cho biết sẽ tạm dừng sản xuất tại một số nhà máy ở Canada và Mexico do mức thuế ô tô 25% có hiệu lực.
Chỉ số Nikkei của Tokyo đã giảm hơn 4% trong thời gian ngắn. Tại châu Âu, cả hai sàn giao dịch chứng khoán Paris và Frankfurt đều kết thúc ngày giao dịch với mức giảm hơn ba phần trăm.
Giá dầu giảm mạnh hơn 6% do lo ngại suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu.
Vàng, một tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn, đã đạt mức đỉnh mới là 3.167,84 đô la Mỹ một ounce trước khi giảm nhẹ. Lợi suất trái phiếu chính phủ giảm khi các nhà đầu tư rời bỏ các tài sản rủi ro và đổ tiền vào trái phiếu kho bạc an toàn.
Danh sách các mức thuế mà Mỹ áp đối với các quốc gia trên thế giới
Liệu có khả năng đàm phán?
Sự hoảng loạn xảy ra sau khi Tổng thống Mỹ công bố một loạt các mức thuế khắc nghiệt hơn dự kiến nhằm vào hầu hết các quốc gia. Các biện pháp này bao gồm mức thuế 34% đối với Trung Quốc, 20% đối với Liên minh châu Âu, 46% với Việt Nam và 24% đối với Nhật Bản.
Một số quốc gia khác sẽ phải đối mặt với mức thuế quan được thiết kế riêng, và đối với những quốc gia còn lại, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ áp dụng mức thuế "cơ bản" là 10%, bao gồm Vương quốc Anh.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt dường như loại trừ khả năng Trump sẽ hủy bỏ bất kỳ mức thuế nào trước khi chúng được áp dụng vào cuối tuần tới. Tuy nhiên, sau đó Trump cho biết ông sẽ đàm phán "miễn là họ đưa ra điều gì đó tốt đẹp".
Các quốc đang để ngỏ cánh cửa cho các cuộc đàm phán. Trung Quốc tuyên bố sẽ có "biện pháp đối phó" và thúc giục Washington hủy bỏ thuế quan, đồng thời kêu gọi đối thoại.
Người đứng đầu Liên minh châu Âu Ursula von der Leyen cho biết khối này đang "chuẩn bị cho các biện pháp đối phó tiếp theo" nhưng bà nhấn mạnh "chưa quá muộn để giải quyết các mối quan ngại thông qua đàm phán".
Hoàng Huy (theo CNA, AFP, CNN)