Thuế quan Mỹ và nguy cơ 'sốc giá': Việt Nam trong vai trò mắt xích của ngành giày dép toàn cầu

Thuế quan Mỹ và nguy cơ 'sốc giá': Việt Nam trong vai trò mắt xích của ngành giày dép toàn cầu
7 giờ trướcBài gốc
Theo Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO), kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam đạt 27,04 tỷ USD trong năm 2024, tăng 11,45% so với năm trước. Trong đó, thị trường Bắc Mỹ chiếm 41,4% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam.
Đáng chú ý, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 30,26% tổng lượng xuất khẩu giày dép trong 8 tháng đầu năm 2024, tương đương khoảng 4,93 tỷ USD.
Việt Nam hiện là một trong những trung tâm sản xuất chính của Skechers.
Việt Nam – cứ điểm sản xuất chiến lược bị đặt trong tầm ngắm
Brooks Running – thương hiệu giày thể thao thuộc sở hữu của Berkshire Hathaway – hiện đang sản xuất đến 85% sản lượng giày của mình tại Việt Nam. Dù đứng trước nguy cơ bị áp thuế nhập khẩu 46%, ban lãnh đạo công ty vẫn khẳng định tiếp tục gắn bó với Việt Nam và Indonesia vì đây là khu vực có năng lực sản xuất giày hiệu suất cao bậc nhất thế giới.
“Đông Nam Á sản xuất những đôi giày chạy tốt nhất toàn cầu, và chúng tôi đã đầu tư vào đây suốt hơn 20 năm với những đối tác đáng tin cậy,” CEO Brooks, ông Dan Sheridan, nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận mức thuế 46% sẽ tạo ra “cú sốc không thể chấp nhận với thị trường” và buộc các hãng phải cân nhắc lại mô hình giá bán lẻ – điều sẽ tác động trực tiếp tới người tiêu dùng Mỹ.
Đáng lưu ý, không chỉ Brooks, mà các ông lớn như Nike, Adidas, Skechers, Under Armour... – những hãng có tỷ lệ sản xuất lớn tại Việt Nam – cũng đang cùng lúc chịu sức ép tương tự, khiến họ đồng loạt ký vào thư kiến nghị gửi Tổng thống Trump đề nghị miễn thuế cho ngành giày dép.
Việc áp dụng mức thuế nhập khẩu 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam sẽ khiến các thương hiệu quốc tế đối mặt với áp lực chi phí gia tăng. Nike, với khoảng 50% sản lượng giày dép sản xuất tại Việt Nam, có thể phải tăng giá bán lẻ để bù đắp chi phí, điều này có thể ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng Mỹ.
Adidas, mặc dù đã giảm tỷ trọng sản xuất tại Trung Quốc, vẫn phụ thuộc vào Việt Nam cho khoảng 39% sản lượng giày dép. CEO Bjørn Gulden cảnh báo rằng các mức thuế mới sẽ làm tăng giá thành sản phẩm và có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Mỹ.
Skechers, với tỷ lệ sản xuất lớn tại Việt Nam, cũng đang xem xét lại chiến lược chuỗi cung ứng của mình. Việc công ty này vừa được mua lại bởi quỹ đầu tư 3G Capital với giá trị 9,4 tỷ USD có thể dẫn đến những thay đổi trong hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
Việt Nam hiện là một trong những trung tâm sản xuất chính của Skechers, cùng với Trung Quốc. Công ty đã cảnh báo rằng các chính sách thuế quan mới của Mỹ, đặc biệt là mức thuế nhập khẩu lên tới 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh, làm giảm biên lợi nhuận và tăng giá bán lẻ tại Mỹ.
Với việc Skechers trở thành công ty tư nhân dưới sự điều hành của 3G Capital, các nhà máy sản xuất tại Việt Nam có thể tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của hãng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị cho khả năng điều chỉnh đơn hàng, giá cả và chiến lược sản xuất để thích ứng với những thay đổi từ phía Skechers và các chính sách thương mại quốc tế.
Ngành giày dép Mỹ “đi trên dây” – sản xuất gắn liền với Việt Nam
Theo nhóm thương mại Footwear Distributors and Retailers of America (FDRA), khoảng 70% lượng giày thể thao tiêu thụ tại Mỹ được sản xuất tại Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia – trong đó Việt Nam chiếm một tỷ trọng đáng kể nhờ lợi thế về tay nghề, chi phí nhân công và môi trường đầu tư tương đối ổn định.
Việc chính quyền Trump xem xét áp thuế lên giày dép nhập khẩu từ Việt Nam trong khi đã ấn định mức thuế 145% với hàng từ Trung Quốc, khiến các doanh nghiệp Mỹ rơi vào thế khó: nếu rút khỏi Việt Nam để tránh thuế, họ gần như không còn phương án thay thế nào khác với năng lực sản xuất tương đương.
“Việc đánh thuế này sẽ không khiến sản xuất quay trở lại Mỹ như mong muốn của ông Trump. Thay vào đó, nó làm tăng giá thành, giảm sức tiêu thụ và đẩy hàng loạt doanh nghiệp nhỏ vào bờ vực phá sản,” FDRA cảnh báo trong thư gửi Nhà Trắng.
Việt Nam đã ghi dấu trong chuỗi giá trị giày dép toàn cầu không chỉ ở quy mô sản xuất mà còn ở tính ổn định chính sách, năng lực gia công và cam kết dài hạn với các thương hiệu. Tuy nhiên, sự phụ thuộc cao vào thị trường Mỹ – nơi tiêu thụ phần lớn sản phẩm giày dép có nguồn gốc Việt Nam – cũng đặt ra thách thức lớn nếu thuế quan được áp dụng trên diện rộng.
Giới phân tích cho rằng các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam như Nike, Adidas... nhiều khả năng sẽ không rút đi ngay lập tức, nhưng sẽ buộc phải phân tán rủi ro bằng cách đa dạng hóa đơn hàng hoặc đàm phán lại với nhà cung cấp trong nước về chi phí.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội định hình lại vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, không chỉ là “nhà máy sản xuất giày” mà còn là đối tác chiến lược lâu dài với các tập đoàn lớn. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này, cần thiết có chính sách ổn định, hỗ trợ doanh nghiệp nội địa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng nhân công và chuẩn hóa quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế.
Trong bối cảnh Mỹ có thể mở rộng thuế quan, việc duy trì quan hệ thương mại đa phương và các hiệp định tự do thương mại như CPTPP, EVFTA... sẽ là lá chắn quan trọng giúp Việt Nam tránh phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, đồng thời gia tăng sức cạnh tranh trong các ngành công nghiệp xuất khẩu.
Thùy Linh
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//viet-nam/thue-quan-my-va-nguy-co-soc-gia-viet-nam-trong-vai-tro-mat-xich-cua-nganh-giay-dep-toan-cau-1106540.html